Hà Nội là thành phố có lượng dân cư nhiều tương đương với thành phố Hồ Chí Minh nếu tính luôn những người tỉnh lẻ đến tá túc để làm ăn, sinh sống. Họ làm đủ các công việc lao động phổ thông để kiếm tiền trang trải hằng ngày và gởi về quê giúp cho gia đình.
Đất chật người đông, công việc không thể nở ra kịp với lượng người lao động từ các tỉnh kéo lên thủ đô. Những người bám trụ lâu năm, có kinh nghiệm và rành đường thì chọn nghề phu xe, miền nam còn gọi là xe ôm để sống.
Nhưng dường như đời sống của người phu xe ngày càng ngột ngạt, khó thở và họ phải oằn vai gánh nỗi khổ năm sau cao hơn năm trước. Giá xăng dầu quá cao, cạnh tranh khốc liệt với các phương tiện khác, dường như đời sống của các ông xe ôm Hà Nội rơi vào bế tắc.
Ông Hùng, phu xe ôm ở Hà Nội chia sẻ: ‘Tất cả mọi cái đều ảnh hưởng lẫn nhau. Với tình hình như hiện tại, xe ôm không cần phải dẹp, sẽ tự chết.’
Một người phu xe ôm có thâm niên hơn 20 năm ở Hà Nội cho hay: ‘Chính cái thời bây giờ cơ chế nhiều xe quá nên chúng tôi làm ăn ngày càng khó khăn hơn. Cuộc sống của người dân cũng ngày càng khó, thất nghiệp nhiều nên đời sống của người phục vụ nhu cầu của mọi người càng khó khăn hơn. Như tôi đã chạy xe ôm, xích lô gần 20 năm rồi. Nhưng năm ngoái đã kém rồi, năm nay còn kém hơn. Suy thoái của đất nước làm ảnh hưởng mọi thứ. Đời sống của người dân càng ngày càng khó, giá mọi thứ càng ngày càng lên, người kiếm từng đồng để trang trải càng khó hơn. Chi phí mọi thứ thì lên, giá xăng tăng, giá áo tăng mà giá quần chẳng giảm cho.’
Hiện tại, ngoài hàng trăm tuyến xe buýt công cộng, thành phố Hà Nội còn có thêm 129 hãng taxi. Trong đó, hãng lớn nhất có gần 5000 chiếc, hãng nhỏ nhất có trên 50 chiếc. Tính luôn mô hình taxi Uber và Grab, cả thành phố có hơn 27,000 chiếc taxi, chưa kể đến xe điện công cộng. Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng taxi nhanh chóng xô dạt dịch vụ xem ôm.
Có thể nói rằng tương lai của các phu xe ôm là một tương lai bế tắt và khó lòng trụ vững trước trận gió xô bạt. Mọi số phận lao động nghèo trong guồng xoáy xã hội đang đối mặt với một tương lai mù mờ, không định dạng.
Một người phu xe ôm có thâm niên hơn 20 năm ở Hà Nội ca thán: ‘Một đất nước mà khoa học phát triển chậm thì đời sống của người dân sẽ thấp kém. Bởi khoa học phát triển thì các nhà máy hiện đại sẽ mọc lên, người ta sẽ có công ăn việc làm, sẽ không còn thất nghiệp nữa, giải phóng đầu ra cho người lao động. Cụ thể, mỗi năm ra khỏi đại học khoảng mười ngàn thì giải quyết bảy ngàn, tám ngàn vào các nhà máy, cơ quan lớn. Nhưng như hiện tại, chỉ một hoặc hai ngàn đi làm công chức, số còn lại không có công ăn việc làm thì phải ra ngoài, đi làm thuê, làm mướn cho những người giàu có. Cho nên đời sống luẩn quẩn, gặp nhiều khó khăn!’