Toà án nhân quyền hàng đầu châu Âu hôm 16/2 ra phán quyết yêu cầu Anh bồi thường 90.000 euro (78.590 bảng Anh, 109.197 USD) cho hai người đàn ông Việt Nam bị kết án tội phạm ma túy. Reuters đưa tin và cho biết có những dấu hiệu cho thấy họ được đưa sang Anh từ nhỏ theo đường dây buôn người và bị buộc phải làm việc trong các trang trại cần sa.
Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) nói Anh đã không bảo vệ được các nạn nhân tiềm năng của nạn buôn bán trẻ em trong một vụ án từ năm 2009, và vi phạm hai điều khoản liên quan đến việc cấm lao động cưỡng bức và quyền được xét xử công bằng.
Tòa án yêu cầu Anh bồi thường 25.000 euro tiền bồi thường thiệt hại và 20.000 euro tiền phí tổn cho mỗi người khiếu kiện, hiện cả hai đều đã ngoài 20 tuổi.
Chính phủ Anh có ba tháng để quyết định có nên kháng cáo phán quyết của ECHR hay không.
Bộ Nội vụ Anh chưa bình luận gì về phán quyết trên.
Những người ủng hộ việc chống lại chế độ nô lệ đã hoan nghênh phán quyết và cho rằng nó có thể ảnh hưởng đến cách đối xử với các nạn nhân ở các quốc gia châu Âu khác.
“Đó thực sự là một hành động đột phá về quyền được bảo vệ của tất cả các nạn nhân buôn người”, Parosha Chandran, luật sư đại diện cho một trong hai người khiếu kiện, nói.
“Bản án này sẽ có lợi cho nhiều nạn nhân hôm nay, ngày mai và trong nhiều năm tới”.
Trong phán quyết, tòa án có trụ sở tại Strasbourg đã vạch ra cách thức mà hai đương đơn Việt Nam - được gọi tên tắt là V.C.L. và A.N. - bị phát hiện làm việc trong các trang trại trồng cần sa ở Anh vào năm 2009, và bị buộc tội về tội phạm ma túy và họ đã nhận tội.
Sau khi bị kết án, hai thiếu niên này bị giam giữ trong các trại dành cho trẻ em phạm tội trước khi được chính quyền Anh công nhận là nạn nhân của buôn người.
Tuy nhiên, các công tố viên cuối cùng kết luận rằng họ không bị buôn sang Anh, và Tòa án phúc thẩm của Anh đã phán quyết rằng quyết định truy tố họ là chính đáng, vẫn theo phán quyết.
Tuy nhiên, ECHR nói các công tố viên không đưa ra lý do rõ ràng để phản đối việc xếp hai người Việt là “nạn nhân buôn người”, và Tòa án cấp phúc thẩm thì chỉ giải quyết liệu quyết định truy tố có lạm dụng quy trình hay không.
Phán quyết nói việc thiếu bất kỳ đánh giá nào xem liệu những người nộp đơn có bị buôn người hay không có thể khiến họ không thu được những bằng chứng quan trọng có thể giúp bào chữa cho họ.
Do đó, Vương quốc Anh đã vi phạm Điều 4 - cấm lao động cưỡng bức - và Điều 6 - quyền được xét xử công bằng - theo Công ước Châu Âu về Nhân quyền, theo ECHR.
Theo các nhà hoạt động, một con số kỷ lục 10.627 nô lệ hiện đại đã được xác định ở Anh vào năm 2019, tăng 52% trong một năm, trong khi đại dịch COVID-19 đã đẩy các đường dây buôn người ẩn xuống sâu hơn khiến cho các nạn nhân ít có khả năng được tìm thấy hoặc nhận được sự giúp đỡ.
Cảnh sát, luật sư và các nhà vận động bày tỏ lo ngại rằng trẻ em thường bị truy tố về tội phạm ma túy, mặc dù có những bằng chứng cho thấy chúng bị ép buộc, và cần có một cơ quan bảo vệ pháp lý bảo vệ cho những bị cáo như vậy theo Đạo luật Nô lệ Hiện đại năm 2015 của Anh.