Đường dẫn truy cập

Từ ‘Hiện thực luận’ của Mearsheimer đến Ukraine và Việt Nam (phần 1)


Vì nhu cầu sinh tồn, các cường quốc luôn có nhu cầu duy trì vị thế bá chủ của mình. Hình minh họa.
Vì nhu cầu sinh tồn, các cường quốc luôn có nhu cầu duy trì vị thế bá chủ của mình. Hình minh họa.

Áp dụng lý thuyết nói trên vào quan hệ quốc tế của Mỹ, Mearsheimer cho rằng Mỹ cần đặt mục tiêu giữ quyền bá chủ ở Tây Bán cầu (châu Mỹ), đồng thời, ngăn chặn sự trỗi dậy của các bá chủ tương tự ở Đông Bán cầu (châu Âu, châu Phi, châu Á).

Nguyễn Lương Hải Khôi

“Bi kịch của nền chính trị cường quyền”

John Mearsheimer, dạy ở Đại học Chicago, là tác giả cuốn sách “Tragedy of great power politics” (tạm dịch “Bi kịch của nền chính trị cường quyền”) năm 2001, đưa ra thuyết “hiện thực tấn công" (offensive realism) nổi tiếng. Theo thuyết này:

  • Vì nhu cầu sinh tồn, các cường quốc luôn có nhu cầu duy trì vị thế bá chủ của mình.
  • Bản chất của quan hệ quốc tế là bất định, tức là các quốc gia không thể chắc chắn cường quốc khác có tấn công mình hay không. Do vậy phòng thủ chủ động luôn phải là lựa chọn hàng đầu để tồn tại.
  • Vì vậy, các cường quốc luôn luôn:
  • mưu cầu bá quyền ở quy mô khu vực.
  • cũng vì nhu cầu sinh tồn của mình, ngăn cản các cường quốc khác mưu cầu quyền lực bá chủ của nó
  • do đó, xung đột giữa các cường quốc là không thể tránh khỏi, ngay cả khi họ mưu cầu an ninh. Ông gọi cái xung đột bất khả kháng này giữa các đại cường là “bi kịch của chính trị cường quyền”, như tên gọi của cuốn sách của ông, "Tragedy of great power politics".

Áp dụng lý thuyết nói trên vào quan hệ quốc tế của Mỹ, Mearsheimer cho rằng Mỹ cần đặt mục tiêu giữ quyền bá chủ ở Tây Bán cầu (châu Mỹ), đồng thời, ngăn chặn sự trỗi dậy của các bá chủ tương tự ở Đông Bán cầu (châu Âu, châu Phi, châu Á).

Cuốn sách được xuất bản năm 2001. Đây là năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, một sự kiện thay đổi hoàn toàn Trung Quốc. Ở phần kết luận của cuốn sách, Mearsheimer dự đoán quan hệ Mỹ Trung trong tương lai bằng “hiện thực luận” của mình.

Ông đã tiên đoán một cách bi quan về quan hệ 2 nước, và đặt vấn đề một cách lạnh lùng về lựa chọn chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc đương thời. Sau hơn 20 năm nhìn lại, 2001-2022, chúng ta thấy ông đã đúng.

Mearsheimer viết:

“Rõ ràng là kịch bản nguy hiểm nhất mà Hoa Kỳ có thể phải đối mặt vào đầu thế kỷ XXI là việc Trung Quốc trở thành bá chủ tiềm tàng ở Đông Bắc Á. Tất nhiên, triển vọng trở thành bá chủ tiềm năng của Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào việc nền kinh tế của nước này có tiếp tục hiện đại hóa với tốc độ nhanh chóng hay không. Nếu điều đó xảy ra, và Trung Quốc không chỉ trở thành nhà sản xuất công nghệ tiên tiến hàng đầu mà còn là cường quốc giàu có nhất thế giới, thì nước này gần như chắc chắn sẽ sử dụng sự giàu có của mình để xây dựng một cỗ máy quân sự hùng mạnh.” (1)

Nhưng điều Mearsheimer viết vào năm 2001 đã đúng vào năm 2016, khi Tập Cận Bình chính thức làm một cuộc cách mạng về tổ chức quân đội, xây dựng quân đội Trung Quốc thành một quân đội công nghệ cao, mô phỏng Hoa Kỳ cả về tổ chức lẫn chiến lược và công nghệ.

Mearcheimer cho rằng trước hết, Trung Quốc sẽ nhắm đến mục tiêu bá chủ vùng Đông Bắc Á, trong đó hai mục tiêu cần xử lý trước tiên là Nhật Bản và Hàn Quốc. Không thấy ông nhắc tới Đài Loan.

“Hơn nữa, vì những lý do chiến lược đương nhiên, nước này chắc chắn sẽ mưu cầu vị thế bá chủ trong khu vực, giống như Hoa Kỳ đã làm ở Tây Bán cầu trong thế kỷ XIX. Vì vậy, chúng ta nên dự phóng trước là Trung Quốc sẽ cố gắng thống trị Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các nước khác trong khu vực, bằng cách xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh đến mức các quốc gia khác không dám thách thức. Chúng ta cũng sẽ phải dự phóng rằng Trung Quốc phát triển phiên bản riêng của Học thuyết Monroe, nhắm thẳng vào Hoa Kỳ. Giống như Hoa Kỳ đã nói rõ với các cường quốc ở xa rằng họ không được phép can thiệp vào Tây Bán cầu, Trung Quốc sẽ nói rõ rằng sự can thiệp của Mỹ vào châu Á là không thể chấp nhận được.” (2)

Sau đó 8 năm, vào 2009, một quan chức quân đội Mỹ tiết lộ rằng một tướng Trung Quốc đã đề nghị hai nước chia đôi Thái Bình Dương: phía tây Thái Bình Dương sẽ thuộc Mỹ, còn phía đông Thái Bình Dương sẽ của Trung Quốc. (3)

Đây là một đề nghị “khôn ngoan” của Trung Quốc. Phía tây Thái Bình Dương chủ yếu là Châu Mỹ, vốn thuộc vùng ảnh hưởng của Mỹ từ thế kỷ 19, và nguồn lực không thể so sánh bằng “phía đông Thái Bình Dương”, tức châu Á, mà phần chính là Đông Nam Á, Đông Bắc Á, thậm chí cả Nam Á nếu hiểu phía đông Thái Bình Dương gồm cả Ấn Độ Dương.

Như vậy, tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Đông Bắc Á mà hạt nhân là Nhật Bản và Hàn Quốc mà nó nhắm đến một vùng châu Á rộng lớn.

Ngoài ra, chiến lược Vành đai Con đường được Trung Quốc công bố năm 2013 cho thấy tham vọng của nước này vươn rất xa, trải dài từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á, sang Nam Á, Trung Á, rồi Đông Âu, Trung Âu, Tây Âu và cả châu Phi.

Mearsheimer có một ngụ ý cho rằng Trung Quốc chỉ nhắm đến bá quyền cấp vùng là “Đông Bắc Á” mà hạt nhân là Nhật Bản và Hàn Quốc, có lẽ vì căn cứ vào một lý thuyết của ông trong sách, cho rằng các đại dương khổng lồ trên địa cầu hạn chế khả năng triển khai quân đội ở quy mô toàn cầu, vì vậy, ngăn cản mọi cường quốc vươn tới quyền bá chủ ở quy mô thế giới. Các cường đó do đó chỉ mưu cầu quyền bá chủ ở cấp vùng.

Lý thuyết này của Mearcheimer có thể đúng với chính trị thế giới trước khi kỹ thuật hàng hải, từ thế kỷ 19, phát triển thành một lực lượng giúp các cường quốc có thể duy trì quyền bá chủ vượt ra ngoài phạm vi của một khu vực địa lý nhất định. Ngoài ra, ngành hàng không trong thế kỷ 20 cũng đóng vai trò tương tự ngành hàng hải. Không ai khác, Hoa Kỳ là ông vua bầu trời trong thế kỷ 20 và hiện vẫn là vua của không gian này trong những năm đầu thế kỷ 21. Cạnh tranh giữa hai khối Mỹ Trung, do đó, đã vượt ra ngoài phạm vi Đông Bắc Á (và cả châu Á) rất xa.

Mearsheimer cũng nhấn mạnh nếu Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ cho Trung Quốc thành một cường quốc, đây sẽ là một tay chơi đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại. Bởi Trung Quốc “mạnh và nguy hiểm hơn nhiều so với bất kỳ một tay chơi bá quyền nào mà Hoa Kỳ đã từng đối đầu trong thế kỷ XX.” Các tay chơi mà Hoa Kỳ từng “thanh toán” trong thế kỷ 20 bao gồm đế quốc Nhật Bản, Đức Quốc xã và Liên Xô. Những tay chơi này đều không có nhiều nguồn lực bằng Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc thì khác. Nếu “trở thành một Hong Kong khổng lồ, nước này có thể sẽ có một sức mạnh tiềm ẩn gấp bốn lần Hoa Kỳ, cho phép Trung Quốc giành được lợi thế quân sự quyết định trước Hoa Kỳ ở Đông Bắc Á. Trong trong hoàn cảnh đó, thật khó để thấy Hoa Kỳ làm thế nào có thể ngăn cản Trung Quốc trở thành một đối thủ ngang hàng. Hơn nữa, Trung Quốc có thể sẽ là một siêu cường đáng gờm hơn cả Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu sau đó giữa họ.” (4)

Mearsheimer chỉ ra sai lầm trong chính sách của Hoa Kỳ đương thời là thay vì làm cho “kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đáng kể trong những năm tới”, thì Hoa Kỳ “đã theo đuổi một chiến lược ngược lại”, vì “Hoa Kỳ đã cam kết cho Trung Quốc “hội nhập”, chứ không “phong tỏa” nước này.”

