Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói rằng ông muốn đạt “một giải pháp công bằng, thiết yếu và các bên đều có lợi” với các định chế tín dụng quốc tế khi ông bắt đầu đảo ngược lại các biện pháp kiệm ước mà ông nói là đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nước ông.
Ông Tsipras hôm thứ Tư nói tại Athens trong phiên họp đầu tiên với nội các của ông rằng ông thiết tha muốn tránh bất cứ sự đối đầu gây thiệt hại nào với các định chế cấp tín dụng, nhưng ông cũng nói Hy Lạp sẽ không nhắm mắt tuân theo những đòi hỏi của Liên hiệp Châu Âu nữa.
Tân chính phủ của ông Tsipras đang tìm cách xóa một phần của khối nợ khổng lồ của Hy Lạp và nới lỏng các biện pháp kiệm ước bị áp đặt để nước này được nhận khoản vay 300 tỉ đôla, trong đó có việc cắt giảm mạnh quỹ lương bỗng và hưu trí.
Chính phủ mới cũng bãi bỏ nhiều kế hoạch tư hữu hóa, trong đó có dự định bán một cảng chính ở Piraeus cho công ty hàng hải Cosco khổng lồ của Trung Quốc.
Các động thái mới này đã khiến thị trường tài chính Hy Lạp mất giá sang ngày thứ ba liên tiếp hôm nay.
Ông Tsipras chính thức nhậm chức hôm thứ Hai, một ngày sau khi dẫn dắt đảng Syriza chủ trương chống kiệm ước giành thắng lợi áp đảo trong các cuộc bầu cử quốc hội, và nhanh chóng thành lập liên minh với một đảng cánh hữu nhỏ hơn cũng có chủ trương chống chính sách cứu nguy kinh tế, để thành lập chính phủ.
Ba định chế cấp tín dụng cho Hy Lạp - Liên hiệp Châu Âu, Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương Châu Âu – chưa tỏ một dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ đàm phán lại các điều kiệu của thỏa thuận cứu nguy kinh tế. Nhưng các định chế tín dụng này nói rằng họ sẽ thảo luận các vấn đề tài chánh với tân chính phủ Hy Lạp.
Nhà lãnh đạo của các bộ trưởng tài chánh khối sử dụng đồng tiền chung Châu Âu, Bộ trưởng Tài chánh Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, nói rằng ông sẽ đi thăm Athens vào thứ Sáu để họp với Thủ tướng Tsipras.