Nhà báo Philippines Maria Ressa sẽ được phép du hành để đích thân nhận giải Nobel Hòa bình sau khi một tòa án cho phép bà rời quốc gia Đông Nam Á đến Na Uy vào cuối tháng này.
Bà Ressa, người bị hạn chế đi lại do các vụ kiện pháp lý mà bà phải đối mặt ở Philippines, đã được trao Giải Nobel Hòa bình cùng với nhà báo điều tra Nga Dmitry Muratov, trong tinh thần cổ vũ cho quyền tự do ngôn luận trên toàn thế giới.
Đây là giải Nobel Hòa bình đầu tiên dành cho các nhà báo kể từ khi nhà báo Đức Carl von Ossietzky giành được giải này vào năm 1935 vì tiết lộ chương trình tái vũ trang bí mật của nước ông sau chiến tranh.
Trong phán quyết hôm 3/12, Tòa phúc thẩm Philippines đã chấp thuận yêu cầu được đi nhận giải thưởng vào ngày 10 tháng 12 của bà Ressa, và lưu ý rằng “bà không phải là người có rủi ro bỏ trốn”.
Ủy ban Nobel Na Uy quyết định lễ trao giải năm nay sẽ là một sự kiện trực tiếp diễn ra tại Tòa thị chính Oslo.
Trang tin tức của bà Ressa, Rappler, đã bị đình chỉ giấy phép và bà bị lôi kéo vào nhiều vụ án pháp lý khác nhau. Những người ủng hộ cho rằng bà đang bị nhắm tới do giám sát quá mức các chính sách của chính phủ, bao gồm cả cuộc chiến chống ma túy đẫm máu do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động.
Được tại ngoại sau khi kháng cáo bản án 6 năm tù giam hồi năm ngoái vì tội phỉ báng, bà Ressa đang phải đối mặt với 5 cáo buộc trốn thuế và một vụ kiện với cơ quan quản lý.
Philippines đã bị hạ bậc trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021, giảm hai bậc xuống thứ 138 trong số 180 quốc gia, và Ủy ban Bảo vệ Ký giả xếp Philippines thứ 7 trên thế giới về chỉ số miễn tội, vốn dựa trên số người làm truyền thông bị thiệt mạng và những kẻ giết họ được tự do.
Chính phủ Philippines phủ nhận việc săn lùng truyền thông và nói rằng bất kỳ vấn đề nào mà các tổ chức gặp phải là vấn đề về pháp lý, chứ không phải chính trị. Manila tuyên bố tin vào tự do ngôn luận.
Liên Hiệp Quốc hôm 29/11 thúc giục Philippines cho phép bà Ressa đến Na Uy để nhận giải thưởng.