Đường dẫn truy cập

Tầm nhìn chung Việt - Mỹ?


Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trong buổi lễ đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Hà Nội, ngày 1/6/2015.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh trong buổi lễ đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Hà Nội, ngày 1/6/2015.

Bản Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng được ký kết giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hôm 1/6 vừa qua còn nhiều điều phải bàn trong bối cảnh thiếu vắng một tầm nhìn toàn diện

Sau khi tham dự diễn đàn Đối thoại Shangri-La tại Singapore, với bài phát biểu quan trọng ở đây ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đã có mặt tại Hà Nội để ký kết bản Tuyên bố Tầm nhìn chung giữa hai Bộ Quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ vào ngày 1/6. Chủ đề bao trùm của cả hai sự kiện là cam kết của Hoa Kỳ với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Singapore, cùng với sự tham gia của một phái đoàn Thượng nghị sỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Carter tái khẳng định tầm quan trọng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đối với Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế nói chung. Ông cũng tỏ ra mạnh mẽ khi đề cập đến vấn đề mà chắc chắn là ai nấy đều chờ đợi: hoạt động bồi đắp các đảo đá của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bộ trưởng Carter không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc như một quốc gia hiếu chiến và vi phạm luật pháp quốc tế. Phản bác yêu sách của Trung Quốc rằng các đảo nhân tạo cũng chịu sự điều chỉnh của luật pháp quốc tế như lãnh thổ chủ quyền, ông tái khẳng định Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải và hàng không”. Nói cách khác, người ta có thể chờ đợi tàu thuyền và máy bay Hoa Kỳ di chuyển gần, xung quanh và qua các đảo mà Trung Quốc đang vi phạm.

Lập trường cứng rắn này có thể giúp trấn an một số nước láng giềng của Trung Quốc, đồng thời nó cũng buộc Hoa Kỳ phải giữ vững lời hứa mình là đối đầu quân sự với Trung Quốc khi cần thiết. Bất chấp những lời lẽ tử tế về tiến triển trong hợp tác Mỹ - Trung, ít ai nghi ngờ việc Mỹ đã nỗ lực để nhắc nhở các thành viên tham dự diễn đàn đối thoại rằng Trung Quốc là một mối nguy cho an ninh khu vực.

Hoa Kỳ sẽ tăng cường các mối quan hệ đồng minh và đối tác như một phần trong chiến lược tái cân bằng sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ở Việt Nam ngoài Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, ông Carter còn gặp TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Với việc ký Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt-Mỹ về quan hệ quốc phòng, ông Carter và Tướng Thanh đã tái khẳng định công cuộc hợp tác quân sự giữa hai nước, chủ yếu dựa trên Bản Ghi nhớ về Thúc đẩy Hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2011 và tuyên bố về Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ 2013.

Cơ hội cho Việt Nam

Một trong những lý do chủ yếu mà các nhà lãnh đạo bảo thủ ở Việt Nam vẫn vin vào để từ chối đi theo quỹ đạo của Hoa Kỳ là nỗi e sợ rằng nếu điều đó xẩy ra, Bắc Kinh có thể phát động một cuộc tấn công nhằm vào Trường Sa để thôn tính hoàn toàn quần đảo này.

Tuy nhiên, việc Mỹ cùng phương Tây và các nước trong khu vực lên án hành động của Trung Quốc trên Biển Đông một cách mạnh mẽ, cũng như quyết tâm xoay trục sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Obama, đã cho Trung Quốc hiểu rằng không phải họ muốn làm gì thì làm.

Dù vậy, bất chấp sự lên án gay gắt của cộng đồng quốc tế và những hành động cương quyết của Mỹ gần đây, Trung Quốc vẫn chưa hề tỏ dấu hiệu nào cho thấy là họ sẵn sàng lùi bước, nhượng bộ. Hơn thế, với bản chất cố hữu của người Hán, ngay cả khi Trung Quốc có một động thái xoa dịu dư luận nào đó thì cũng không có nghĩa là họ sẽ chấm dứt hoạt động bồi đắp, tôn tạo các đảo đá ở Trường Sa và biến chúng thành chuỗi căn cứ quân sự liên hoàn hòng khống chế và kiểm soát hoàn toàn Trường Sa trên thực tế.

Vì thế, những lời nói và hành động gần đây của Mỹ nhằm vào Trung Quốc cũng như chiến lược tái cân bằng sang Châu Á của Washington chính là cơ hội lớn cho Việt Nam, để Việt Nam không chỉ giữ được Trường Sa mà còn đứng trước thời cơ ngàn năm có một: thoát Trung và hoà mình vào dòng chảy tự do - dân chủ của nhân loại tiến bộ.

Một tầm nhìn phiến diện

Mặc dù bản tuyên bố mới đây không ràng buộc về mặt pháp lý và được ký kết giữa 2 Bộ Quốc phòng của hai nước, song đây vẫn là một bước tiến nữa trong quan hệ Việt-Mỹ.

Một văn bản không ràng buộc trước hết phải được hiểu như là một cam kết chính trị của một chính phủ với một chính phủ khác. Đó là một dàn xếp phi nghĩa vụ. Vì thế, Hoa Kỳ không buộc phải hoàn thành bất kỳ điều gì trong bản Tuyên bố Tầm nhìn chung. Nếu, vì bất kỳ lý do gì, Hoa Kỳ không muốn giúp huấn luyện binh sĩ Việt Nam cho các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc hay tăng cường khả năng đảm bảo an ninh hàng hải cho Việt Nam, họ có thể đơn giản là phớt lờ.

