Vật mà bạn nhìn thấy trong bức ảnh in kèm trong bài viết này có tên chính thức là Fountain của Marcel Duchamp (1887-1968). Nhà thơ kiêm dịch giả Hoàng Ngọc Biên dịch là Đài nước (1). Nghe thật sang trọng. Sang trọng, nhưng không nên quên Fountain là một cái bồn tiểu lật ngửa. Có điều đó không phải chỉ là một cái bồn tiểu. Nó là một tác phẩm nghệ thuật. Mà không phải là một tác phẩm nghệ thuật bình thường. Nó được xem là tác phẩm nổi tiếng và tai tiếng nhất, đồng thời, cũng là tác phẩm nghệ thuật có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong cả thế kỷ 20 vừa qua.
Vâng, có ảnh hưởng nhất. Không phải trong một năm hay một thập niên. Mà trong một thế kỷ. Không phải ở một nhóm, một nước hay một vùng. Mà là cả thế giới.
Đó không phải là nhận định của tôi, dĩ nhiên. Đã có nhiều người viết như vậy, đây đó, nhiều lần. Bạn cứ mở các cuốn lịch sử mỹ thuật thế giới mà xem. Phần lớn đều in ảnh tác phẩm ấy. Phần lớn đều đánh giá tác phẩm ấy một cách trân trọng. Nhưng việc đánh giá ấy rõ nhất là qua cuộc điều tra do Ban tổ chức giải Turner thực hiện vào năm 2004. Cuộc điều tra xoay quanh mục tiêu: chọn tác phẩm có ảnh hưởng nhất. Có 500 chuyên gia mỹ thuật, từ hoạ sĩ đến phê bình gia, sử gia, nhà giám tuyển (curator) và người buôn tranh nổi tiếng khắp nơi tham dự. Kết quả: cái bồn tiểu này đứng đầu danh sách!
Tất cả những tác phẩm xuất sắc khác mà bạn có thể biết đều đứng sau nó. Chẳng hạn, bức Les Demoiselles d'Avignon (1907) nổi tiếng của Picasso chỉ được xếp hạng hai, bức Guernica (1937) cũng của Picasso chỉ được xếp hạng tư; bức The Red Studio (1911) của Matisse đứng hạng năm; còn bức One: No 31 (1950) của Pollock thì được xếp ở vị trí thứ 8 (2).
Chắc bạn ngạc nhiên: Tại sao Ðài nước lại được đánh giá cao như thế?
Nhưng trước hết có lẽ chúng ta nên điểm qua về lai lịch tác phẩm nổi tiếng và tai tiếng này.
Năm 1917, Hội nghệ sĩ độc lập (Society of Independent Artists) (Duchamp là một trong những sáng lập viên) tổ chức một cuộc triển lãm theo tinh thần cách tân. Họ kêu gọi nghệ sĩ ở khắp nơi tham dự. Chỉ một điều kiện duy nhất được đặt ra: đóng lệ phí 6 đô. Vậy thôi. Ban tổ chức tuyên bố là họ sẽ không trao giải thưởng nhưng cũng sẽ không xét duyệt (no jury, no prizes). Nghĩa là hoàn toàn tự do.
Duchamp ra phố mua cái bồn tiểu cũ, viết nguệch ngoạc cái tên giả R. Mutt và năm 1917 rồi nhờ người gửi đến tham dự. Ban tổ chức từ chối. Lý do: họ không cho đó là tác phẩm mỹ thuật. Có lẽ đó là tác phẩm duy nhất bị từ chối trong cuộc triển lãm khổng lồ bao gồm 2125 tác phẩm của 1235 nghệ sĩ này (3). Điều đó khiến Duchamp rất tức giận. Ông liền rút tên ra khỏi Hội nghệ sĩ độc lập và đem bày Đài nước ở Gallery 291 (còn có tên là The Little Galleries of the Photo-Secession) ở New York. Đó chỉ là một gallery nhỏ, rất nhỏ, không có tiếng tăm gì cả. Không biết là có bao nhiêu người đến xem. Chỉ biết được hai điều là: một, Alfred Steiglitz, chủ nhân của phòng triển lãm, đã chụp ảnh cái bồn tiểu ấy; và hai, Walter Arensberg đã mua nó, nhưng không hiểu vì sao, sau đó nó hoàn toàn bị biến mất (theo Clark Marlor, một sử gia mỹ thuật, nó bị William Glackens làm vỡ) (4).
