Đường dẫn truy cập

Tòa Đức bác kháng cáo, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh lại gây chú ý


Bị cáo Long N.H., 47 tuổi, bị xét xử tại toà án Đức vào ngày 24/4/2018 vì liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Bị cáo Long N.H., 47 tuổi, bị xét xử tại toà án Đức vào ngày 24/4/2018 vì liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Một tòa án liên bang Đức vừa bác kháng cáo của một người Việt Nam bị kết án liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, khiến công luận quốc tế lại chú ý đến vụ án đã gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa Berlin và Hà Nội trong vài năm qua, theo AP và truyền thông Đức.

Trước đó, vào tháng 7/2018, người đàn ông tên “Long N.H.” đã bị một tòa án quận Berlin kết án 3 năm và 10 tháng tù về tội gián điệp và là tòng phạm trong vụ bắt giữ phi pháp ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức dầu khí đã bị Việt Nam kết án tù chung thân về tội tham nhũng.

Bị cáo Long N.H. bị các công tố viên Đức buộc tội đã thuê một chiếc xe để chở Trịnh Xuân Thanh và một phụ nữ đi cùng ông Thanh ra khỏi nước Đức.

Sau khi nhận tội tại toà án ở Đức để được hưởng mức án nhẹ, ông Long đã bất ngờ kháng án vào phút chót, tức hôm 31/7/2018, chỉ một ngày trước khi hết hạn kháng án. Động thái này đã khiến cho ngay cả hai luật sư bào chữa cho ông Long cũng bị “bất ngờ”, dẫn tới việc hủy bỏ ủy nhiệm bào chữa với các luật sư này và ông Long đã mời hai luật sư khác bào chữa cho mình.

Tòa án liên bang Đức hôm 3/2 đã quyết định y án đối với ông Long, người trước đây từng sống ở Cộng hòa Séc.

Các cơ quan công tố Đức nói tình báo Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh trên đường phố ở Berlin vào năm 2017, rồi chở sang Cộng hoà Séc và đưa về Việt Nam xét xử.

Phía Đức cáo buộc Hà Nội “vi phạm luật pháp quốc tế” và đã trục xuất một số nhà ngoại giao mà Đức nói là tình báo của Việt Nam về nước ngay sau vụ này.

Vụ bắt cóc đã thu hút sự chú ý của quốc tế tại thời điểm đó và gây ra căng thẳng trong mối quan hệ giữa Berlin và Hà Nội suốt những năm qua.

Hà Nội cho đến nay vẫn khẳng định Trịnh Xuân Thanh tự về nước đầu thú.

Theo AP, mặc dù mối quan hệ của Việt Nam với các nước châu Âu đã được cải thiện theo một số cách, nhưng sự kiện này vẫn cho thấy những “giới hạn” trong mối quan hệ này, đặc biệt trong lĩnh vực nhân quyền.

Hãng thông tấn Mỹ cho rằng sự chú ý của quốc tế vào vụ này sau khi toà án ở Đức bác đơn kháng cáo là một “nhắc nhở” cho Việt Nam về hậu quả của vụ này cũng như trong các mối quan hệ quốc tế, nhất là khi Hà Nội đang giữ vai trò là chủ tịch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm nay, trước khi đại hội quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào năm tới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG