Ông Ashraf Ghani đã tuyên thệ vào chức vụ tân tổng thống Afghanistan trong một động tác được ca ngợi là sự chuyển quyền một cách dân chủ lần đầu tiên ở nước này. Trong bài diễn văn nhậm chức hôm nay, cựu quản trị viên Ngân hàng Thế giới kêu gọi phe Taliban và các nhóm nổi dậy khác vào bàn đàm phán chính trị, và nói rằng người dân Afghanistan đã chán ngán chiến tranh.
Lễ nhậm chức tại dinh tổng thống Kabul diễn ra trước một số đông quan khách nước ngoài, trong đó Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain và cố vấn cấp cao của tổng thống Hoa Kỳ, ông John Podesta.
Ít lâu trước khi làm lễ tuyên thệ, Tổng thống Ashraf Ghani đã kêu gọi phe Taliban và các phần tử nổi dậy chống chính phủ tham gia các cuộc hoà đàm để chấm dứt cuộc đổ máu trong nước.
Rõ ràng muốn đề cập đến thoả thuận với ông Abdullah, tổng thống nhấn mạnh rằng xung đột không phải là cách thức để giải quyết các bất đồng chính trị.
Ông Ghani nói: “Chúng ta đã xác định rằng các bất đồng chính trị có thể được giải quyết thông qua các phương tiện chính trị, và trong bối cảnh này, tôi kêu gọi Taliban và Hezb-i-Ilsami hãy đến bàn thương nghị dự các cuộc đàm phán chính trị.”
Hezb-i-Islami là một phe phái chủ chiến Afghanistan chống lại lực lượng NATO độc lập với phe Taliban. Tổng thống Ghani nói an ninh là một yêu cầu chính đối với tất cả người dân Afghanistan và ông sẽ làm tất cả mọi cách có thể được để vãn hồi hoà bình trong nước.
Nhà lãnh đạo Afghanistan giảng giải: “Chúng tôi chán ngán chiến tranh và thông điệp của chúng tôi là một thông điệp hoà bình nhưng không nên coi đó là yếu điểm của chúng tôi.”
Phe Taliban chưa có phản ứng tức thời, nhưng các nhóm chủ chiến đã bác bỏ thoả thuận giữa ông Ghani và ông Abdullah như một sự đồng ý được Hoa Kỳ dàn dựng.
Phe nổi dậy Taliban đã tăng cường các cuộc tấn công trong những tháng gần đây và đã chiếm phần đất ở một số vùng biên giới Afghanistan. Các quan sát viên tin rằng việc triệt thoái theo kế hoạch của lực lượng NATO đã làm cho phe Taliban táo bạo hơn và các thắng lợi trên chiến trường mới đây của họ đã nêu bật thách thức nghiêm trọng mà lực lượng an ninh Afghanistan phải đối mặt khi chiến đấu mà không có sự hỗ trợ quân sự quốc tế.
Các giới chức Hoa Kỳ đã bày tỏ sự tin tưởng rằng Tổng thống Ghani sẽ sớm ký một hiệp định an ninh song phương với Washington cho phép một lực lượng quân sự nhỏ của Mỹ ở lại trong nước sau năm 2014 để tiếp tục các sứ mạng chống khủng bố và huấn luyện cho nhân viên an ninh Afghanistan.
Cuộc chuyển tiếp chính trị hôm nay đánh dấu sự kết thúc 13 năm cầm quyền của Tổng thống Hamid Karzai. Ông được đưa lên lãnh đạo Afghanistan hồi cuối năm 2001, ngay sau khi một liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo lật đổ phe Taliban Hồi giáo ra khỏi quyền lực vì dung dưỡng mạng lưới al-Qaida.
Ông Karzai từ chối không chịu ký hiệp định an ninh, cáo buộc Hoa Kỳ là không giúp đỡ ông trong nỗ lực đạt được hoà bình với phe Taliban. Nhưng ông Ghani và Abdullah đã hứa sẽ kết thúc thoả thuận mà không trì hoãn nữa.
Trong bài phát biểu hôm nay, Tổng thống Ghani hứa không dung tha tham nhũng và độc tài. Ông cũng cam kết đề xuất các cải cách được đòi hỏi từ lâu trong hệ thống tư pháp của Afghanistan để bảo đảm công lý kịp thời cho người dân thường của Afghanistan.