Có lẽ sẽ không có ai biết đến Đài nước nếu sau đó không có bài viết ngắn về tác phẩm ấy và việc nó bị Hội nghệ sĩ độc lập từ chối trưng bày trên tờ The Blind Man, một tờ báo nhỏ, chỉ có ra hai số và cũng chỉ phổ biến rất hạn chế (5). In kèm với bài báo là bức ảnh Đài nước do Alfred Steiglitz chụp. Lúc ấy Đài nước đã mất tích, mọi người chỉ biết đến nó qua bức ảnh ấy.
Như vậy, liên quan đến Đài nước, có mấy chi tiết quan trọng:
Một, đó chỉ là một cái bồn tiểu cũ được Duchamp mua và ký dưới một cái tên giả là R. Mutt.
Hai, Đài nước chỉ được trưng bày một thời gian cực ngắn rồi biến mất. Mất hẳn.
Ba, tất cả những gì mà mọi người trên thế giới biết về tác phẩm ấy chỉ là qua bức ảnh do Alfred Sreiglitz chụp. Hết.
Trở lại câu hỏi nêu trên: Tại sao Đài nước lại được nhiều nhà phê bình khen ngợi và đánh giá cao?
Có lẽ điều đầu tiên cần khẳng định ngay là: Họ khen ngợi và đánh giá cao Đài nước không phải vì nó đẹp. Đẹp cái nỗi gì chứ? Đó chỉ là một cái bồn tiểu bằng sứ bình thường, được sản xuất vào đầu thế kỷ 20 và được bán đầy ở các tiệm. Hơn nữa, đó là một cái bồn tiểu cũ. Nghe nói nó có mùi và một số vết bẩn không thể xoá đi được (6). Có lẽ nó không thể đẹp bằng bất cứ cái bồn tiểu hiện đại nào mà chúng ta thấy ở các nước Tây phương hiện nay.
Không cho là đẹp, nhưng rất nhiều người công nhận là nó có giá trị. Thậm chí, William Camfield còn cho đó là một kiệt tác (masterpiece) (7). Và hầu như không ai có thể phủ nhận được ảnh hưởng của nó.
Tại sao?
Lý do là nó làm thay đổi một cách triệt để nhiều vấn đề trong lịch sử mỹ thuật thế giới. Và mở ra nhiều chân trời sáng tạo cho nhiều thế hệ nghệ sĩ tài hoa về sau.
Thứ nhất, nó làm thay đổi quan niệm về nghệ sĩ. Trước, kéo dài cả mấy ngàn năm, hầu như ai cũng xem nghệ sĩ là người tạo ra tác phẩm. Nhiều người thổi phồng một chút: nghệ sĩ là tạo hoá. Ở đây, Marcel Duchamp, tác giả, lại không phải là người chế ra cái bồn tiểu ấy. Ông cũng không làm ra nó. Ông chỉ đi mua nó ngoài tiệm. Rồi ông nguệch ngoạc viết cái tên giả R. Mutt và năm mua, 1917, ở một góc. Vậy thôi. Trong bài “The Richard Mutt case” đăng trên tạp chí The Blind Man số 2 đã dẫn, Ban chủ biên biện hộ: “Việc ông Mutt có tự tay làm cái bồn ấy hay không thì chẳng có gì quan trọng. Ông ta ĐÃ CHỌN nó. Ông ta lấy một vật bình thường trong cuộc sống, đặt nó theo một cách khiến cho cái giá trị khả dụng của nó biến mất dưới cái tên gọi mới và dưới điểm nhìn mới - ông ta đã sáng tạo một ý tưởng mới cho vật ấy.” (8)
