Đường dẫn truy cập

Tác động của thỏa thuận khung về Biển Đông


Thỏa thuận khung giữa Trung Quốc với các nước ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông đánh dấu bước tiến quan trọng tiến tới việc giảm nhiệt căng thẳng tại vùng biển chiến lược này, theo giới phân tích ngày 19/5.

Các chuyên gia nói dù chi tiết thỏa thuận đạt được hôm nay chưa được tiết lộ, nhưng đây là dấu hiệu có tiến bộ trong việc tiến tới một Bộ Quy tắc chung cuộc mà các bên đã cam kết 15 năm trước.

Đối với Trung Quốc, Bộ Quy tắc Ứng xử là phương tiện để đạt mục đích cản chân Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ can thiệp vào chuyện Biển Đông trên danh nghĩa quyền tự do hàng hải hay duy trì ổn định khu vực, chuyên gia khu vực, Huang Jing, từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore.

“Trung Quốc có thể tuyên bố ‘Nhìn đây, chúng tôi đã đạt thỏa thuận và tự kìm chế, Mỹ hay các nước khác không cần nhúng tay vào chuyện của chúng tôi nữa,” ông Huang nhận định.

Vẫn theo lời ông, thỏa thuận này thích hợp với mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát tranh chấp hơn là giải quyết tranh chấp và Bắc Kinh vẫn đinh ninh rằng cuối cùng sẽ đạt được giải pháp thông qua các cuộc đàm phán tay đôi.

Đối với 10 nước ASEAN, thỏa thuận tạo điều kiện để ngưng các bước tiến sâu hơn nữa từ Trung Quốc trong lúc Mỹ chuyển trọng tâm ra khỏi khu vực với việc hủy bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, chuyên gia này nói thêm.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Chấn Dân, nói văn bản của khung thỏa thuận vẫn được giữ kín. Philippines cho biết văn kiện sẽ được đưa cho Ngoại trưởng các nước xem xét vào tháng 8 tới đây.

Nhà phân tích Huang Jing cho rằng ‘Các nước ASEAN biết rõ không thể đối chọi với Trung Quốc hay trông cậy vào Mỹ, cho nên tốt hơn hết là làm việc với Trung Quốc để bình ổn thực trạng.

Trong khi chuyên gia Huang Jing xem thỏa thuận khung này là ‘tiến bộ rất đáng kể,’ nhà nghiên cứu Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói đây chỉ là ‘một bước tiến nhỏ’ dựa vào bản thảo nhất trí hồi tháng 3.

Ông Storey nói bản thảo đó chẳng kêu gọi một Bộ Quy tắc mang tính ràng buộc pháp lý như ASEAN mong muốn, thành ra tác động sẽ không đáng kể.

Đáp câu hỏi liệu thỏa thuận đó có mang tính ràng buộc pháp lý hay không, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói ‘Tôi chưa thể có câu trả lời dứt khoát vào lúc này.’

Tuy nhiên, ông Lưu Chấn Dân cho biết thỏa thuận vừa kể sẽ là nền tảng vững chắc cho các cuộc thương thuyết sau này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG