Đường dẫn truy cập

Cô gái gốc Việt vươn lên từ nỗi đau mất mát


A survivor of a bomb blast at a church rests on a hospital bed in Nigeria's central city of Jos February 26, 2012.
A survivor of a bomb blast at a church rests on a hospital bed in Nigeria's central city of Jos February 26, 2012.

Sinh ra trong một gia đình người Việt tị nạn, nỗi vất vả của cha mẹ đã phần nào hình thành ý thức trách nhiệm cho cô bé Susan Liễu ngay từ khi còn nhỏ. Mới 6 tuổi, cô bé Susan đã biết giúp đỡ Má trong công việc kinh doanh của gia đình như trả lời điện thoại của khách hàng hay lau móng tay cho khách ở tiệm làm móng tay của gia đình. Năm 12 tuổi, Mẹ cô đột ngột qua đời sau một lần phẫu thuật, nhưng chính nỗi đau mất mát ấy lại thôi thúc cô bé quyết tâm sống có mục đích hơn.

Sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, cũng giống như nhiều gia đình ở miền nam lúc đó, sau 6 lần cố gắng bất thành, Ba, Má cùng hai người anh trai của Susan, khi đó mới 1 và 3 tuổi, cuối cùng đã rời Việt Nam trên chiếc thuyền nhỏ mong manh. Họ may mắn tới được trại tị nạn ở Thái Lan rồi Malaysia vào năm 1981, cũng tại nơi đây họ đã sinh hạ chị gái Wendy của cô vào năm 1982. Một năm sau đó gia đình được đưa tới Mỹ định cư và bắt đầu tìm cách ổn định cuộc sống ở California.

Susan chào đời vào năm 1985, cô còn nhớ khi còn nhỏ cô sống cùng họ hàng trong một đại gia đình gồm 13 người. Má cô làm nghề may còn ba cô thì đưa báo để kiếm sống. Rồi Má cô cũng mở được một tiệm làm móng tay đặt theo tên cô. Mới 6 tuổi nhưng cô bé Susan lúc đó đã biết cố gắng giúp Má những việc vặt ở tiệm móng tay. Lên 9 tuổi cô đã biết giúp Má thu tiền hay nhận và gọi điện thoại lấy hẹn với khách hàng.

Nhưng đến năm Susan 12 tuổi, thế giới như sụp đổ dưới chân cô, khi Má đã không vượt qua được một cơn phẫu thuật phức tạp và đã qua đời, để lại cha cô một mình chăm sóc 4 đứa con.

Nỗi đau về sự qua đời đột ngột của Má đã không làm cho cô bé 12 tuổi gục ngã, mà trái lại cô càng quyết tâm sống có mục đích hơn để không phụ lòng người Mẹ đã trải qua nhiều cơ cực và sóng gió trong cuộc đời. Susan nhớ lại:

“Đó là thời khắc vô cùng khó khăn đối với tôi, nhưng đó cũng là một thời khắc quan trọng, khi mà tôi bắt đầu nghĩ về thế giới bên ngoài chứ không chỉ nghĩ riêng cho bản thân tôi. Tôi bắt đầu nghĩ cách làm sao để giúp đỡ những người đang phải chịu đau khổ, bởi chính bản thân tôi cũng đang rất đau khổ”.

Susan kể rằng từ đó cô bắt đầu tích cực tham gia vào các hoạt động trong cộng đồng. Cô đã tham gia vào việc xây dựng chương trình phát triển lãnh đạo và khuyến khích mọi người tham gia các hoạt động cộng đồng như dọn dẹp vệ sinh ở công viên hay làm tình nguyện viên tại các ngân hàng thực phẩm v..v.

Susan nói cô cảm thấy có rất nhiều việc cần làm, và đối với cô những hoạt động cộng đồng đó rất có ý nghĩa bởi cô cảm thấy với nỗ lực của mình cô có thể làm cho thế giới tốt đẹp hơn đôi chút.

Không chỉ tình nguyện tham gia các hoạt động cộng đồng ở nước Mỹ, Susan còn đi tới những đất nước xa xôi, nơi cô muốn nối rộng vòng tay nhân ái tới những người có hoàn cảnh khó khăn.

Năm học lớp 7, cô đã giúp gây quĩ được 800 đôla để giúp người dân ở Nicaragua khắc phục hậu quả sau một trận bão tàn khốc. Và một năm sau, khi được biết về một nhóm tình nguyện viên sang Nicaragua để xây dựng thư viện cộng đồng, cô bé cũng đã tìm kiếm cho mình một học bổng để theo bước chân nhóm tình nguyện viên đó.

Trong thời gian học đại học Harvard, Susan đã tình nguyện sang một trại tị nạn ở Châu Phi và giúp đỡ những bệnh nhân HIV/AIDS.

“Tôi không chắc là tôi có thể thực sự vượt qua nỗi đau mất mát bằng việc phục vụ cộng đồng, nhưng tôi nghĩ tôi đã có thể bắt đầu hình thành bản sắc riêng của mình qua những công việc đó. Tôi sống trong tại tị nạn đó, và khi đó là lúc tôi cảm thấy có phần than thản hơn với sự qua đời của Má. Tôi bắt đầu nhận ra rằng cha mẹ tôi đã quyết tâm như thế nào để rời Việt Nam và tới một đất nước mà họ chẳng hề biết nói thứ ngôn ngữ nước đó với mong muốn cho con cái mình có được những cơ hội tốt đẹp hơn trong cuộc đời. Với tôi, việc đi sang tận Châu Phi thật là một sự thành công ly kỳ, tôi thấy mình thật sự cũng có quyết tâm giống Má, và càng nhận thấy mình giống Má bao nhiêu, tôi lại càng cảm thấy lòng mình thanh thản hơn bấy nhiêu.”

Susan cũng đã từng sang Việt Nam với mong muốn tìm hiểu về đất nước và con người ở đó cũng như tìm cơ hội giúp đỡ những người nông dân Việt Nam. Tại đó cô đã hoàn thành một bài nghiên cứu về phương thức canh tác hiệu quả và bền vững đối với cây cacao.

Cô gái nhiều hoài bão ấy không chỉ đam mê làm việc từ thiện mà cô và chị gái Wendy còn là những doanh nhân rất trẻ khi họ khởi sự kinh doanh khi mới 16 tuổi với những thỏi sô-cô-la do chính tay họ làm ra:

“Tiệm làm móng tay của gia đình tôi ở ngay đối diện với một tiệm sô-cô-la, và thỉnh thoảng hai chị em chúng tôi đi qua và ghé vào nếm thử, mặc dù sô cô la của họ rất ngon nhưng chúng tôi nhận thấy có nhiều chất bảo quản trong đó. Từ nhỏ chúng tôi thường ăn đồ ăn Việt Nam ở nhà và chúng tôi nhận thấy phần lớn đồ ăn Việt Nam rất tươi và rất ngon. Hai chị em tôi đã tự hỏi, tại sao chúng mình không thử làm sô-cô-la tươi và xem vị của nó thế nào nhỉ? Và thế là hai chị em tôi bắt đầu tự mình thử nghiệm món kẹo mới đó, rồi chúng tôi mời bạn bè và gia đình nếm thử, và ai nấy cũng đều rất thích.”

Là một người nhiệt tình tham gia công việc cộng đồng, ở tuổi 16, Susan đã là thành viên của ban quản trị khu chợ của người nông dân ở Santa Rose, và những thành viên trong ban quản trị đã gợi ý họ mở một quầy bán sô-cô-la tại chợ đó.

Sau đó họ cũng được giới thiệu trong một chương trình kéo dài 1 tiếng đồng hồ trên đài KSRO. Chỉ một ngày trước buổi phát thanh hai chị em cô được đề nghị mang theo các sản phẩm quảng cáo cho thương hiệu sô-cô-la của mình.

“Chỉ trong vòng 2 ngày chúng tôi đã nghĩ ra tên gọi cho sản phẩm của mình, và chúng tôi đặt theo tên tiếng Việt là sô-cô-la. Chúng tôi phải tạo nên một câu chuyện về nó. Chúng tôi in những áo thun để quảng cáo cho sản phẩm của mình trong vòng có 2 ngày. Tôi nghĩ đó là điều thú vị nhất về công ty của chúng tôi, đó là việc chúng tôi phải tỏ ra sáng tạo và có thể thực sự làm được một điều gì đó đầy thử thách.”

Hiện tại công việc kinh doanh của họ rất thành công, món sô-cô-la với hương vị khác lạ của hại chị em hiện được bán ở nhiều cửa hàng Whole Food nổi tiếng, và một số cửa hàng ở khu vực Bay Area. Họ cũng đang hợp tác với các công ty bia và rượu để giới thiệu sản phẩm của mình.

Susan cũng cho biết hiện công ty của cô đang thảo luận với tổ chức Đông Tây Hội ngộ (East meet West) ở Việt Nam về việc trích lợi nhuận của công ty cô để đóng góp vào quĩ học bổng nhằm giúp con cái của những người nông dân ở Việt Nam có cơ hội tới trường.

Susan nói rằng bí quyết thành công đầu tiên của công ty chính là sự phối hợp và gắn bó giữa hai chị em cô.

“Điều đầu tiên là chị gái tôi. Chúng tôi là những đối tác tuyệt vời, chúng tôi hoàn toàn trái ngược nhau. Tôi là người làm tiếp thị, tôi nói chuyện với khách hàng và tìm hiểu xem họ muốn sản phẩm như thế nào, còn chị ấy là người lập kế hoạch. Chị ấy suy nghĩ và sáng tạo ra những hương vị khác nhau cho sản phẩm sô cô la của chúng tôi. Chị ấy là người có chiến lược và rất coi trọng chi tiết còn tôi là người nhìn xa trông rộng, vì vậy chúng tôi bổ sung lẫn cho nhau. Điều thứ hai là tôi làm những gì mình yêu thích. Tôi làm việc nhiều giờ và rất tích cực cho công ty của mình vì đó là điều tôi thích làm, tôi không nghĩ rằng tôi đang làm việc mà tôi nghĩ rằng tôi đang trải nghiệm một cuộc phiêu lưu đầy thú vị mỗi ngày. Tôi nghĩ là không có nhiều người nghĩ như thế về công việc của mình.”

Với Susan để thành công thì ngoài sự nỗ lực của bản thân cũng cần phải tin vào chính bản thân mình. Một câu nói của Má mà Susan không bao giờ quên:

“Má tôi nói, mỗi người sinh ra có hai cái tay, một cái đầu và một trái tim, trước khi mình mất thì mình phải xài hết.”

Cảm ơn những lời tâm sự của Susan và xin chúc cô thành công trong công việc kinh doanh cũng như những hoạt động thiện nguyện mà cô không ngừng hướng tới.

Quí vị có thể tham khảo về doanh nghiệp của Susan ở địa chỉ www.socolachocolates.com

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG