Tư lệnh quân đội Thái Lan hôm 25/8 đã báo hiệu sự ủng hộ dành cho thủ tướng bị đình chỉ Prayuth Chan-ocha, bản thân ông cũng là cựu chỉ huy quân đội, trong lúc tòa án cân nhắc về tương lai của ông Prayuth sau thách thức của phe đối lập về tư cách ông tiếp tục nắm quyền.
Tòa án Hiến pháp hôm 24/8 đã đình chỉ chức vụ của ông Prayuth, 68 tuổi, trong lúc chờ xem xét lại giới hạn nhiệm kỳ tám năm của ông theo hiến pháp.
Tranh cãi về nhiệm kỳ của ông Prayuth có thể làm sống lại sự đối đầu trước đây vốn là gốc rễ của gần hai thập kỷ hỗn loạn chính trị ngắt quãng, bao gồm hai cuộc đảo chính và biểu tình bạo lực, xuất phát từ sự phản đối quân đội tham gia vào chính trị và yêu cầu có sự đại diện nhiều hơn khi nhận thức chính trị của công chúng ngày càng tăng.
Tư lệnh lục quân, Tướng Narongpan Jittkaewtae, nói với báo giới rằng Thủ tướng Prayuth là ‘người lính và quý ông’ vì đã chấp nhận quyết định của tòa án tiếp nhận đơn kiến nghị của đảng đối lập chính, mà ông Prayuth đã lật đổ khỏi quyền lực khi ông còn là tư lệnh quân đội trong cuộc đảo chính hồi năm 2014.
“Tôi phải ngưỡng mộ ông ấy, ông ấy là một quý ông, một nhà lãnh đạo và một người lính kiểu mẫu. Tòa án ra lệnh và ông làm theo. Đây là điều tốt cho xã hội, cho đất nước chúng ta và là hành vi đúng đắn trong một nền dân chủ,” Tướng Narongpan nói.
Đảng đối lập Pheu Thai lập luận rằng ông Prayuth đã phục vụ tối đa tám năm, như Hiến pháp năm 2017 vốn được soạn thảo dưới chính quyền quân sự, quy định, bởi vì cần tính luôn thời gian ông làm người đứng đầu chính quyền quân sự.
Tòa án đã đình chỉ chức vụ của ông Prayuth cho đến khi họ ra phán quyết về kiến nghị. Họ không cho biết là ngày nào.
Ông Prayuth đã không phát biểu công khai về quyết định này. Ông ở nhà hôm 25/8 nhưng đã tham dự cuộc họp của Bộ Quốc phòng qua truyền hình, một quan chức bộ cho biết.
Ông vẫn giữ chức vụ bộ trưởng quốc phòng trong nội các.
Một phát ngôn nhân của chính phủ Thái Lan cho biết hôm thứ 24/8 rằng ông Prayuth tôn trọng quyết định của tòa án, đồng thời nói rằng chính phủ vẫn hoạt động bình thường.
Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan, 77 tuổi, cũng là một người bảo hoàng và là cựu tư lệnh quân đội có quan hệ lâu dài với ông Prayuth, đã trở thành thủ tướng lâm thời.
Prayuth lên nắm quyền ở Thái Lan với tư cách là người đứng đầu hội đồng quân sự sau khi ông lật đổ chính phủ được dân bầu vào năm 2014 do bà Yingluck Shinawatra, em gái của cựu thủ tướng và ông trùm viễn thông Thaksin Shinawatra, lãnh đạo.
Lãnh đạo Đảng Pheu Thai Chonlanan Srikaew kêu gọi ông Prayuth từ chức ngay bây giờ.
“Vì lợi ích của đất nước, Tướng Prayuth nên từ chức để chúng ta có thể bắt đầu quá trình lựa chọn thủ tướng dựa trên hiến pháp càng sớm càng tốt,” ông Chonlanan viết trên Facebook.
Những người ủng hộ ông Prayuth lập luận rằng nhiệm kỳ của ông bắt đầu vào năm 2017, khi hiến pháp mới có hiệu lực, hoặc sau cuộc bầu cử năm 2019, có nghĩa là ông được phép ở lại cho đến năm 2025 hoặc 2027, miễn là ông có được sự ủng hộ của Quốc hội.
Ngay cả khi tòa án phán quyết nhiệm kỳ của ông Prayuth đã đến giới hạn, liên minh chủ yếu là thân quân đội của ông vẫn có đủ phiếu bầu ở Quốc hội để chọn thủ tướng mới.
Phản ứng của công chúng đối với việc Prayuth bị ngưng chức là lặng lẽ nhưng một nhóm nhỏ các nhà hoạt động dân chủ đã đốt pháo hoa gần dinh thự của thủ tướng vào cuối ngày 24/8 và giằng co với cảnh sát.
“Prawit luôn ở bên Prayuth... không có nhiều khác biệt giữa hai người họ,” nhà hoạt động thanh niên Patsaravalee Tanakitvibulpon nói với Reuters.
“Những gì chế độ đang làm là đổi người nhưng vẫn cũng chế độ đó nắm quyền,” cô nói.
Diễn đàn