Trong một lời kêu gọi phát tán trên trang mạng Facebook, giới hoạt động tích cực kêu gọi dân Syria hãy xuống đường để đánh dấu ngày mà họ gọi là “Ngày Tự do cho các Tù nhân”.
Rất nhiều người đã hưởng ứng lời kêu gọi đó. Tại một số thành phố Syria kể cả Homs, Hama, Daraa và Harasta, một vùng ngoại ô phía bắc Damacus, đông đảo người đã đổ kéo nhau xuống đường.
Hàng ngàn thanh niên Harasta xuất hiện trên một băng video được tải lên YouTube, mang biểu ngữ kêu gọi trả tự do cho các tù nhân. Với thái độ thách thức, họ tuần hành qua những đường phố chật hẹp, hai bên một lá cờ thật dài của Syria.
Nói chuyện với đài VOA qua Skype từ Geneva, một giám đốc của Tổ chức Human Rights Watch, ông Peter Bouckaert, nói rằng tổ chức bênh vực nhân quyền này ước lượng có khoảng 17.000 người bị bắt giữ kể từ khi các cuộc nổi dậy bắt đầu cách đây đúng 4 tháng.
Ông Bouckaert nói: “Có rất ít thông tin về số phận của những người bị tống giam. Gia đình họ không biết họ đã bị đưa đi đâu. Những người được thả vẽ ra một bức tranh đen tối. Chúng tôi đã thu thập tài liệu về nhiều trường hợp bị tra tấn và đánh đập dã man tại những nhà giam chen chúc vì quá đông người.”
Những quốc gia phương Tây đã tăng áp lực đối với Tổng thống Assad để đòi ông chấm dứt chiến dịch đàn áp đẫm máu do chính phủ Syria tiến hành chống những người biểu tình, đồng thời kêu gọi ông Assad thực hiện những cải cách mà ông đã hứa trước đó.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo là nhà lãnh đạo Syria không phải là “một nhân vật không thể thay thế.”
Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn phổ biến hôm thứ Năm, đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford kêu gọi Tổng thống Assad và chính phủ của ông phải đưa ra những quyết định khó khăn tiến tới cải cách, nếu không thì người dân Syria sẽ buộc họ phải ra đi.
Thứ Sáu vừa qua, đại sứ Ford và đại sứ Pháp tại Syria đã tham dự một cuộc biểu tình đông đảo tại thành phố Hama, một điểm nóng, khiến nhà cầm quyền Syria bất bình, dẫn đến hành động trả đũa của một đám đông thân chính phủ, tấn công các đại sứ quán Mỹ và Pháp.
Tiếp theo sau các vụ tấn công này, ông Bouckaert của Tổ chức bênh vực nhân quyền Human Rights Watch thuật lại rằng chính phủ Syria khuyến cáo các nhà ngoại giao nước ngoài rằng họ không còn được phép du hành ra ngoài thủ đô Damacus mà không có phép của chính phủ Syria.
Ông Bouckaert nói thêm rằng cố gắng của chính phủ Syria, đe dọa những người biểu tình, đã không mang lại kết quả.
Ông Bouckaert nói: “Theo nhận xét của chúng tôi, các cuộc biểu tình vẫn tăng cường độ, kể cả về số người tham gia, lẫn số các thành phố nơi biểu tình diễn ra, đó là chưa kể sự kiện bây giờ, các cuộc biểu tình không chỉ diễn ra trong những ngày thứ Sáu như thông lệ nữa, mà có thể được tổ chức trong những ngày khác trong tuần.”
Chế độ của Tổng thống Assad nói rằng đối tượng của chiến dịch đàn áp quân sự là các nhóm khủng bố có võ trang, và những kẻ xâm nhập chứ không nhắm tấn công thường dân vô tội.
Human Rights Watch cho biết có hơn 1.600 người biểu tình đã bị giết chết kể từ khi những cuộc tập họp đòi dân chủ bắt đầu. Hầu hết truyền thông nước ngoài đã bị cấm vào Syria, khiến khó có thể kiểm chứng tin tức một cách độc lập.
Trong khi đó, bên kia biên giới, tại thủ đô Amman của Jordan, cảnh sát vũ trang bằng dùi cui đã dùng vũ lực giải tán những người biểu tình đòi cải tổ chính phủ tại nước này.
Những vụ xáo trộn xảy ra sau khi hàng trăm người đổ ra đường phố, yêu cầu chính phủ Jordan đáp ứng những đòi hỏi thay đổi của họ. Có ít nhất 10 người bị thương trong những cuộc chạm trán này.
Bốn tháng sau khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu tại Syria, hàng ngàn người biểu tình tuần hành hôm thứ Sáu để đòi chính phủ trả tự do cho hàng chục người bị tống giam trong cuộc nổi dậy, và kêu gọi chấm dứt chế độ cai trị của Tổng thống Bashar al-Assad. Các nhân chứng và các nhà hoạt động tại một số thị trấn nói rằng các lực lượng an ninh đã nhắm bắn những người biểu tình, làm hơn một chục người thiệt mạng và nhiều người hơn nữa bị thương.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1