Đường dẫn truy cập

Tản mạn đầu năm


Lần lữa mãi từ đầu năm đến hôm nay tôi mới có thời gian để tĩnh tâm ngồi yên một chỗ, viết vội đôi dòng. Không phải là tôi không thể nghĩ ra đề tài nào để viết. Vì cái “problem” của tôi như đã có nhắc đến trong bài viết trước là đôi khi có quá nhiều sự lựa chọn, muốn nói lên quá nhiều điều. Nên cuối cùng thường chẳng biết mình nên viết về đề tài nào.

Một Lê Quốc Quân vừa bị bắt như anh Điếu Cày đang bị giam trong Hỏa Lò, Hà Nội. 14 thanh niên Công giáo vừa bị xử án chỉ trong vòng 2 ngày nhưng tổng cộng với số năm bị giam giữ, bị cho vào ngục tù lên đến gần 100 năm. Những người thân bị đánh đập bên ngoài. Bạn bè đi ủng hộ bị chặn bắt không cần biết lý do. Hàng hàng lớp lớp bên trong tòa án chỉ là những cái nón cối bất động, những chiếc áo xanh rờn của đám công an chỉ biết a dua, y hệt con rối, làm theo mệnh lệnh. Bất kể lệnh đó đúng hay sai. Hay đang làm đảo điên cả một dân tộc.

Thật không thể tưởng tượng được là trong thời đại này vẫn còn có quá nhiều con rối Việt Nam đến thế. Từ Bộ Công an đến Bộ Tư pháp. Vẫn còn có quá nhiều những kẻ ngang nhiên, hống hách, tự cho mình cái quyền bỏ tù người khác chỉ vì họ dám chỉ trích mình. Dám công khai phản đối cái quyền tự tung, tự tác, tự xưng là lãnh đạo của mình.

Những kẻ ấy đã, đang và sẽ tiếp tục nhân danh cả một dân tộc đàn áp, bức hại những người bất đồng chính kiến. Và những người dân Việt Nam sẽ tiếp tục chịu đựng, tiếp tục chấp nhận những ngang trái, bất công. Tiếp tục để cho những quyền căn bản của chính mình bị chà đạp.

Họ sẵn sàng làm điều đó không phải vì họ không biết hay không nắm rõ những quyền căn bản của con người.

Trong 3 tháng vừa qua tôi đã có dịp đọc rất nhiều bài viết dự thi nói về “Quyền Con Người” do Phong trào Con đường Việt Nam phát động. Và tôi nhận thấy có nhiều người hiểu rõ về vấn đề này còn hơn cả tôi và bạn. Trên lý thuyết lẫn những trải nghiệm thực tế tại Việt Nam.
Nhưng tuyệt đại đa số người dân vẫn chưa dám lên tiếng đơn giản là vì họ... sợ. Và như nhà tranh đấu dân chủ lừng danh Bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện từng chia sẻ, trong bất cứ một cuộc đấu tranh nào, từ xưa đến nay, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, sự tự do lớn nhất và cần thiết nhất cho mỗi người, cho mỗi dân tộc là sự tự do không sợ hãi:

The Freedom from Fear.
Free from Fear.

Phải thoát khỏi sự sợ hãi.

Nhưng làm cách nào để chúng ta có thể thoát khỏi sự sợ hãi ấy?

Ngay cả trong tình yêu, giữa người và người, tôi nhận thấy chúng ta cũng thường có những nỗi lo sợ. Và vì sợ mất những gì mình đang có, sợ mất tình yêu mà mình đã cố công gầy dựng nên chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật, vào bản năng, cái bản ngã của chính mình để từ đó có thể nhận thức được một cách thành thật và chính xác cho chính mình là mình thật sự cần gì, muốn gì ở người bạn đời của mình.

Chỉ có sự chia sẻ thành thật, ngồi gần, nói rõ cho nhau nghe là mình thật sự cần gì ở nhau, điều nào khả dĩ có thể cảm thông và vấn đề nào không thể chấp nhận được bất kể kết quả ra sao - tình yêu sẽ ở lại hay sẽ hoàn toàn tan biến - chỉ khi ấy, tôi nghĩ chúng ta mới có thể tìm được một tình yêu chân chính, một mối liên hệ vĩnh cữu.

Cũng vì thế mà bây giờ tôi chỉ tin tưởng ở một tình yêu vĩnh cửu nếu như tận cùng bên trong nó, cái tường vững chắc mà nó luôn có thể tựa vào, luôn nâng đỡ nó trong bất cứ tình huống nào, là một tình bạn mãi mãi chân thành, không tính toán, không giấu giếm, không gian dối.
No testing. No secrets. No lies.

Chỉ khi ấy may ra chúng ta mới có cơ hội tìm được một hạnh phúc thật sự và mãi mãi nơi không gian riêng tư. Trước khi bước ra đường, chạm với đời, với bao nhiêu sóng gió. Như câu chuyện Việt Nam mà cả tôi lẫn bạn đều trăn trở và sẽ tiếp tục trăn trở. Đặc biệt là đối với những độc giả đã có lòng, bỏ công email gửi cho tôi biết ý kiến mà các bạn nghĩ rằng sẽ ngăn giảm được phần nào sự tàn bạo của quyền lực. Như lời cuối tôi có hỏi trong bài blog trước.

Đầu tiên cả tôi lẫn bạn đều đồng ý cho rằng điều chúng ta cần phải làm trong mọi lúc, mọi nơi là: phải lên tiếng. Ở nơi nào cho chúng ta có cảm giác an toàn, chúng ta càng cần phải lên tiếng một cách mạnh mẽ, dứt khoát và nhanh chóng. Đấy không chỉ là một trách nhiệm mà nó còn là một hành động thiết thực thể hiện sự quan tâm của chúng ta đối với những bất công, nhiễu nhương trong xã hội. Trong khả năng mà chúng ta có.

Thứ hai, chúng ta cũng có cùng quan điểm rằng nếu muốn thấy một đất nước Việt Nam ngày càng được tự do, nhân bản hơn, điều tối ưu không phải là sự thay đổi thể chế trong một thời gian sớm nhất mà là phải “chấn dân khí, khai dân trí” như lời kêu gọi của cụ Phan Châu Trinh năm xưa. Bởi lẽ đơn giản vì nếu như chính người dân cũng không hiểu rõ và trân trọng những quyền con người mà họ có thì cho dù chế độ độc tài độc đảng hiện nay bị thay thế thì chưa chắc xã hội Việt Nam sẽ công bình, văn minh hơn với một thể chế mới.

Bởi chỉ khi dân khí thật sự được chấn hưng, dân trí được khai mở toàn diện thì sự sợ hãi dành cho bạo quyền mới bị đẩy lùi vào bóng tối hoàn toàn. Nhường lại cho ánh sáng của công lý và lẽ phải. Và những gì tốt đẹp nhất của di sản Việt Nam.

Đấu tranh cho một tương lai tươi sáng cho dân tộc hay để tìm được một tình yêu chân thật đến cuối đời, tất cả đều cần phải bắt đầu từ sự tự do đầu tiên và quan trọng nhất. Đó là: a freedom from fear.

Vì chỉ khi chúng ta sẳn sàng đánh đổi nó thì chúng ta mới thật sự biết được nó có phải thuộc về mình hay không. Hay là chưa bao giờ.

If you love something, let it go. If it comes back, it's yours. If it doesn't, it never was.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG