Các nhà hoạt động tranh đấu và các tổ chức nhân quyền vẫn đang cố gắng để đưa những phẩm vật trợ giúp đang hết sức cần tới vào Homs và Hama, những thành phố bị tấn công nặng nhất, nơi mà những nhu yếu phẩm như lương thực, nước uống và thuốc men đã cạn kiệt.
Nhưng ngay cả ở những nơi không có giao tranh dữ dội, tình hình kinh tế có vẻ như mỗi ngày một u ám hơn.
Một người Syria sống lưu vong tại Cairo, anh Zakaraya Daba cho biết thân nhân của anh tại thị trấn quê nhà Aleppo phải đối mặt với những khó khăn ngay cả trong lúc làm những công việc hàng ngày. Anh cho biết không có việc làm, không có nhiên liệu để sưởi ấm và nguồn cung cấp thực phẩm hết sức hạn chế. Anh nói tình hình kinh tế đang suy thoái nhưng những người mà anh gọi là ”bọn cầm quyền” chẳng thèm để ý.
Trên khắp nước Syria, giá cả những mặt hàng nhu yếu phẩm đã tăng vọt, bánh mỳ tăng gấp đôi và các loại thực phẩm khác giữ mức tăng 50% đều đặn so với trước khi vụ nổi dậy bắt đầu gần một năm trước.
Đồng thời, đồng bạc của Syria đã sụt giá mạnh trong lúc các biện pháp trừng phạt của quốc tế đã gây gián đoạn cho những giao dịch tài chính như dịch vụ lấy tiền tự động và việc sử dụng thẻ tín dụng.
Trong lúc một số nước trong cộng đồng quốc tế đang xét tới những biện pháp trừng phạt gay gắt hơn, chuyên gia Nadim Shehadi thuộc tổ chức Chatham House trụ sở ở London cho biết làm như vậy có thể không giải quyết được vấn đề. Ông nói:
”Các biện pháp trừng phạt , theo một cách nào đó, luôn luôn rất khó áp dụng, và nhất là các nước láng giềng từ trước đến này vẫn có mối quan hệ lâu năm với Syria lúc nào cũng tìm ra những kẽ hở để vượt qua các biện pháp trừng phạt đó. Vì vậy đây là chuyện thường tình và chỉ trừng phạt thôi thực sự không đủ.”
Ngay cả những khách đến thăm thủ đô Syria cũng có thể tránh né những hạn chế, chẳng hạn một doanh nghiệp hoạt động trên thị trường chợ đen dùng các nhà tài chính của ngân hàng tại Lebanon cung cấp ngoại tệ cho họ. Chắc chắn là chính phủ nước này không hề gây khó khăn gì cho việc đi ngược lại với các biện pháp trừng phạt ở qui mô lớn hơn.
Những lề lối luồn lách như vậy vẫn giúp ích cho một số người tại thủ đô Damascus ngay cả khi họ có rất ít quen biết với chính phủ. Một cư dân, yêu cầu dấu danh tính, hôm thứ Hai cho biết tuy tình hình vẫn ngặt nghèo nhưng anh vẫn kiếm ra thực phẩm và xăng. Anh nói điện đôi khi bị cúp, nhưng anh qui lỗi cho phe nổi dậy cắt đường dây tiếp tế nhiên liệu cho mạn lưới điện của thủ đô.
Chính phủ Syria cũng qui lỗi cho các phần tử ”cực đoan có vũ trang” tấn công gây gián đoạn cho nguồn tiếp tế. Trong khi phe chống đối lại qui lỗi cho chính phủ và người ta rất khó kiểm chứng những lời cáo buộc của cả hai phe.
Cũng rất khó để xác định xem những gian khổ về kinh tế sẽ có ý nghĩa như thế nào trong ngắn hạn; những khó khăn này dường như lại củng cố cho lập trường của những người ở cả đôi bên.
Nhưng chuyên gia phân tích của Chatam House, ông Shehadi nói một điều rất rõ ràng là những tàn phá trong hạ tầng cơ sở gây thiệt hại cho tất cả mọi người, kể cả phe chống đối. Ông nói:
”Cùng một lúc người ta phải nghĩ đến thời kỳ chuyển tiếp mai sau khi bất cứ những thiệt hại gì gây ra sẽ phải tu sủa trong tương lai, vì vậy phá hoại là tự làm hại mình, vì rồi ra chế độ hiện tại sẽ phải ra đi.”
“Rồi ra”, nếu có, sẽ phải mất bao lâu, điều này lại đặt ra một vấn đề khác. Chuyên gia Shehadi nói tình hình như hiện nay càng kéo dài thì nền kinh tế và bạo lực sẽ càng tệ hại hơn.
Một số hình ảnh về tình hình ở Syria: