Đường dẫn truy cập

Đội tàu ngầm Mỹ ở Thái Bình Dương có tân chỉ huy


Trước khi đảm nhiệm vị trí tân chỉ huy lực lượng tàu ngầm của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, ông Roegge làm việc Lầu Năm Góc, trụ sở của quân đội Mỹ.
Trước khi đảm nhiệm vị trí tân chỉ huy lực lượng tàu ngầm của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, ông Roegge làm việc Lầu Năm Góc, trụ sở của quân đội Mỹ.

Hải quân Mỹ vừa bổ nhiệm Chuẩn đô đốc Frederick Roegge làm tân chỉ huy lực lượng tàu ngầm của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động trong các vùng biển ở khu vực, nhất là biển Đông.

Ông Roegge nhận nhiệm vụ mới, thay thế người tiền nhiệm, Chuẩn đô đốc Phillip Sawyer, trong một buổi lễ tại Trân Châu Cảng ở Hawaii hôm 3/9.

Trước khi đảm nhiệm vị trí trên, ông Roegge làm việc Lầu Năm Góc, trụ sở của quân đội Mỹ.

Các nhà quan sát nhận định rằng việc Trung Quốc tăng cường hoạt động ở những vùng như biển Đông khiến Hoa Kỳ buộc phải gia tăng khả năng trinh sát của đội tàu ngầm ở Thái Bình Dương.

Phát biểu tại buổi lễ, Đô đốc Cecil Haney, hiện là Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược của Mỹ, và cũng từng đứng đầu lực lượng tàu ngầm, nói rằng những bất đồng và tranh chấp đe dọa tới hòa bình và ổn định ở khu vực Thái Bình Dương.

Ông được trích lời nói: “Ví dụ, chúng ta có thể thấy Trung Quốc đang nỗ lực để khẳng định sự thống trị tại biển Hoa Đông và biển Đông trong khi tăng cường lực lượng tàu ngầm được trang bị tên lửa đạn đạo thế hệ mới và hiện đại hóa tên lửa đạn đạo cố định và di động cũng như tiến hành các hoạt động trên mạng và không gian”.

Nhà nghiên cứu Loren Thompson của Viện Lexington được trích lời nói rằng tàu ngầm là loại duy nhất đủ khả năng nghe và theo dõi các trao đổi của Trung Quốc ở dưới nước.

Việc thu thập thông tin tình báo cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Trấn an đồng minh

Trong khi đó, tân tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đang tìm cách trấn an các đồng minh trong khu vực là chiến lược xoay trục của các lực lượng Mỹ sang Á Châu sẽ được duy trì, giữa lúc có những mối lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc.

Từ khi lên giữ chức Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương cách nay ba tháng, Đô đốc Scott Swift đã đến Philippines, Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Malaysia để gặp gỡ các vị tương nhiệm của các nước này.

Trong một cuộc trao đổi với báo giới mới đây, Đô đốc Swift đã thừa nhận là tại tất cả những nơi ông đến thăm các giới chức đều cảm thấy “hết sức lo lắng” vì “quy mô” của những công trình lấp biển lấy đất của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo kế hoạch an ninh hải dương mà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố hồi tuần trước, 60% khí tài quân sự trên biển và trên không của Mỹ sẽ được bố trí ở khu vực Á Châu Thái Bình Dương trước năm 2020.

Nhật Bản sẽ là một nơi có tính chất trọng yếu đối với kế hoạch và đảo Guam sẽ được dùng như một trung tâm chiến lược.

Ngoài ra quân đội Mỹ còn có những chương trình hợp tác với Việt Nam và Ấn Độ, cả hai đều là đối thủ chiến lược của Trung Quốc. Các hoạt động quân sự hỗn hợp cũng sẽ được nới rộng với Indonesia, Nhật Bản và Malaysia.

Theo Fox News, AP, VOA

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG