Chết là hết, để lại cho người còn sống hầu hết chỉ là kỷ niệm, hình ảnh, và những vật dụng cá nhân của người quá cố. Nhưng ngày nay, công nghệ và Internet có thể thay đổi kết cục của cái chết: dấu ấn kỹ thuật số của bạn có thể tồn tại thậm chí ngay sau khi bạn đã qua đời. Một nghệ sĩ ở Los Angeles khám phá những điều có thể làm với các dữ liệu bạn để lại và đã thành lập một công ty biến điều không tưởng thành khả dĩ có tên gọi là ‘Viện Kiếp sau’, cho thấy cách mà mai này chúng ta có thể tưởng nhớ người quá cố.
‘Viện Kiếp sau’ một phần là công ty công nghệ, một phần là nhà tang lễ. Khách tới đây để tìm cách hoạch định cuộc sống kỹ thuật số sau khi qua đời.
Bà Carolina Miranda, một người tham gia ý tưởng này, cho biết:
“Tôi có những người bạn đã qua đời và vì lý do nào đó, tài khoản Facebook của họ vẫn tồn tại, và vì thế, mỗi năm một lần vào ngày sinh nhật của họ, Facebook lại nhắc ‘chúc mừng sinh nhật họ’. Điều này thật khó xử và buồn…”
Điều gì sẽ xảy ra với một lượng lớn dữ liệu kỹ thuật số khi một ai đó qua đời là câu hỏi được nhà sáng tạo Gabriel Barcia-Colombo nghiên cứu trong chương trình nghệ thuật nhập vai tại Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles. Những người tham gia trải nghiệm một loạt các cuộc trình diễn tương tác liên quan tới cái chết và công nghệ trong thời đại của truyền thông xã hội.
Anh Gabriel Barcia-Colombo, người sáng lập ‘Viện Kiếp sau’, chia sẻ:
“Công nghệ này có một đời sống riêng, và câu hỏi đặt ra là: Bạn muốn được tưởng nhớ thế nào? Bạn sẽ làm gì với công nghệ của mình? Và bạn có muốn kiểm soát chúng hay bạn để cho các công ty hoặc người khác xử lý những kỷ niệm của riêng mình?”
Tại ‘Viện Kiếp sau’, các hình ảnh video có thể được đặt vào đồ trang sức. Dữ liệu có thể được ghi lại để phát trên Đài tưởng niệm Kiếp sau. Công nghệ thực tế ảo cho phép người ta thăm lại một người thân yêu đã qua đời, và trong trường hợp này, là ông của Barcia-Colombo.
Anh Gabriel Barcia-Colombo nói:
“Với tất cả những dữ liệu và video kỷ niệm như thế này, chúng tôi có thể thực sự tưởng tượng ra được mọi người xúc động hay phản ứng ra sao trước những câu đùa hay cách họ cười, cho nên, được nhìn thấy ông tôi lại dạo bước trong khu vườn tái tạo này thật sự làm tôi rất xúc động".
Một người tham gia tên là Lucy Redoglia, cho biết:
“Cảm thấy hơi khó khăn và đau lòng khi nhìn thấy người thân yêu”.
Bà Carolina Miranda, tiếp lời:
“Đây không phải là bản sao hoàn hảo của mỗi người. Vẫn là phiên bản kỹ thuật số hóa… Vì thế tôi nghĩ là nó có chức năng tưởng niệm, chứ không cho là có nguy cơ trở thành một thứ mà bạn có thể gần như khó tách rời vì đây chỉ là một sự thay thế một con người thật”.
Hình scan 360 độ của cơ thể được dùng làm hình đại diện avatar ở cuối buổi trình diễn, lúc mà khách hàng sẽ được dự lễ tang của chính mình.
‘Viện Kiếp sau’ có thể là sự sáng tạo của một nghệ sĩ, nhưng những người tham gia cho biết những ý tưởng ấy không quá xa vời bởi vì chúng ta đang có những hoạt động tưởng nhớ thông qua kỹ thuật số khi một ai đó qua đời.
Bà Lucy nói:
“Bạn muốn trở lại nhìn tất cả những hình ảnh của họ và muốn nhắn tin cho gia đình họ”.
Bà Carolina cho rằng:
“Tưởng niệm kỹ thuật số ngẫu hứng như thế đang tồn tại, và tôi nghĩ điều này ám chỉ rằng một ngày nào đó, những gì ngẫu hứng sẽ được chính thức hóa. Và điều đó không khiến tôi ngạc nhiên”.
Mục đích của chương trình là khiến mọi người suy nghĩ về các khả năng và những gì họ muốn làm với các dấu ấn kỹ thuật số của mình sau khi qua đời.