Thứ hai, nó làm thay đổi quan niệm về tác phẩm. Trước, tác phẩm nghệ thuật, nhất là mỹ thuật, được quan niệm phải là một vật thể, ví dụ: một bức tranh hay một pho tượng. Hơn nữa, theo quy ước xã hội, vật thể ấy phải là bản gốc. Bởi vậy, thiên hạ mới bỏ cả đống tiền, có khi đến cả hàng triệu hay hàng chục triệu, thậm chí, hàng trăm triệu để mua bản gốc một bức tranh hay một pho tượng nào đó. Trong khi đó, những bức ảnh chụp, cũng rất sắc nét, cơ hồ không thua gì bản chính, chỉ được bán với giá vài chục hay vài trăm đô, chủ yếu dành cho dân… nghèo. Trường hợp của Đài nước thì khác. Bản gốc của nó đã biến mất. Tất cả những gì chúng ta biết về nó chỉ qua một bức ảnh chụp và các bản sao được thực hiện bởi Sidney Janis vào năm 1950, Ulf Linde vào năm 1963 và Arturo Schwarz vào năm 1964. Jonathan Loesberg cho chính việc bị biến mất của bản gốc này là điều kiện để Đài nước trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Ông viết: "... Mặc dù cái ý niệm 'Fountain ' đã có một đời sống kéo dài trong thế kỷ 20, sự hiện hữu của nó như một vật thể thì lại rất ngắn, và, trong toàn bộ thời điểm đó, sự hiện hữu của nó như một tác phẩm nghệ thuật đã bị tranh cãi. Chỉ đến sau khi nó ngừng hiện hữu như một vật thể, nó mới trở thành một tác phẩm nghệ thuật không thể tranh cãi." (9)
Thứ ba, nó thay đổi quan niệm về bản chất nghệ thuật. Nói theo Bruce Metcalf, “Đài nước không đòi hỏi sự chế tạo, nó đòi hỏi tư tưởng. Cái làm cái bồn tiểu trở thành nghệ thuật không nằm ở bản thân vật thể mà nằm ở những gì Duchamp nghĩ về nó. (Và dĩ nhiên ở những gì được viết về nó từ đó đến nay)”. (10)
Tất cả những thay đổi ở trên dẫn đến sự ra đời của nhiều khuynh hướng và trường phái quan trọng có ảnh hưởng sâu đậm và rộng rãi trên khắp thế giới từ giữa thế kỷ 20 về sau: nghệ thuật sắp đặt (installation), “trường phái” “làm sẵn” (readymade) (11), nghệ thuật ý niệm (Conceptual Art), Pop art, và cuối cùng, khuynh hướng phản-nghệ thuật (anti-art).
Nhưng tất cả những chuyện ấy đều khá phức tạp và dài dòng.
Để mai mốt, rảnh, bàn tiếp.
Chú thích:
1. Xem trên Tiền Vệ.
2. Bản tin trên BBC.
3. Số liệu này lấy từ Thierry de Duve (biên tập) (1992), The Definitively Unfinished Marcel Duchamp, Cambridge: The MIT press, tr. 191.
4. Thierry de Duve (biên tập) (1992) sách đã dẫn, tr. 133.
5. Bài viết này không ghi tên tác giả nhưng các nhà nghiên cứu đoán là nó được Beatrice Wood và Henri-Pierre Roché viết với sự hợp tác và đồng ý của Duchamp. Xem Thierry de Duve (biên tập, 1992), sđd, tr. 145 và tr. 195.
6. Willaim Camfield, “Marcel Duchamp’s Fountain: Aesthetic Object, Icon or Anti-Art?”, in trong Thierry de Duve (1992), sách dẫn trên, tr. 135.
7. Bruce Metcalf (2000), “The problem of the fountain”, Metasmith số summer 2000, tr. 29.
8. Marcel Duchamp, “Trường hợp Richard Mutt”, Phạm Chí Diệp dịch, đăng trên Tiền Vệ.
9. Dẫn theo Phạm Chí Diệp, “Coi chừng! Đừng để Duchamp phải ném cái bồn tiểu…” trên Tiền Vệ:
10. Bruce Metcalf (2000), bài đã dẫn, tr. 30.
11. Xem bài “Về những tác phẩm ‘readymades’” của Marcel Duchamp do Hoàng Ngọc Biên dịch đăng trên Tiền Vệ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.