Truyền thông nhà nước Syria loan tin Tổng thống Assad đã ban hành một sắc lệnh hôm thứ Năm cho phép các đảng phái chính trị khác hoạt động ngoài đảng Ba'ath, đảng do gia đình ông Assad khuynh đảo vẫn cầm quyền ở quốc gia này bằng bàn tay sắt từ nhiều thập niên nay.
Nhưng lời loan báo một giải pháp thay thế cho quyền cai trị độc đảng , với rất ít chi tiết, được đưa ra một ngày sau khi quốc tế đưa ra lời chỉ trích chính phủ nước này, đáng lẽ đã có giá trị hơn nếu như những lời hứa hẹn cải tổ trước đó được thực hiện.
Nhà phân tích chính trị Nadim Shehadeh của tổ chức Chatham House trụ sở tại London phát biểu:
"Tất cả chuyện này là những thủ đoạn đề ra để che mắt cộng đồng quốc tế. Không một ai ở Syria tin là lời hứa này sẽ được thực hiện. Rõ ràng là chế độ này không hề có ý định cải tổ một cách nghiêm túc. Cái lối mà chế độ này suy nghĩ là họ cho là họ vẫn có thể đàn áp cuộc nổi dậy theo cái lối từ trước đến nay họ vẫn làm."
Hôm thứ Năm các tổ chức nhân quyền và các nhân chứng cho biết đàn áp vẫn tiếp tục. Thành phố Hama bị đàn áp tệ hại nhất. Người ta tin rằng đã có hơn 100 người chết trong cuộc tấn công của chính phủ bắt đầu hôm Chủ nhật.
Một phát ngôn viên cho Ủy ban Nhân quyền Ả Rập, ông Haytham Manna, nói rằng tình hình rất nghiêm trọng:
”Chúng tôi có rất nhiều người bị hạ sát và bị thương và chúng tôi không biết rõ chuyện gì xảy ra tại 2 khu vực trong thành phố vì những nơi đó hoàn toàn bị cô lập với thế giới. Có một phần lớn ở đó hoàn toàn bị cô lập, hiện không có được một phương tiện thông tin gì."
Với đường dây điện thoại ở nhiều nơi bị cắt, và hạn chế nghiêm ngặt áp đặt cho một số rất ít ký giả được phép làm việc tại Syria, hầu hết những thông tin có được là qua các nhân chứng và những tường thuật nghiệp dư.
Hầu hết các tin tức đều không thể kiểm chứng bằng nguồn tin độc lập, nhưng những tin từ tất cả mọi nơi trên toàn quốc đưa ra đều nhất quán.
Các tổ chức bênh vực nhân quyền ước tính chừng 1.700 đã thiệt mạng trong 5 tháng biểu tình phản kháng. Chính phủ qui lỗi cho các băng đảng vũ trang và sự can thiệp của nước ngoài.
Xét tới mức độ của vụ đàn áp, nhà theo dõi nhân quyền Manna nói rằng Liên Hiệp quốc không làm đủ.
Ông nói: "Ðiều không may là Liên Hiệp quốc chưa hành động đủ. Với một tuyên bố, cộng đồng quốc tế có thể nói là 'chúng ta đã cố gắng hết sức,' nhưng đối với nhân dân Syria thì đấy lại là chuyện khác.”
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe hôm thứ Năm đã lên tiếng bênh vực Liên Hiệp Quốc, nói rằng tuyên bố đó là một bước đầu quan trọng và nêu lên rằng lần đầu tiên Hội đồng Bảo an đã “rõ ràng” lên án bạo lực và thẳng thắn cảnh báo chính phủ Syria về hành động của họ.
Nhà phân tích Shehadeh lên tiếng tại Beirut, đồng ý rằng tuy lời lên án đó không đủ mạnh, ông nghĩ nó cho thấy ít nhất một sự đồng thuận của quốc tế đang bắt đầu xuất hiện.
Ông nói: ”Theo một cách thế, điều đang diễn ra tại Syria rất đơn giản. Điều phức tạp dường như là ở Washington, và ở Hội đồng Bảo an dường như còn phức tạp hơn nhiều. Brussels lại phức tạp hơn nữa, và phải mất một thời gian dài để đưa ra một tuyên bố chẳng có mấy tác dụng như thế này.”
Ông Shehadeh lý luận rằng một phần của vấn đề là cộng đồng quốc tế bảo chính phủ Syria phải cải tổ khi mà, theo nguyên văn lời ông, chính phủ này đã cho thấy là “không cách gì cải tổ được“.
Tổng thống Syria Bashir al-Assad nói rằng ông sẽ cho phép một hệ thống chính trị đa đảng, một ngày sau khi Liên Hiệp quốc lên án vụ chính phủ ông đàn áp các cuộc biểu tình của dân chúng. Nhưng các tổ chức bênh vực nhân quyền nói rằng ít nhất đã có thêm 4 người nữa bị thiệt mạng trong lúc binh sĩ tìm cách đè bẹp cuộc nổi dậy.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1