Đường dẫn truy cập

Tản mạn về ngày “Cá tháng tư”


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Cả thế giới đều biết đến ngày “Cá tháng tư” (1-4), ngày “nói dối”. Ngày này, gặp bạn bè trang lứa, người ta nói đùa, nói xạo nhằm trêu chọc, tạo niềm vui bằng cách “đánh lừa” người khác. Có điều, sự “đánh lừa”, trò láu cá ấy là vô hại, cả bên “lừa” và “bị lừa” đều cười sảng khoái vô tư. Phong tục này có nguồn gốc từ thế kỷ 16 ở một số nước châu Âu, sau đó lan ra khắp thế giới. Ý nghĩa nhân văn của nó rất rõ ràng, niềm vui nho nhỏ đời thường qua tiếng cười bật lên thân thiện. Với người tính hài hước, họ không đợi ngày này, đùa lúc nào được là đùa, dí dỏm, hồn nhiên tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho mọi người xung quanh. “Nói dối” kiểu như vậy thật có giá trị. Thử hình dung trong tập thể tất cả mọi người lúc nào khuôn mặt cũng “nghiêm túc”, “hình sự”, vắng những nụ cười thì không khí làm việc, giao tiếp căng thẳng biết dường nào! Ngược lại, giả sử nếu chúng ta cứ thấy nhau là nói đùa, trêu chọc, cười ha hả suốt ngày, ai cũng vậy thì sẽ thế nào, có giống nhà thương … điên không ?

Nói dối ngày “Cá tháng tư” chẳng qua để “lòi” ra cái thật, để thấy mâu thuẫn rồi cười, cười cái mâu thuẫn do mình tạo ra. Vậy rõ ràng ngày “Cá tháng tư” không cổ vũ cho lời nói dối, sự dối trá. Nhưng khổ nỗi, lời nói dối ngọt ngào thường dễ chịu hơn hiện thực đắng cay. Hơn nữa, tốc độ thông tin của lời nói dối nhanh hơn lời nói thật rất nhiều. Thử xem sự thật rành rành ra đó chẳng ai chịu tin nhưng một tin đồn thì lại lan đi rất nhanh chóng. Terry Pratchett nói “Một lời nói dối có thể chạy quanh thế giới trước khi sự thật kịp mang giày”. Tác hại của nói dối không thể lường hết được. (Tất nhiên trừ kiểu nói dối như ngày “Cá tháng tư”). Con dối cha mẹ, trò dối thầy, cấp dưới dối cấp trên … Nghiêm trọng hơn, cấp trên nói một đường làm một nẻo, nói kiểu mị dân, hứa chứ không làm, làm thì không đến nơi đến chốn. Có câu chuyện khôi hài rằng, cô giáo ra đề văn yêu cầu học trò tả cô giáo của em, em nào cũng tả cô giáo với những gì tốt đẹp nhất, từ ngoại hình đến tính cách, duy chỉ một em “thiệt như đếm” tả cô giáo em với những gì em nghĩ: “Cô giáo em không được cao cho lắm, mặt cô bị mụn, mắt một mí, mũi thì tẹt. Cô giảng dạy nhiệt tình nhưng đôi khi học trò không ngoan thì cô cau có, quát mắng”. Sự thật “tàn nhẫn” đó với cô giáo là điều xúc phạm, bài văn bị điểm 0. Thế đó, trẻ con vô tình bị nhiễm thói nói dối từ người lớn. Trẻ đi học về khoe được 10 điểm, thầy cô khen, cha mẹ thưởng quà cho nó, còn nếu bị điểm kém thì cha mẹ mắng, chê bai, dọa nạt. Đó cũng là cách tạo cho trẻ nói dối. Nhưng trách gì trẻ, người lớn cũng nói dối như cuội. Khen để lấy lòng người khác, những món quà quá mức tình cảm vào các dịp lễ tết, hiếu hỉ. Trong hội nghị “không đồng tình vẫn giơ tay biểu quyết”. Những kẻ làm chơi ăn thật, làm láo báo cáo hay. Tham nhũng tràn lan nhức nhối cả xã hội nhưng cơ quan có trách nhiệm lại tuyên bố “chưa phát hiện ra một vụ tham những nào”. Đó không phải là dối trá sao ?

Benjamin Franklin nói “Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực”, vậy nên sự dối trá dù che đậy tinh vi thế nào cũng bị lòi ra như cây kim lâu ngày trong bọc. Người tinh ý nhìn vào mắt kẻ dối trá có thể phát hiện ra lời nói giả dối của hắn, nhưng khó có thể phát hiện những người nói thật một nửa. Rất nguy hại. Nói một nửa sự thật chẳng khác gì nói dối. Kiểu người này xuất hiện không ít, họ chỉ khen chứ không chê người khác, chỉ “dám” nói cái tốt của mình, còn cái xấu thì vùi sâu chôn chặt. “Quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật”, “ba phải” cũng là kiểu tính cách của người nói nửa sự thật. Còn những người không chịu nói gì thì sao ? Không khen cũng chẳng chê, thế nào cũng được, thấy đúng cũng chẳng ủng hộ, thấy sai cũng chẳng phê phán, “mũ ni che tai” – không biết, không nghe, không thấy. Xin thưa, đây là một kiểu nói dối siêu đẳng, chẳng biết thế nào mà lần. Thà rằng nói dối như sau còn “dễ chịu” hơn : “Dạ, khuyết điểm của sếp là sếp làm việc quá sức, không lo giữ gìn sức khỏe của bản thân” (Lời góp ý lãnh đạo trong buổi họp cơ quan cuối năm).

Người xưa nói “trung ngôn nghịch nhĩ”, lời nói thật khó nghe, nhưng “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Vậy tại sao không “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, tạo sao không đẩy mạnh “tự phê bình và phê bình” ?

Xin khép lại bài viết bằng câu chuyện về nhà vật lý Ga-li-lê: Hồi thế kỷ 17, Ga-li-lê đã công bố khám phá của mình, một sự thật chân lý “trái đất quay quanh mặt trời”. Nhiều nhà khoa học cùng thời cho rằng ông sai. Giáo hội La Mã bảo rằng ông truyền bá tư tưởng “tà giáo”, đem ông ra xử tội, đòi giết ông. Bị coi là tội phạm, nhà bác học buộc phải thề từ bỏ ý kiến cho rằng trái đất quay. Nhưng vừa bước ra khỏi cửa tòa án, ông đã bực tức nói to: “Dù sao trái đất vẫn quay !”.

Lê Xuân Chiến

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG