Đường dẫn truy cập

Khủng hoảng Myanmar: Khi tướng lĩnh sợ con của ‘cha già dân tộc’


Biểu tình ủng hộ bà Aung San Suu Kyi tại Yangon, Miến Điện, 8 tháng Tư, 2021.
Biểu tình ủng hộ bà Aung San Suu Kyi tại Yangon, Miến Điện, 8 tháng Tư, 2021.

Giữa lúc cuộc khủng hoảng chính trị gây nhiều chết chóc xảy ra ở Myanmar, một bộ phim về mối quan hệ giữa giới tướng lĩnh và bà Aung San Suu Kyi, con gái của Tướng Aung San, người có thể coi là cha già dân tộc của nước từng được gọi là Miến Điện, được chiếu lại cho khán giả Anh xem.

Bộ phim Bên trong nền độc tài quân đội do đạo diễn người Đan Mạch Karen Stokkendal Poulsen quay trong nhiều năm kể từ khi Myanmar bắt đầu mở cửa từ năm 2011 tới năm 2016 và được hoàn thành trong năm 2019. Bà Poulsen, người tốt nghiệp thạc sỹ ngành phim tài liệu ở chính trường Goldsmiths, University London nơi tôi đang dạy báo chí, đã có cơ hội phỏng vấn nhiều tướng lĩnh và nhân vật đối lập với họ, bà Suu Kyi.

Lịch sử đang lặp lại tại Myanmar khi các tướng lĩnh quân đội lại xả súng vào người dân như họ từng làm hồi mùa hè năm 1988 khi người dân nổi dậy phản đối nền độc tài của phe quân đội.

Hãy nghe cựu Tướng Thein Sein, người sau thành Tổng thống đầu tiên của Myanmar, nói về biến cố 1988 trong phim : “Nhìn lại cuộc phản kháng hồi năm 1988, chúng tôi có thể thấy rằng người dân muốn có dân chủ. Nhưng lúc đó quân đội chưa sẵn sàng cải tổ để có dân chủ. [Quân đội] vẫn chưa xây dựng nền móng cho dân chủ.”

Nhưng các vị tướng vẫn nghĩ rằng họ có thể biện minh cho việc giết hại hàng trăm người dân theo thống kê của chính họ hay hàng ngàn người dân theo các thống kê độc lập. Một cựu tướng khác, Soe Thane, nói với bà Poulsen: “Nếu quân đội không kiểm soát tình hình hồi năm 1988, đất nước sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn.”

Chính cựu Tướng Thein Sein thừa nhận phe quân đội không có kiến thức để chuyển đổi thành công sang thể chế dân chủ khi bản thân ông trở thành tổng thống hồi năm 2011: “Kể cả họ [các bộ trưởng nội các] lẫn tôi đều không hiểu phải chuyển sang chế độ dân chủ như thế nào. Chúng tôi sống không có dân chủ trong hơn 50 năm.”

Và chỉ vài năm mò mẫm để thoát khỏi hố độc tài, bánh xe lịch sử ở Myanmar lại tuột xích lúc đang lên dốc. Không phải giới quân đội vẫn chưa hiểu dân chủ là gì vì chính Tướng Aung Min, người phụ trách cải cách chính trị từ năm 2011, tuyên bố trong phim: “Dân chủ là sự quản trị bởi người dân và vì người dân. Và chính quyền phải làm theo mong muốn của người dân dù [mong muốn đó] có đúng hay không.”

Trong cuộc bầu cử mới nhất mà phe quân đội không công nhận kết quả vì cho rằng có gian lận, đa số người dân muốn đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi tiếp tục điều hành đất nước. Nhưng các tướng lĩnh quân đội, đứng đầu là Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing cảm thấy bất an trước chiến thắng vang dội của đảng đối lập.

Đạo diễn phim Bên trong nền độc tài quân đội, bà Poulsen nói bà Suu Kyi luôn có mối quan hệ đầy khó khăn với giới tướng lĩnh, những người ghi rõ trong hiến pháp rằng bà sẽ không bao giờ có thể trở thành tổng thống ở Miến Điện. Họ cũng đảm bảo cho phe quân đội luôn có 25% ghế trong quốc hội mà không cần qua bầu cử.

Phim của bà Poulsen nói một trong những cảnh báo đầu tiên của phe quân đội đối với bà Suu Kyi được đưa ra khi một luật sư của bà bị bắn chết hồi năm 2016 sau khi tìm cách lách hiến pháp để tạo ra chức Quốc vụ Khanh cho bà. Nhờ luật sư Ko Ni, người bị bắn khi đang ôm từ biệt cháu của ông trước sân bay quốc tế Yangon, bà Suu Kyi đã trở thành người “trên cả tổng thống” trong vai Quốc vụ Khanh. Có lẽ chính tham vọng có thực quyền của bà Suu Kyi đã khiến phe quân đội lo sợ.

Phim Bên trong nền độc tài quân đội cũng nói bà Suu Kyi đã chọn đứng về phe quân đội trong cuộc thảm sát người hồi giáo thiểu số Rohingya vốn diễn ra từ cuối năm 2016 tới đầu năm 2017. Hành động của phe quân đội khiến bà Suu Kyi vô cùng khó xử và đã mất mặt với thế giới khi ngậm miệng để giữ liên minh với các “ác quỷ” trong quân đội Myanmar.

Hành động của giới tướng lĩnh trong cuộc đảo chính đầu tháng Hai cho thấy họ không tin quyền lợi và sự an toàn của họ được đảm bảo khi bà Suu Kyi và đảng NLD ngày càng mạnh lên.

Bản thân bà Suu Kyi cũng nói trong phim: “Không ai tin ai cả. Đây là hậu quả của rất nhiều năm độc tài. Người ta luôn phải cẩn thận; không ai biết ai theo dõi ai. Sự thiếu tin cậy này ở góc độ nào đó đã ngấm vào xương tuỷ chúng tôi.”

Còn cựu tướng Thein Sein từng than phiền cách đây 10 năm điều mà có lẽ các tướng lĩnh hiện nay cũng đang có cùng cách suy nghĩ: “[Đảng] NLD tìm quá nhiều cách để tạo xung đột với chúng tôi tới mức chúng tôi nghĩ sẽ không bao giờ có ổn định chính trị. Vì thế có sự ổn định chính trị là ưu tiên.”

Tướng Aung San, cha của bà Suu Kyi, khi bị ám sát lúc 32 tuổi hồi năm 1947 đã kịp giành độc lập cho Myanmar, lập ra quân đội và sinh ra bốn người con trong đó có người con gái từng bị các tướng lĩnh quản thúc tại gia trong 20 năm và nay lại tạm giam bà để phòng trừ hậu hoạ. Và để đảm bảo quyền lợi cho bản thân, các tướng lĩnh lại ra tay ám sát nền dân chủ đang thành hình ở Myanmar thêm một lần nữa.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG