Đường dẫn truy cập

Tình thế bế tắc của công dân Việt ‘kẹt’ ở Mỹ giữa dịch COVID


Phi hành đoàn của Vietnam Airlines tới San Francisco để đưa công dân Việt Nam về nước trong chuyến bay thứ 3 hồi người người Việt từ Mỹ. (Ảnh chụp màn hình Người Lao Động)
Phi hành đoàn của Vietnam Airlines tới San Francisco để đưa công dân Việt Nam về nước trong chuyến bay thứ 3 hồi người người Việt từ Mỹ. (Ảnh chụp màn hình Người Lao Động)

Nhiều người Việt qua Mỹ ngắn hạn giữa lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát hiện đang lâm vào thế bế tắc vì muốn về cũng không được mà ở cũng không xong, theo tìm hiểu của VOA.

Họ chủ yếu là những người sang Mỹ theo diện du học, du lịch, công tác, thăm thân nhân và bị ‘mắc kẹt’ khi đại dịch xảy ra, với những giới hạn về các chuyến bay qua lại giữa hai nước trong khi nguồn tài chính ngày càng cạn kiệt, cònthị thực thì đã hoặc sắp hết hạn.

Tới nay, chính quyền Việt Nam đã tổ chức được bốn chuyến bay để đưa công dân bị kẹt ở Mỹ hồi hương. Chuyến mới nhất vừa đưa 346 người từ thủ đô Washington D.C. về, truyền thông trong nước loan tin hôm 10/7. Hiện còn hơn 10.000 người Việt đã đăng ký về nước vẫn đang chờ tới lượt, báo nhà nước dẫn lời đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết.

Tại sao không về?

Trương Giang Châu, một du học sinh hiện đang học thạc sỹ ngành Ngôn ngữ học và làm trợ giảng tại Đại học Hawaii ở Honolulu theo học bổng của trường, là một trong số đó.

Chị cho biết từ sau kỳ nghỉ xuân, Đại học Hawaii đã thông báo đóng cửa, ký túc xá gửi thông báo liên tục thúc giục du học sinh về nước. Lúc đó vẫn còn các chuyến bay thương mại nối liền hai nước, chị đã nghĩ đến chuyện về nhà.

“Y tế Mỹ rất đắt, bọn em thì ở tập thể trong khu ký túc xá nên nguy cơ lây bệnh rất cao trong khi bạn bè xung quanh đều tìm mọi cách để về,” chị Châu kể.

Tuy nhiên, thời điểm đó chị Châu đang trong giai đoạn hoàn tất luận văn trong học kỳ cuối và chuẩn bị tốt nghiệp.

“Về nhà thì sẽ bị lệch giờ, mọi chuyện hẳn sẽ thay đổi rất nhiều. Chưa kể trong thời gian về nước sẽ phải bị cách ly 14 ngày, đến lúc về nhà sẽ tiếp tục cách ly ở nhà thêm 14 ngày nữa thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và việc học của em,” chị cho biết.

Theo giải thích của du học sinh này, vì không an tâm về việc ở khu cách ly ở Việt Nam có internet đủ mạnh và không gian có đủ yên tĩnh để cho chị dạy sinh viên trực tuyến hay không, nên chị quyết định ở lại Mỹ cho xong chương trình dạy và học.

Chị vẫn được lưu lại ký túc xá cho tới nay nhờ sự can thiệp của các giáo sư trong trường. Chương trình học của chị đến tháng 8 mới hết. Ngoài ra, chị cũng đã nộp hồ sơ xin OPT, tức chương trình thực tập không bắt buộc. Trong khi chờ kết quả OPT thì chị vẫn có thể ở lại Mỹ hợp pháp.

‘Không còn đường về’

Hiện giờ, khi đã nộp luận văn tốt nghiệp và kết thúc việc học, chị muốn về Việt Nam thì mọi ngả đường đều đã bị chặn.

“Đến cuối tháng 5 tất cả những cách có thể về được nhà thì không còn cách nào để về nữa rồi. Ngay cả chuyến bay thương mại cũng không có,” chị nói.

Theo chị, do đang ở ngoài đảo giữa Thái Bình Dương nên đường về của chị khó khăn hơn rất nhiều vì trước hết phải bay vào đất liền của Mỹ rồi từ đó mới tìm chuyến bay về nước.

“Trong đất liền còn có chuyến bay quốc tế, còn ở đảo từ ngay khi chính quyền phong tỏa đã giới hạn rất nhiều chuyến bay ngay cả với đất liền của Mỹ,” chị nói.

“Nếu vào được đất liền ở Los Angeles hay San Francisco mà những chuyến bay quốc tế từ đó không thể đi nữa thì em cũng không biết làm thế nào, không biết đi đâu mà ở nữa.”

Ngoài ra, ký túc xá chỗ chị tá túc hiện chỉ cho ra chứ không cho vào. Nếu chuyến bay bị hủy, về lại ký túc xá cũng không được thì coi như bơ vơ không còn chỗ ở, chị cho biết.

