Đường dẫn truy cập

Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ cố vận động các dân biểu Cộng hòa, tránh chính phủ bị đóng cửa


Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson.

Tân Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson phải đối mặt với trận chiến lập pháp lớn đầu tiên trong tuần này khi ông cố vận động các dân biểu đảng Cộng hòa của mình, hiện chiếm thế đa số nhưng bị chia rẽ, hãy ủng hộ một kế hoạch nhằm tránh việc chính phủ đóng cửa một phần từ ngày 18/11, theo Reuters.

Một số đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn tại Hạ viện phản đối đề xuất của ông Johnson về một dự luật tạm thời gồm hai bước thay cho việc cắt giảm chi tiêu, một dạng dự luật “sạch” giống như dự luật đã dẫn đến việc ông Kevin McCarthy, người tiền nhiệm của Johnson, bị phế truất, một diễn biến có tính lịch sử.

Đây là cuộc tranh cãi tài khóa thứ ba ở Washington trong năm nay, sau cuộc đối đầu mùa xuân kéo dài nhiều tháng về khoản nợ hơn 31 nghìn tỷ đôla của quốc gia, khiến chính phủ liên bang đã ở bên bờ vực vỡ nợ.

Một số nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội cho hay họ sẵn sàng chấp nhận kế hoạch của ông Johnson, kế hoạch này cần phải được Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm đa số thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật trước nửa đêm ngày 17/11 để tránh làm gián đoạn việc trả lương cho 4 triệu nhân viên liên bang, đóng cửa các công viên quốc gia và cản trở mọi thứ, từ giám sát tài chính đến nghiên cứu khoa học.

Ông Johnson, một nhà lập pháp bang Louisiana, người chưa từng giữ vị trí lãnh đạo cấp cao trong Quốc hội, bày tỏ trên mạng xã hội hôm 12/11: “Tôi cam kết đưa Washington trở lại trật tự bình thường, nhưng quý vị không thể sửa chữa một hệ thống đã bị hỏng hàng thập kỷ chỉ trong vài tuần”.

Hôm 11/11, ông Johnson công bố nghị quyết ngân sách tạm thời, gọi là tắt là “CR”, gồm hai bước bất thường. Động thái này dường như nhắm đến việc tìm kiếm sự ủng hộ từ hai phe phái Cộng hòa đang đối đầu nhau: một bên là những người theo đường lối cứng rắn muốn có thời hạn cấp ngân quỹ khác nhau cho các cơ quan liên bang khác nhau, còn một bên là những người theo chủ nghĩa trung dung kêu gọi một dự luật “sạch” không cần cắt giảm chi tiêu hoặc những chính sách bảo thủ ghép vào dự luật mà Đảng Dân chủ sẽ từ chối.

Dự luật của ông sẽ tiếp tục cấp tiền cho xây dựng lực lượng quân sự, phúc lợi cho cựu chiến binh, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cũng như các chương trình năng lượng và nước cho đến ngày 19/1/2023. Việc cấp ngân sách cho tất cả các hoạt động liên bang khác - bao gồm cả quốc phòng - sẽ hết hạn vào 2/2/2023.

Cách tiếp cận này nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích từ Nhà Trắng và các thành viên của cả hai đảng, bao gồm cả những người theo đường lối cứng rắn đã vận động hành lang cho một CR có nội dung cắt giảm chi tiêu. Dân biểu đảng Cộng hòa của Marjorie Taylor Greene cho hay bà có ý định bỏ phiếu chống lại dự luật này. Ông Warren Davidson, một dân biểu Cộng hòa có đường lối cứng rắn, cũng nói như vậy.

Phía Dân chủ ‘sẵn sàng lắng nghe’

Nhà Trắng cuối tuần qua đã chỉ trích kế hoạch này là đầy xáo trộn, nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy nó có thể tạo ra một đường tiến cho Quốc hội, do không có sự cắt giảm nào và ông Johnson quyết định ấn định thời hạn muộn hơn về chi tiêu quốc phòng. Đảng Dân chủ lo ngại rằng đảng Cộng hòa sẽ đặt ưu tiên quốc phòng và các ưu tiên khác của đảng này lên trên hết, sau đó đe dọa sẽ đóng cửa các chương trình còn lại.

Một viên phụ tá cho lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện nói: “Chủ tịch Hạ viện không đưa ra những khoản cắt giảm không cần thiết và vẫn duy trì nguồn ngân quỹ cho quốc phòng trong nhóm chương trình thứ hai, đó là một điều tốt”.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy nói với NBC hôm 12/11 rằng ông có thể ủng hộ mô hình hai bước.

Ông Murphy nói: “Đối với tôi nó có vẻ phô trương. Tôi không thích những gì Hạ viện đang nói đến, nhưng tôi sẵn sàng lắng nghe”.

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang nhắm mục tiêu là sẽ bỏ phiếu về dự luật vào ngày 14/11. Nhưng không rõ liệu khối của họ, vốn đã trải qua 10 tháng đấu đá nội bộ về các vấn đề chi tiêu và xung đột quan điểm, có thể tập hợp được 217 phiếu cần thiết hay không để thông qua dự luật mà không cần có sự ủng hộ của đảng Dân chủ, điều mà nhiều đảng viên Cộng hòa xem rằng như thế mới là chuẩn mực của sự thành công.

Không đạt được tiêu chuẩn đó đã dẫn đến việc ông McCarthy bị phế truất, nhưng một số đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện cho rằng ông Johnson xứng đáng có thêm thời gian.

Dân biểu Tom Cole, Chủ tịch Ủy ban Quy tắc Hạ viện, cơ quan sẽ tổ chức phiên điều trần vào 13/11 về CR mới, nói: “Điều ông ấy cần là sự ủng hộ của mọi thành viên trong khối của chúng tôi và ông ấy xứng đáng nhận được điều đó. Bây giờ mọi người cần phải cố gắng và làm một số điều họ có thể không thích nhưng ông ấy cần phải làm để thành công”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG