Việc Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, đồng ý dành cho hiệp ước quân sự Mỹ cơ hội thứ nhì dù ông ta không có thiện cảm với Washington cho thấy mối quan hệ của ông với Trung Quốc đang có những bất đồng sau 4 năm, các nhà phân tích tin như vậy.
Bộ trưởng Ngoại giao của ông Duterte ngày 3/6 loan báo Philippines sẽ kéo dài ít nhất tới cuối năm nay Thỏa thuận về việc cho các lực lượng thăm viếng qua lại. Hồi tháng 2, chính phủ Philippines tuyên bố sẽ chấm dứt hiệp ước có từ 21 năm nay mà qua đó quân đội Mỹ được tự do đến Philippines để tập trận chung.
Washington xem Philippines như một vị trí chiến lược trong bất kỳ cuộc xung đột nào ở Đông Á.
Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin nói tại một cuộc họp báo tuần trước rằng “những căng thẳng lên cao giữa các cường quốc” tại Châu Á đã thúc đẩy chính phủ ông giữ lại hiệp ước.
Vai trò của Biển Đông
Trung Quốc, nước có quân đội lớn nhất Châu Á và đang tranh chấp chủ quyền trên biển với Philippines, trở thành một mối đe dọa trong nửa năm nay, các học giả trong vùng nói.
Bắc Kinh để cho một đội tàu đánh cá đến gần những hòn đảo nhỏ tại Biển Đông do Philippimes chiếm đóng, gởi một tàu thăm dò đến một phần của vùng biển này mà Malaysa tuyên bố có chủ quyền đã khiến Mỹ phải thực hiện bốn “cuộc hành quân tự do hàng hải.”
Tất cả góp phần vào ý niệm là đây không phải là thời điểm thuận lợi để mất cảnh giác,” Jay Batongbacal, giáo sư các vấn đề hàng hải quốc tế tại Trường đại học Philippines, nói.
Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền khoảng 90% Biển Đông, trùng lắp với một phần vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Philippines từng là thuộc địa của Mỹ. Chính phủ Mỹ nói Biển Đông phải được mở rộng quốc tế.
Manila và Washington cũng bị ràng buộc vì một hiệp ước phòng vệ hỗ tương. Hơn 100 tàu của Trung Quốc đã bao vây những đảo nhỏ do Philippines chiếm đóng hồi năm ngoái. Vào năm 2013, chiến hạm hai nước đối đầu tại Bãi cạn Scarboroug giàu tài nguyên cá.
Ông Duterte làm các nhà lãnh đạo thế giới và chính người dân của ông ngạc nhiên vào năm 2016 bằng cách bỏ qua một bên những tranh chấp chủ quyền trên biển để theo đuổi một chính sách thân thiện mới với Bắc Kinh. Trung Quốc đáp lại với lời hứa viện trợ nhiều tỉ đô la và đầu tư, bao gồm 150.000 bộ xét nghiệm COVID-19 và 70.000 khẩu trang N95 được đề nghị trong tháng trước.
Tổng thống Philipinnes chống lại ảnh hưởng của Mỹ tại nước ông. Ông bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về chiến dịch bài trừ ma túy của Philippines và phản đối việc Mỹ thu hồi, vào tháng 1, visa cấp cho cựu tư lệnh cảnh sát Philippines Ronald dela Rosa, hiện là một thượng nghị sĩ, nhân vật chính trong chiến dịch bài trừ ma túy được đánh dấu bằng những vụ sát hại không mang ra tòa xét xử tại Philippines.
Tuy nhiên, ông Duterte tin vào quân đội Mỹ hơn là lực lượng vũ trang Trung Quốc, ông Alexander Huang, giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại Trường đại học Tamkang ở Đài Loan, nói. Người dân bình thường Philippines cũng như các nhân viên quân sự cao cấp thích Hoa Kỳ là đồng minh hơn là Trung Quốc.
COVID-19 là một yếu tố
Trong trường hợp có xung đột, quân đội Philippines cần được yểm trợ, đặc biệt là hiện nay khi quân đội đang giúp cảnh sát quốc gia đối phó với COVID-19, ông Batongbacal nói. Nếu Thỏa thuận về lực lượng thăm viếng chấm dứt, quân đội Mỹ chỉ có thể vào Philippines khi có phép đặc biệt.
Philippines có thể gia hạn thỏa thuận như một công cụ thương thuyết, ông Stephen Nagy, phó giáo sư về chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Trường Đại học Cơ Đốc Quốc tế ở Tokyo, nói.
Ông Duterte có thể yêu cầu quân đội Mỹ huấn luyện thêm hay mang theo một số khí tài khi ghé thăm, ông nói. Trung Quốc, cựu đối thủ Chiến tranh Lạnh của Mỹ, có thể bước vào với nhiều trợ giúp như là một đối trọng, ông nói.
“Có thể việc đảo ngược này chỉ là một phương thức để làm cho Hoa Kỳ nhượng bộ thêm, hay là có thể họ thực sự lo ngại về Trung Quốc,” ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng kỳ cựu của viện nghiên cứu RAND Corp tại Mỹ, nói.