“Khi mà xung quanh bạn bè tìm mọi cách để đi về rồi và chỉ sau một ngày mọi thứ đều thay đổi thì tâm trạng em rất là hoang mang,” chị giãi bày.

Chị Châu nói chị thấy trên diễn đàn của du học sinh, mọi người ‘chia sẻ rất nhiều’ đường dẫn đăng ký về trên chuyến bay ‘giải cứu’ do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức.

“Em có đăng ký tên em nhưng cho đến sau này mọi người nói với em rằng vé về rất đắt, đến 2.000-3.000 đô la một vé. Bản thân em không đủ khả năng tài chính để xoay sở mua được một chỗ để về,” chị nói và cho biết chị đăng ký từ tháng 4 nhưng đến giờ vẫn chưa thấy kết quả.

Bên cạnh đó, chị còn tham khảo những cách mà mọi người kháo nhau, chẳng hạn mua vé về một nước châu Á khác, từ đó bay về một nước đông nam Á như Thái Lan hay Campuchia rồi từ đó tìm đường về Việt Nam bằng đường bộ.

“Dĩ nhiên qua nhiều chuyến bay thì nguy cơ mắc bệnh trên đường đi quá lớn nên em không dám liều đi bằng con đường đó,” chị Châu nói thêm.

Theo lời du học sinh này, những bạn bè của chị đã về được Việt Nam đều là ‘về từ sớm khi còn chuyến bay thương mại ngay sau khi trường thông báo đóng cửa’ chứ ‘chưa ai về được bằng chuyến bay giải cứu cả’.

‘Không hối hận’

Tuy nhiên, chị Châu nói chị ‘không hối hận’ với quyết định của mình.

“Nhờ vào quyết định ở lại mà em hoàn thành việc học và kết quả luận văn rất tốt. Nếu em mà về thì kết quả không được như vậy,” chị giải thích. “Nếu em về nước không còn có thể dạy được nữa thì em sẽ mất học bổng trong khi em học đã gần xong rồi.”

Hiện giờ, chị vẫn còn được ở ký túc xá và vẫn được trường chu cấp chi tiêu hàng tháng cho đến hết mùa hè. Nhưng sau thời gian đó thì chị phải dọn ra và không còn sinh hoạt phí hàng tháng nữa.

Trong khi chờ đợi con đường về nước, chị Châu nói, chị tính đến ở nhờ một người đồng hương vốn đã đồng ý cưu mang chị. Ngoài ra, chị cũng còn tiền tiết kiệm đủ để chi dụng trong vòng vài ba tháng.

Tuy nhiên, chị hy vọng sẽ kiếm được cơ hội thực tập để ở lại Mỹ hợp pháp dù ‘tình hình tuyển dụng ở Mỹ rất khó khăn khi nhiều người bị mất việc’, chị nói.

“Em đang đứng ở ngã ba đường mà không thể quyết định được vì tất cả đều ngoài tầm kiểm soát của mình,” chị Châu nói.

‘Không đủ điều kiện về’

Cũng từ Honolulu, bà Mai Thị Hòa cho VOA biết bà sang Mỹ từ tháng 11 năm ngoái để thăm con gái và chăm cháu ngoại và bị kẹt từ đó tới nay. Con bà đã tìm hiểu đủ mọi cách nhưng không có cách nào khả dĩ để bà về nước vào lúc này, bà nói.

Theo bà giải thích thì do bà dưới 60 tuổi, hiện đang sống với con gái nên không khó khăn về chỗ ăn ở và điều kiện kinh tế, nên không đủ điều kiện để được về theo chuyến bay do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức.

“Nếu Việt Nam cho về thì tôi cũng muốn về chứ, vì đi cũng đã lâu rồi trong khi ở nhà cũng đang có công việc đợi mình,” bà Hòa, người từng qua thăm con gái được ba lần, cho biết.

Bà nói nếu về Việt Nam mà phải chịu cách ly vào lúc này thì ‘bà cũng chịu’. Ở lại Mỹ lúc này, điều làm bà lo sợ nhất là ‘nếu chẳng may đau ốm mà không có bảo hiểm thì tiền hàng ngàn trở lên thôi’.

Theo lời bà, visa của bà, vốn đã hết hạn, đã được gia hạn thêm cho đến giữa tháng 8 năm nay.

Trong thời gian ở Mỹ, do dịch bệnh nên bà cũng chỉ quanh quẩn ở nhà với con cháu chứ ‘không đi chơi đâu được hết’. “Mấy bữa nay giãn cách ly họ mới mở các khu vui chơi, các bãi biển thì mới đi loanh quanh trong đảo thôi,” bà nói.

“Tôi đang sốt ruột vì đến ngày 15/8 mà không về được thì cũng kẹt vì lúc đó hết hạn visa mà không biết làm sao,” bà phân trần.

“Khi mình làm hồ sơ xin visa mình đã cam kết với họ mình sẽ về đúng hạn,” bà giải thích và nói rằng bà ‘yên tâm với tình hình dịch bệnh ở Hawaii do họ cách ly nghiêm ngặt nên số ca nhiễm cũng ít’.

VOA Express

XS
SM
MD
LG