Đại sứ mới của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu cảnh báo rằng nếu Mỹ muốn đấu với Trung Quốc về thương mại “thì chúng tôi sẽ đấu,” và báo hiệu rằng căng thẳng thương mại có thể làm tổn thương sự hợp tác giữa hai nước trong việc đối phó với Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm loan báo sẽ áp thuế 10% lên 300 tỉ đôla hàng nhập khẩu của Trung Quốc kể từ tháng sau, leo thang một cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong những phát biểu thẳng thắn một cách bất thường từ một nhà ngoại giao Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Trương Quân mô tả bước đi của ôngTrump là “một hành động phi lí, vô trách nhiệm” và thúc giục Washington “quay trở lại đúng đường.” Ông cũng nói rằng Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng đưa ra những biện pháp phản đòn.
“Lập trường của Trung Quốc rất rõ ràng rằng nếu Hoa Kỳ muốn nói chuyện, thì chúng tôi sẽ nói chuyện, nếu họ muốn đấu, thì chúng tôi sẽ đấu,” ông Trương nói. “Chúng tôi chắc chắn sẽ đưa ra bất cứ biện pháp phản đòn cần thiết nào để bảo vệ quyền cơ bản của chúng tôi và chúng tôi cũng kêu gọi Mỹ quay lại đúng đường trong việc tìm ra giải pháp phù hợp thông qua con đường đúng đắn.”
Ông Trương từng làm trợ lí bộ trưởng ngoại giao tại Bắc Kinh trước khi bắt đầu vai trò đại sứ LHQ trong tuần này. Ông nói chuyện với một nhóm phóng viên nhỏ tại trụ sở của LHQ.
Khi được hỏi liệu quan hệ thương mại của Trung Quốc với Mỹ có thể gây tổn hại cho sự hợp tác giữa hai nước để đối phó với Triều Tiên hay không, ông Trương nói rằng điều này khó dự đoán.
Nhưng ông nói thêm: “Thật khó tưởng tượng một mặt bạn tìm kiếm sự hợp tác từ đối tác của bạn, và mặt khác bạn làm tổn thương lợi ích của đối tác của bạn.”
Là đồng minh và láng giềng của Triều Tiên, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc nhất trí và thi hành các chế tài của Hội đồng Bảo an LHQ nhắm vào Bình Nhưỡng liên quan tới các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân.
Ông Trương cũng nói rằng dù ông rất sẵn lòng hợp tác với các quốc gia thành viên khác của LHQ, song Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép sự can thiệp vào “các vấn đề nội bộ của mình, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong.”
Trung Quốc đã bị nhiều nước lên án vì thiết lập các trại giam giữ ở vùng Tân Cương hẻo lánh, nơi mà LHQ nói rằng ít nhất 1 triệu người thuộc sắc dân Uighur và những người Hồi giáo khác đang bị câu lưu. Bắc Kinh mô tả những nơi này là những “trung tâm đào tạo giáo dục” giúp dập tắt chủ nghĩa cực đoan và dạy cho mọi người những kĩ năng mới.
Tại Hong Kong, các cuộc biểu tình phản đối một dự luật đề xuất cho phép dẫn độ các cá nhân sang Trung Quốc đại lục để xét xử ngày càng trở nên bạo lực, với việc cảnh sát bị cáo buộc sử dụng vũ lực thái quá và không bảo vệ người biểu tình khỏi các cuộc tấn công bị nghi là do băng đảng thực hiện.
“Cuộc biểu tình đã vượt xa bản chất của một cuộc biểu tình ôn hòa, nó thực sự trở nên hỗn loạn và bạo lực và chúng tôi không nên cho phép họ tiếp tục hành vi đáng trách này nữa,” ông Trương nói.