Cuộc biểu quyết hôm Chủ nhật ở Cairo đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử 66 năm của Liên Đoàn mà một trong 22 nước thành viên bị trừng phạt về kinh tế và chính trị.
Ông Salman Shaikh, giám đốc trung tâm Doha của viện Brookings, cho rằng biện pháp vừa kể cũng chưa từng có bao giờ vì vị thế của Syria trong khối khu vực này.
Ông Shaikh nói: “Syria là một trong 6 thành viên sáng lập ra Liên đoàn Ả Rập, và là một nước luôn bênh vực cho chủ nghĩa toàn Ả Rập. Do đó, loại trừ Syria qua biện pháp này theo tôi có lẽ sẽ có tác động mạnh nhất đến tình hình.”
19 trong các thành viên của Liên đoàn Ả Rập đã chấp thuận biện pháp, trong đó có việc đình chỉ giao dịch với ngân hàng trung ương Syria, cắt đứt đầu tư của các chính phủ Ả Rập vào các dự án ở Syria, và áp đặt lệnh cấm du hành và phong tỏa tài sản đối với ông Assad và các phụ tá của ông. Các biện pháp trừng phạt nhắm mục đích tạo áp lực đối với Damascus để thực thi một kế hoạch của Liên Đoàn Ả Rập nhằm chấm dứt cuộc đàn áp gây chết chóc của chính phủ Syria đã kéo dài 8 tháng nhắm vào giới bất đồng và để cho các quan sát viên theo dõi việc tuân hành.
Ông Shaikh nói việc liên đoàn đình chỉ các giao dịch với ngân hàng trung ương sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất. Theo ông, “biện pháp này sẽ cắt đường dây tiền bạc huyết mạch mà các cơ sở kinh doanh của Syria có để buôn bán đặc biệt là với thế giới Ả Rập. Chúng ta phải nhớ rằng phân nửa mậu dịch của Syria là với thế giới Ả Rập, và 1/4 số hàng nhập khẩu của Syria là từ khu vực này.
Đình chỉ đầu tư trực tiếp của Ả Rập cũng có phần chắc sẽ gây thiệt hại cho chính phủ Syria, theo chuyên gia phân tích này của viện Brookings. Ông nói ông Assad đã dựa vào các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Qatar để chi trả cho các dự án giúp ông khai phóng nền kinh tế phần lớn do nhà nước điều hành.
Ông Shaikh nói tiếp: “Nếu có một lệnh cấm bao trùm tất cả các khoản đầu tư đó, thì tôi không cho rằng ông Assad có thể hướng tới bất kỳ cải cách loại nào, ngay cả về mặt kinh tế. Các cơ sở kinh doanh đang khựng lại, và các hợp đồng đã cạn dần."
Ông Shaikh nói tác động của các lệnh cấm du hành và phong tỏa tài sản đối với các nhà lãnh đạo Syria chủ yếu là một thông điệp gửi đến các giới chức chính phủ của các nước khác và các nhân vật trong giới kinh doanh ủng hộ ông Assad rằng họ sẽ có thể là những mục tiêu tiếp theo.
Các giới chức Liên đoàn Ả Rập cho hay họ muốn tránh gây ra bất cứ đau khổ nào cho dân chúng Syria. Trong cuộc biểu quyết hôm chủ nhật, liên đoàn đã đồng ý không trừng phạt nhắm vào những khoản tiền của người Syria sống ở nước ngoài gửi về giúp gia đình ở Syria. Hàng trăm ngàn người Syria làm việc ở các quốc gia trong vùng Vịnh.
Ông Nadim Shehadi, một thành viên của tổ chức Chatham House ở London, nói rằng tác động quan trọng nhất của các biện pháp trừng phạt có thể là sự xói mòn tính hợp pháp chính phủ Assad dưới con mắt của một số dân chúng đã do dự không tham gia vụ nổi dây của phe chống đối.
Ông Shehadi nói các nhà buôn bán ở Damascus và Aleppo đã chờ đợi một sự đáp ứng rõ ràng hơn đối với vụ nổi dậy từ phía cộng đồng quốc tế. Cho đến hôm chủ nhật vừa qua, thì các biện pháp trừng phạt duy nhất mà Syria phải đối phó chỉ gồm các lệnh cấm của Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu đối với việc xuất khẩu dầu và các sản phẩm khác của Syria.
Nhưng, theo ông Shehadi, tác động của tất cả các biện pháp trừng phạt Syria đều bị phương hại bởi sự thiếu vắng một lập trường quốc tế rõ ràng về số phận của ông Assad.
Ông nói: “Hoa Kỳ và châu Âu đã bày tỏ rất nhiều quan ngại về những gì sẽ xảy ra sau khi ông Assad ra đi, kể cả nguy cơ của một cuộc nội chiến toàn diện. Điều này khiến ông Assad có cảm tưởng là các cường quốc nghĩ ông là rất quan trọng và thực sự muốn ông ta ở lại và thực hiện cải tổ.”
Ông Shehadi nói việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không đưa ra một nghị quyết lên án vụ đàn áp của chính phủ Syria cũng dành cho ông Assad một sự che chở khác. Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết như thế hồi tháng trước, vì lo ngại rằng nó sẽ khuyến khích các cường quốc tây phương tổ chức một cuộc can thiệp quân sự vào Syria tương tự như ở Libya trong năm nay dựa vào một nghị quyết trước đó.
Chuyên gia của Chatham House nói một yếu tố khác có thể gây phương hại cho các biện pháp trừng phạt là các quyết định của Liên đoàn Ả Rập không có tính cách ràng buộc đối với các thành viên của khối. Libăng đã cùng với Syria bác bỏ các biện pháp đó, và Iraq đã không tham gia biểu quyết.
Ông Shaikh của Viện Brookings nói Lebanon chống đối các biện pháp trừng phạt bởi vì lực lượng chính trị bao trùm của họ là nhóm chủ chiến Hezbollah nằm trong một liên minh với chính phủ Assad và Iran.
Ông Shaikh nói việc chính phủ Iraq do người Hồi giáo Shia lãnh đạo lưỡng lự không muốn ủng hộ các biện pháp trừng phạt cũng có thể là do quan hệ với Iran đa số theo Shia. Ông nói Iraq nay đứng trước một sự lựa chọn liệu có thực thi các biện pháp đó hay không.
Việc Liên đoàn Ả Rập chấp thuận các biện pháp trừng phạt Syria đã giáng một cú đáng kể vào vị thế trong khu vực của chính phủ do Tổng thống Bashar al-Assad lãnh đạo.