Đường dẫn truy cập

Syria có không quân thuộc loại lớn nhất khu vực Trung Đông


Một máy bay tham gia cuộc diễn tập quân sự của quân đội Syria tại 1 địa điểm bí mật ở Syria, 20/12/2011
Một máy bay tham gia cuộc diễn tập quân sự của quân đội Syria tại 1 địa điểm bí mật ở Syria, 20/12/2011
Syria có lực lượng quân đội thuộc loại rất tinh nhuệ so với khu vực. Từ Washington, thông tín viên André de Nesnera có bài phân tích về hai quân chủng không quân và hải quân của quân đội Syria.

Không quân Syria có tới 30.000 binh sĩ, một trong những lực lượng hùng hậu nhất trong khu vực Trung Đông. Lực lượng máy bay, vốn được Liên Xô cung cấp và sau này là Nga, bao gồm máy bay đánh chặn MiG-21, máy bay không kích mặt đất MiG-23 và hiện đại hơn, là máy bay tác chiến MiG-29. Ngoài ra Syria còn có một không đoàn máy bay chiến đấu Sukhoi.

Pieter Wezeman, chuyên gia về chuyển giao vũ khí thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, cho biết tháng 12 vừa rồi, chính quyền Syria đã đặt mua thêm 36 chiếc Yak-130 của Nga, trong lúc đang đối phó với cuộc nổi dậy:

“Đó là máy bay huấn luyện, một loại máy bay hạng nhẹ sử dụng trong huấn luyện nhưng cũng có chức năng tác chiến rất rõ. Nó có thể được trang bị thêm bom và tên lửa và thường là loại máy bay rất thích hợp để chính quyền Syria sử dụng trong cuộc xung đột hiện tại.”

Chính phủ Nga một mực phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Syria để tấn công những người nổi dậy. Trong nhiều năm liền, ngoài việc cung cấp máy bay, Nga còn thực hiện bảo trì sửa chữa và huấn luyện phi công cho không quân Syria.

Aram Nerguizian, chuyên gia về Syria thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói việc huấn luyện chỉ có ích trong suốt thời kỳ chiến tranh với Israel trong những năm 70 và 80:

“Nói như thế có nghĩa là trong hai ba thập niên qua Syria có rất ít kinh nghiệm chiến đấu thực sự, phần lớn là vì, dù họ lớn tiếng đòi đánh Israel, chính quyền Syria dưới thời ông Bashar al-Assad khá nhất quán. Tôi không muốn nói là đồng minh, nhưng là một nước khá nhất quán trong việc duy trì hòa bình với Israel.”

Các chuyên gia như Pieter Wezeman nhận định rằng Syria đã cải thiện rất đáng kể tầm vóc quân sự của mình trong những năm qua, nhờ đầu tư vào các hệ thống phòng không hiện đại của Nga.

Ông nói: “Việc đầu tư này là rất cần thiết bởi vì vào năm 2007, Israel đã tấn công một địa điểm ở Syria (bị nghi là một lò phản ứng hạt nhân) mà phía Syria gần như không làm gì để ngăn chặn cuộc tấn công đó. Syria không có đủ vũ khí sẵn sàng ngăn chặn một cuộc tấn công bằng máy bay hiện đại như máy bay của Israel đã thực hiện vào năm đó. Sau đó, chúng ta thấy rằng Syria đang hiện đại hóa hệ thống phòng không của mình.”

Các nhà phân tích nói nếu các nước phương Tây quyết định can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở Syria, hệ thống phòng không của nước này là thách thức lớn hơn của Libya.

Mặc dù có lực lượng không quân hùng hậu nhưng lực lượng hải quân của Syria lại khá khiêm tốn. Hải quân Syria bao gồm 5.000 binh sĩ và chủ yếu một vài tàu khu trục nhỏ, pháo hạm, tàu chiến gắn tên lửa và tàu tuần tra. Nhưng nhiều chuyên gia, trong đó có Aram Nerguizian, nhận định rằng việc Syria dành cho Nga hải cảng ở Tartus, thành phố trên bờ Địa Trung Hải của Syria, mới là nhân tố quan trọng.

Chuyên gia Nerguizian cho biết: “Trong những thập niên 1980 và 1990, có những cuộc đàm phán để Nga xây dựng thành phố cảng Tartus theo hướng hiện đại hóa những cơ sở hải quân, nhưng thực tế thì đạt được rất ít tiến bộ. Tuy nhiên, người Nga nghĩ rằng, nếu như có sự hiện diện của hải quân Nga ở Địa Trung Hải thì đó phải là một hải cảng thân hữu. Và bây giờ, khi không còn những hải cảng ở Libya nữa, thì lựa chọn khả dĩ nhất là Tartus. Thế nên sự hiện diện quân sự và các cố vấn kỹ thuật của Nga ở đó là một trong những lợi ích cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Nga ở Trung Đông và Địa Trung Hải.”

Tin tức ở Nga cho hay Moscow đang lên kế hoạch hiện đại hóa cơ sở hải quân này trong những năm tới để phục vụ những tàu chiến lớn, bao gồm tàu tuần dương gắn tên lửa và tàu sân bay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG