Việc sản xuất vũ khí là điều tự nhiên đối với một hòn đảo từ lâu làm chủ được công nghệ cao dùng cho các mục tiêu thương mại như những dụng cụ máy móc và những vật liệu bán dẫn. Trong 30 năm qua, các nhà nghiên cứu quân đội Đài Loan đã phát triển các loại tên lửa chống tàu chiến, địa đối không và không đối không cũng như các loại máy bay chiến đấu phòng thủ, nhiều loại mìn thả dưới biển và thủy lôi đều sản xuất ở nội địa. Các nhà phân tích nói chất lượng các loại vũ khí này càng ngày càng thăng tiến đều đặn.
Vào tháng 3 năm nay, quân đội Đài Loan bắn thử nghiệm các loại tên lửa do Hoa Kỳ và trong nước sản xuất tại trường bắn thử nghiệm Chiu Peng nằm trên một vùng bờ biển xa xôi thuộc miền nam Đài Loan. Dù rằng một số tên lửa bắn không trúng mục tiêu trong cuộc thử nghiệm, có khoảng từ 70% đến 90% tên lửa hoạt động tốt gồm cả những loại được chế tạo ngay trên đảo.
Nằm cách bờ biển Hoa lục khoảng 160 kilômét, Đài Loan là mục tiêu kể từ khi Trung Hoa Quốc gia của Tưởng Giới Thạch thất bại trong cuộc nội chiến trong những năm cuối thập niên 1940 và chạy sang Đài Loan. Cộng sản Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền đối với Đài Loan tự trị và chưa từ bỏ đe dọa sử dụng vũ lực nếu Đài Loan tiến tới việc chính thức tuyên bố độc lập.
Mỗi năm Bắc Kinh tiêu khoảng 92 tỉ đô la, gấp 10 lần Đài Loan, để nhanh chóng hiện đại hóa quân đội và được xem như bỏ xa Đài Loan về hỏa lực. Các giới chức Đài Loan than phiền là Bắc Kinh luôn luôn bổ sung kho vũ khí khoảng 1.900 tên lửa nhắm vào Đài Loan.
Các giới chức quân sự Đài Loan không cho biết về ngân sách về vũ khí chế tạo ở nội địa, gọi đây là bí mật quốc gia. Tuy nhiên một phát ngôn viên quốc phòng nói ngân sách để mua máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo sẽ hạ giảm trong năm 2012. Ông Nathan Liu, một học giả về quan hệ quân sự tại trường đại học Minh Truyền, Đài Loan nói vũ khí của Đài Loan có hỏa lực có thể đẩy lùi một cuộc tấn công nhưng chính phủ có thể không đủ ngân sách để có thể phòng vệ hùng hậu.
Ông Nathan Liu nói: “Về mặt công nghệ và khả năng, tôi nghĩ Đài Loan có khả năng đó nhưng chúng tôi không có đủ ngân khoản. Vì ngân sách có giới hạn nên chúng tôi không thể sản xuất đủ số tên lửa. Do đó nếu không đủ số tên lửa, chúng tôi không thể phát động bất cứ cuộc tấn công đáng kể nào, nên việc này thực sự không có ý nghĩa nhiều.”
Trung Quốc vẫn đang cảnh giác quan sát việc sản xuất vũ khí của Đài Loan. Trước đây trong năm, truyền thông chính thức Trung Quốc loan báo là một dàn phóng nhiều tên lửa của Đài Loan được thiết trí trên một hòn đảo ngoài khơi Đài Loan gần Trung Quốc nhưng sau đó được rút lại. Đề tài về tên lửa Hùng Phong thế hệ thứ ba có thể bay nhanh gấp hai lần tốc độ âm thanh với tầm bắn 130 kilômét đã xuất hiện trên diễn đàn tin tức Trung Quốc. Bắc Kinh có thể sẽ cảnh giác hơn nếu Đài Loan theo đuổi một kế hoạch được loan báo rộng rãi là chế tạo một tên lửa đạn đạo tầm xa có tên là Hùng Phong-2E với một đầu đạn nặng 400 kilôgram.