Một dàn xếp như thế thoạt tiên có vẻ vô nghĩa nếu xét sự thiếu vắng luật pháp quốc tế và trách nhiệm của mỗi bên. Dù vậy, một văn bản không ràng buộc vẫn là một công cụ ngoại giao giá trị. Đối với người Mỹ, Tuyên bố Tầm nhìn chung là một cơ hội để họ thể hiện bằng giấy trắng mực đen thái độ nghiêm túc trong sự can dự của mình với Việt Nam mà không phải ràng buộc bản thân với những điều kém thú vị hơn của chính phủ Việt Nam.

Nhân quyền vẫn tiếp tục là một trở ngại giữa hai chính phủ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi bản tuyên bố không hề đề cập đến chủ đề nhân quyền. Thay vì thế, bản tuyên bố chủ yếu quan tâm đến những vấn đề dễ tiêu hoá, chẳng hạn như việc Mỹ ủng hộ Việt Nam trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, khắc phục hậu quả chiến tranh, và ngăn ngừa sự phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Tuy nhiên, những gì trên đây chủ yếu là lợi ích chung trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước, chứ chưa phải là một tầm nhìn bao quát toàn diện. Một tầm nhìn chung toàn diện phải bao hàm cả những giá trị chung mà mỗi bên hướng tới, điều mà bản Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ đã không đạt được.

Những việc cần làm

Nếu người Mỹ dự định đóng một vai trò lãnh đạo trong khu vực, họ phải dẫn đầu không chỉ trong màn phô diễn diễn sức mạnh mà cả uy tín. Thái độ quyết đoán của Trung Quốc đã xua đuổi một số quốc gia láng giềng của họ, người Mỹ cần nỗ lực để cho thấy mình là một sự thay thế không chỉ là ít tệ hại hơn.

Nếu Hoa Kỳ dự định mở rộng mạng lưới đồng minh và đối tác của mình trong khu vực, trước hết họ phải thiết lập nền móng cho sự phát triển của mạng lưới đó. Một nền móng như thế tốt hơn hết là được xây dựng dựa trên những giá trị chung như tự do, dân chủ và nhân quyền - những giá trị hiện vẫn vắng bóng ở Việt Nam.

Có thể thái độ hung hăng của Trung Quốc đem lại cho Hoa Kỳ một cơ hội để khai thác sự lạnh nhạt tương đối giữa Hà Nội và Bắc Kinh, nhưng nếu thái độ lạnh nhạt đó lại được sử dụng như một món tín chấp khác ở Đông Nam Á thì người Mỹ có thể nhanh chóng nhận ra quan hệ đối tác của họ với Việt Nam bị chết yểu. Điều gì sẽ xẩy ra khi Hà Nội không còn hục hặc với Bắc Kinh nữa? Lúc đó, sự ủng hộ mà Hoa Kỳ dành cho Việt Nam sẽ dẫn đến điều gì?

Hoa Kỳ đã bắt đầu dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. 90% vũ khí Việt Nam mua của nước ngoài đến từ Nga. Hoa Kỳ chắc chắn là muốn giảm dần tỷ lệ đó, dù chỉ là để giảm một nguồn thu nhập của Moscow.

Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ thay thế Nga như là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam, liệu những thứ vũ khí này có được lực lượng an ninh sử dụng nhằm vào dân chúng Việt Nam hay không? Liệu chúng có tìm đường đến tay các kỹ sư của Trung Quốc hay không? Hành động của Trung Quốc có thể khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang với các quốc gia láng giềng, song người Mỹ, khi đáp ứng nhu cầu, cũng không nên và không thể bỏ qua khả năng người mua lạm dụng chúng.

Đây chính là quan ngại mà Uỷ ban Quân vụ Thượng viện phải giải quyết. Uỷ ban này sẽ trình đạo luật cần thiết để nới lỏng lệnh cấm vận trong tuần này. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã cung cấp vũ khí cho những nước như Saudi Arabia -- một quốc gia thậm chí còn vi phạm nhân quyền tệ hơn Việt Nam, hay Iraq -- nơi các thiết bị do Hoa Kỳ sản xuất đã rơi vào tay ISIS.

Bản Tuyên bố Tầm nhìn chung nhằm mục đích tái khẳng định cam kết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, song người ta có thể làm được nhiều hơn thế và cần làm nhiều hơn thế. Nếu người Mỹ mong muốn một mối quan hệ bền vững với Việt Nam, họ đòi hỏi một đối tác mà họ có thể tin tưởng. Nếu Hà Nội và Washington không tin tưởng lẫn nhau thì bản tuyên bố chung này, thẳng thắn mà nói, chỉ tổ phí giấy mực.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã đi bước đầu tiên thông qua bản Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng mà hai bên vừa ký kết. Bước tiếp theo mà Hà Nội và Washington cần thực hiện là thông đạt một tầm nhìn toàn diện cho cả hai quốc gia.

Tầm nhìn chung đó chứa đựng không chỉ lợi ích chung của hai nước, mà cả những giá trị vốn là cội nguồn của sức mạnh Mỹ từ hàng trăm năm qua và là khát vọng cháy bỏng của 90 triệu dân Việt Nam hiện nay – đó chính là Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Vũ Đức Khanh

    Vũ Đức Khanh là luật sư và giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế.
  • 16x9 Image

    Lê Anh Hùng

    Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

XS
SM
MD
LG