Chiến lược nói trên của Hoa Kỳ “dựa trên niềm tin của chủ nghĩa tự do, cho rằng nếu Trung Quốc có thể trở nên dân chủ và thịnh vượng, nước này sẽ trở thành một cường quốc mà vẫn như hiện trạng và không tham gia vào cuộc cạnh tranh an ninh với Hoa Kỳ. Kết quả là, chính sách của Mỹ đã tìm cách đưa Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế thế giới và tạo điều kiện cho nước này phát triển kinh tế nhanh chóng, để nước này trở nên giàu có, và người ta hy vọng nó sẽ vẫn bằng lòng với vị trí hiện tại của mình trong hệ thống quốc tế.”

Mearsheimer chỉ ra chính sách này của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là sai lầm như thế nào. Chúng ta cần lưu ý một lần nữa, ông tiên đoán những điều này từ 2001. Lý Quang Diệu của Singapore, trước đó trong hồi ký “From Third World to First” năm 2000, cũng nhận xét rằng phương Tây đang rất ảo tưởng về Trung Quốc, nhìn nước này theo kiểu “wow, lại có thêm một tay chơi nữa rồi đây” mà họ không hiểu rằng đó sẽ là tay chơi khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Theo kiến giải của Mearsheimer:

Một Trung Quốc giàu có sẽ không phải là một cường quốc giữ nguyên hiện trạng như bây giờ, mà sẽ là một quốc gia hiếu chiến, quyết tâm đạt được quyền bá chủ trong khu vực.

Điều này xảy ra không phải bởi vì một Trung Quốc giàu có thì sẽ có những động cơ xấu xa, mà bởi vì cách tốt nhất để bất kỳ nhà nước nào có thể tối đa hóa triển vọng tồn tại của mình là trở thành bá chủ trong khu vực của họ. Mặc dù chắc chắn là Trung Quốc vì lợi ích của mình mà mưu cầu trở thành bá chủ ở Đông Bắc Á, nhưng điều đó thực sự không phải là lợi ích của Mỹ.”

Như vậy, đối với Mearsheimer, Trung Quốc hiếu chiến không phải vì “bản chất” của nó là xấu xa, vì nó là “độc tài”, mà đơn giản là vì lợi ích sẽ tự nhiên khiến nó làm như thế. Nó là một nước “dân chủ” và “tự do” như Mỹ thì nó cũng không thể làm khác. Ở thời điểm 2001, Trung Quốc vừa mới vào WTO, theo Mearsheimer, nước này còn lâu mới có thể “đủ sức mạnh tiềm ẩn để giành quyền bá chủ trong khu vực.” Vì vậy, ở thời điểm đó, vẫn còn chưa quá muộn để “Hoa Kỳ đảo ngược chính sách” hỗ trợ hết sức cho Trung Quốc, mà “làm những gì có thể để làm giảm tốc sự trỗi dậy của Trung Quốc.” (5)

Năm 2012, Robert Kaplan nhận xét về cuốn sách “Bi kịch của chính trị cường quyền” của Mearsheimer như sau:

“Nếu Trung Quốc sụp đổ do một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội, hoặc phát triển theo một cách nào đó khác khiến cho khả năng đe dọa của nó bị loại bỏ, lý thuyết của Mearsheimer sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng vì nó không xem xét chính trị trong nước. Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục trở thành một cường quốc quân sự, định hình lại cán cân lực lượng ở châu Á, thì cuốn “Bi kịch” của Mearsheimer sẽ tồn tại như một tác phẩm kinh điển ". (6)

Cuộc thương chiến Mỹ Trung bùng nổ từ 2018 dưới thời Tổng thống Trump và cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nước tiếp tục được duy trì dưới thời Tổng thống Biden, cho thấy tầm nhìn của Mearsheimer năm 2001 là đúng.

Cuối cuốn sách, ông đã tiên đoán “những cưỡng bách có tính cấu trúc của hệ thống quốc tế, vốn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, có thể sẽ buộc Hoa Kỳ phải từ bỏ chính sách can dự mang tính xây dựng vào môi trường quốc tế trong tương lai gần.” (trang 402). Điều này cũng đã đúng nếu chúng ta xem xét lại chính sách rút khỏi các định chế quốc tế của Mỹ thời TT. Trump. Chính sách này của Trump đã được Biden đảo ngược. Biden quyết định giữ lại hệ thống quốc tế mà Hoa Kỳ đã xây dựng, nắm lấy nó, phát triển nó, thay vì phá hủy nó mà không biết xây dựng cái gì thay thế.

Ghi chú:

(1) John Mearsheimer, The Tragedy of Great Power Politics, W. W. Norton & Company, 2001, trang 401

(2) Ibid, trang 401

(3) China proposed division of Pacific, Indian Ocean regions, we declined: US Admiral, by Manu Pubby, New Delhi, May 15 2009,

http://archive.indianexpress.com/news/china-proposed-division-of-pacific-indian-ocean-regions-we-declined-us-admiral/459851/

(4) John Mearsheimer, The Tragedy of Great Power Politics, W. W. Norton & Company, 2001, trang 402

(5) Ibid, trang 402

(6) Robert Kaplan, Why John J. Mearsheimer Is Right (About Some Things), Feb 2012

https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2012/01/why-john-j-mearsheimer-is-right-about-some-things/308839/

XS
SM
MD
LG