Ngoài những thao tác quân sự, mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể từ năm 2008. Quốc dân đảng của Tổng thống Mã Anh Cửu đã tăng cường những cuộc đối thoại mậu dịch với Bắc Kinh. Bắc Kinh mong muốn được tái thống nhất với Đài Loan qua đường lối ôn hòa.
Ông Raymon Wu, một đối tác điều hành với một công ty tham vấn về rủi ro chính trị e-telligence tại Đài Bắc nói, việc sản xuất vũ khí trong nước hiện vẫn được các đảng phái Đài Loan ủng hộ.
ÔngRaymond Wu nói: “Dù có những tiến bộ lớn lao trong mối quan hệ kinh tế qua eo biển Đài Loan trong 3 năm qua, tôi nghĩ vấn đề an ninh quốc gia vẫn rất quan trọng với đa số dân chúng Đài Loan. Do đó, trước sự kiện là có rất nhiều sự ủng hộ tại Đài Loan cho một khả năng quốc phòng hùng mạnh, chính phủ cũng như quân đội, cần phải tiếp tục nâng cấp khả năng sẵn sàng ứng phó quân sự cũng như khả năng của vũ khí.”
Ông Wu nói công nghiệp vũ khí được công luận Đài Loan xem như là một phương cách để đảm bảo với nhiều sức mạnh hơn tại bàn thương thảo với Trung Quốc về kinh tế cũng như các vấn đề khác. Tuy nhiên ông nói dân chúng ủng hộ cũng vì quốc gia cung cấp vũ khí cho đảo này từ xưa tới nay là Hoa Kỳ, trong những năm gần đây, đã càng ngày càng ngần ngại không muốn bán vũ khí nặng cho Đài Loan.
Ông Raymond Wu nói: “Đứng trước sự kiện mối quan hệ tay ba Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan là một cân bằng mong manh, việc bán vũ khí của Hoa Kỳ cho Đài Loan luôn luôn là một vấn đề tối nhạy cảm. Do đó Đài Loan cần phải tiếp tục nâng cấp khả năng và lực lượng tự phòng vệ.”
Dù rằng đã bán vũ khí cho Đài Loan trong nhiều thập niên, nhưng các giới chức Mỹ có nguy cơ làm hỏng mối quan hệ kinh tế và chiến lược không được thoải mái cho mấy với Trung Quốc qua những vụ buôn bán vũ khí mới cho Đài Loan. Vào tháng 1 năm 2010, Bắc Kinh giận giữ và đình chỉ các cuộc trao đổi quân sự sau khi Washington chấp thuận bán 6.4 tỉ đô la vũ khí cho Đài Loan. Kể từ năm ngoái, các nhà ngoại giao Mỹ tại Đài Bắc nói sẽ lượng giá bao quát nhu cầu quốc phòng của Đài Loan, có thể đi đến quyết định không bán vũ khí mới cho hòn đảo này nữa.
Một Phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Đài Loan tuyên bố cần có vũ khí riêng để đảm bảo có thể sản xuất đúng hạn. Tuy nhiên ông không nói là Hoa Kỳ, nước cung cấp vũ khí chính, quá chậm trong việc cứu xét yêu cầu của Đài Loan mua vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất. Đài Bắc vẫn đang thúc đẩy Washington chấp thuận bán 66 máy bay phản lực F-16, và các thành viên Quốc hội Mỹ đang tăng cường áp lực đối với Tổng thống Barack Obama để ông phải chấp nhận đơn đặt hàng này.
Trong năm nay, Đài Loan bắt đầu bố trí những dàn tên lửa siêu âm chống tàu chiến để đáp ứng với sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc. Tên lửa thế hệ thứ ba Hùng Phong đã được lắp đặt trên khoảng 20 chiến hạm nhắm củng cố việc sản xuất tên lửa nội địa của Đài Loan, một chuyện mà bình thường Đài Loan không muốn khoa trương. Tuy nhiên sức mạnh quân sự của Đài Loan đang được tăng cường vào một thời điểm mà mối liên hệ với Bắc Kinh tốt đẹp hơn bao giờ hết. Thông tín viên Ralph Jennings tại Đài Bắc nhìn vào đằng sau động lực khiến cho Đài Loan tiến hành chế tạo vũ khí ở nội địa.