Đường dẫn truy cập

Cận cảnh tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc


Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Giải phóng Quân Trung Quốc (PLAN) do nước này tự thiết kế và tự đóng, tàu Sơn Đông kiểu 001A, bắt đầu chạy thử nghiệm vào sáng Chủ nhật ngày 13/5, Tân Hoa Xã đưa tin.

Chiếc hàng không mẫu hạm vẫn còn chưa được làm lễ đặt tên chính thức này đã khởi hành vào lúc 7h sáng tại một bến tàu thuộc xưởng đóng tàu của Công ty Đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, theo truyền thông địa phương. Những đợt chạy thử nghiệm trên biển đầu tiên của tàu Sơn Đông là để kiểm tra độ tin cậy của hệ thống năng lượng và hệ thống đẩy của tàu.

Ngoài ra, theo tác giả Franz Stefan Gady cho biết trên tạp chí The Diplomat thì đợt chạy thử nghiệm này còn để kiểm tra điều kiện vận hành trên biển tổng thể của Sơn Đông, bao gồm tốc độ, sự di chuyển và các thiết bị như hệ thống radar và liên lạc cũng như các tính năng an toàn của tàu.

Chuyến chạy thử nghiệm này diễn ra ở vùng biển đông bắc của Biển Bột Hải, vùng vịnh nằm trong cùng của Hoàng Hải và Vịnh Triều Tiên. Cơ quan An toàn Hàng hải Liêu Ninh đã thông báo một vùng biển hạn chế tàu bè qua lại ngoài khơi Đại Liên kể từ ngày 13 cho đến ngày 16/5. Hồi tháng trước, giới chức hàng hải sở tại thông báo họ đã yêu cầu phong tỏa ba khu vực ở đông biển Biển Bột Hải và Hoàng Hải trong vòng tám ngày để thực hiện các hoạt động của Hải quân PLA.

Chuyến đi thử nghiệm của tàu Sơn Đông đánh dấu một cột mốc lớn trong tham vọng vươn ra vùng biển lớn của hải quân Trung Quốc cũng như trong hành trình nước này xây dựng một lực lượng hải quân có tầm hoạt động toàn cầu.

Tác giả Franz Stefan Gady nhận định rằng mặc dù do Trung Quốc tự đóng, tàu Sơn Đông bị ảnh hưởng nhiều bởi cách thiết kế hàng không mẫu hạm của Liên Xô. Theo đó thì chiếc hàng không mẫu hạm này chỉ là phiên bản cải tiến của chiếc Liêu Ninh, chiếc tàu sân bay đầu tiên và duy nhất đang hoạt động của Trung Quốc mà nước này tân trang lại từ một chiếc tàu từ thời Liên Xô.

Trên tàu Sơn Đông có lắp hệ thống cất cánh được gọi là STOBAR vốn cũng được áp dụng trên tàu Liêu Ninh. Hệ thống STOBAR có nghĩa là cất cánh khoảng ngắn nhưng thăng bằng hãm lại. Các hàng không mẫu hạm kiểu STOBAR có tầm hoạt động hạn chế hơn và mang theo máy bay có tải trọng nhẹ hơn so với hệ thống CATOBAR, tức cất cánh bằng cách được phóng nhưng thăng bằng hãm lại vốn được sử dụng trên các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ.

Tàu Sơn Đông có thể chở được tới 24 máy bay chiến đấu đa chức năng Thẩm Dương J-15, một phiên bản thế hệ thứ tư của máy bay chiến đấu động cơ đôi và có ưu thế trên không Sukhoi Su-33 cũng như khoảng 10 máy bay cánh quay bao gồm Trường Sa Z-18, Ka-31 hay trực thăng Cáp Nhĩ Tân Z-9.

Khác với Liêu Ninh, vốn về cơ bản là để thử nghiệm tham vọng hải quân dựa trên hàng không mẫu hạm của Trung Quốc và để chứng minh công nghệ, tàu Sơn Đông sẽ được đưa vào hoạt động và nhiều khả năng sẽ được đưa vào phục vụ Hạm đội Bắc Hải và Hạm đội Đông Hải sau khi được trang bị vũ khí, cũng theo Franz Stefan Gady.

Toàn bộ các chuyến chạy thử nghiệm của Sơn Đông sẽ mất trong khoảng từ sáu cho đến 12 tháng. Hải quân PLA chưa chính thức thông báo thời gian trang bị vũ khí cho tàu mặc dù có đồn đoán cho rằng việc này sẽ xảy ra sớm nhất là vào năm 2020.

Trong lúc đó, có tin là Trung Quốc cũng đã bắt đầu đóng chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba theo kiểu 002 tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải hồi năm ngoái. Chiếc tàu sân bay mới này sẽ được trang bị hệ thống cất cánh CATOBAR tương tự nhưng hệ thống phóng máy bay bằng từ trường được trang bị trên siêu tàu sân bay Gerald R. Ford của hải quân Mỹ. Hệ thống CATOBAR do Trung Quốc thiết kế sẽ củng cố rất nhiều không lực của lực lượng tàu sân bay của hải quân Trung Quốc. Hệ thống này sẽ giảm bớt áp lực lên thân máy bay trong khi cất cánh, giúp giảm chi phí bảo trì về lâu dài và cho phép máy bay đem theo nhiều vũ khí nặng hơn, Franz Stefan Gady giải thích. Hơn nữa hệ thống cất cánh CATOBAR còn giúp tăng số lần máy bay xuất kích bằng cách tạo điều kiện cho máy bay cất và hạ cánh nhanh hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG