Thanh sát viên của Liên đoàn Ả Rập Jafaar Kudaiba tuyên bố đề nghị của nhà lãnh đạo Qatar sẽ được liên minh trong khu vực nêu ra trong một hội đồng đặc biệt về Syria vào ngày thứ Bảy tuần này, nhưng vẫn còn quá sớm để dự đoán đề nghị này sẽ đi đến đâu.
Ông Kudaiba cho biết đề nghị sẽ được thảo luận trong cuộc họp của các vị bộ trưởng trong khối Ả Rập. Vì thế đó chỉ là một đề nghị từ một phía.
Ông Kudaiba là người đứng đầu toán quan sát viên ở Damascus, và từng góp phần trong một nỗ lực đã vấp phải nhiều sự chỉ trích nhằm tìm ra một giải pháp ngoại giao cho vụ khủng hoảng. Các quan sát viên nhân quyền nói rằng những vụ giết người đã tiếp tục trong thời gian phái bộ thi hành sứ mạng, bắt đầu hồi cuối tháng trước, gây thiệt mạng thêm cho khoảng 400 thường dân, ngoài con số 5.000 người đã chết trong 10 tháng biểu tình chống chính phủ.
Bất bình về vụ khủng hoảng tiếp diễn khiến tiểu vương Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani nói với đài truyền hình CBS rằng binh sĩ Ả Rập nên được gửi tới để ngăn chặn bạo lực. Ông là nhà lãnh đạo Ả Rập đầu tiên đưa ra đề nghị can thiệp bằng quân sự.
Tiếp theo nhận định của ông, người đứng đầu Liên đoàn Ả Rập, ông Nabil al Arabi, đã đưa ra lời cảnh báo rằng Syria đang tiến dần một cách nguy hiểm vào một cuộc nội chiến, trong khi các binh sĩ đào ngũ ngày càng tổ chức cuộc kháng chiến vũ trang.
Nhưng những người ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và những người nói là họ cũng ủng hộ, bác bỏ khái niệm của một sự can thiệp quân sự của khối Ả Rập, và cho là không cần thiết.
Cô Enman Hassan là một phụ nữ trẻ tuổi gốc Palestine ở Damascus.
Cô Hassan nói rằng nếu tiểu vương Qatar muốn gửi một phái bộ đến một nơi nào đó, thì ông nên gửi phái bộ đó đến quê hương của cô.
Những người khác cũng bầy tỏ sự chống đối.
Cư dân Abu el Kheir ở Thành phố Cổ nói rằng tiểu vương Qatar cũng giống như Israel ở chỗ cả hai đều muốn tấn công họ. Ông này thách thức họ thử làm như thế.
Ông El Kheir phát biểu trước sự hiện diện của một giới chức chính phủ đi tháp tùng phóng viên này. Nhưng ngay chỗ riêng tư, khái niệm về một sự can thiệp quân sự của khối Ả Rập ở Syria cũng gây ra sự nghi kỵ.
Tại một quán cà phê ở Damascus, một thanh niên nhận là chống đối kịch liệt chính phủ Syria cũng nói rằng đề nghị của tiểu vương Qatar thật là phi lý. Anh nêu câu hỏi lực lượng nào của khối Ả Rập sẽ làm việc đó. Theo anh, sự can thiệp duy nhất trong nội bộ khối Ả Rập là trong cuộc nội chiến ở Li Băng và lực lượng đó là của Syria.
Hoạch định và thực thi việc tổ chức một sứ mạng trong khu vực có thể rất gay go. Nhiều thành viên trong Liên đoàn Ả Rập đang ứng phó với hậu quả của các vụ nổi dậy ngay trong nước họ, trong khi các thành viên khác đang cố gắng hết sức để trấn át hoặc ít nhất là tìm cách né tránh bất đồng trong nước.
Không phải chỉ có các thành viên này mới lánh xa lực lượng quân sự. Liên Hiệp Quốc cũng không muốn có biện pháp chống lại Syria giống như trường hợp Libya hồi năm ngoái. Hôm qua, người đứng đầu tổ chức này lại lên án bạo lực.
Các nhà phân tích nêu ra rằng các đồng minh của Damascus rất mạnh và phức tạp, trong số này có Nga, Iran và các thành phần trong khu vực như Hezbollah. Trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt bạo lực ở Syria dường như sắp kết thúc, triển vọng của một giải pháp quân sự từ bên ngoài có thể cũng mờ mịt không kém.