Cách nay chừng 2 tuẩn lễ, tờ Washignton Post đã đăng một bài viết của ký giả Peter Whoriskey về sự sống sót của nhà máy chuyên sản xuất bàn để ủi, đặt cơ xưởng tại thị trấn Seymour, bang Indiana. Như chúng ta đã biết những mặt hàng máy móc, điện tử của Trung Quốc còn ào ạt xâm nhập thị trường Hoa Kỳ, kể gì đến những mặt hàng gia dụng giản dị chỉ cần thuê mướn lao động phổ thông sản xuất.
Nhà máy này là một chi nhánh của công ty Home Products International chuyên sản xuất các máy móc, mặt hàng liên quan đến giặt ủi, giặt khô v..v.. trụ sở tại Chicago. Công ty này chuyên cung cấp hàng cho các hệ thống bách hóa bình dân tại Hoa Kỳ như Wal Mart, K Mart, Target v..v..
Nhà máy ở thị trấn Seymour là cơ xưởng duy nhất sản xuất bàn để ủi còn sót lại tại Hoa Kỳ. Con số 200 nhân công còn lại hàng ngày sản xuất theo tốc độ 720 chiếc một giờ. Trong một cơ xưởng gồm 3 tòa nhà thấp không có máy lạnh, những cuộn thép được cắt, được hàn, bắt vít, thành phẩm và đóng thùng để sẵn sàng gửi đi. Công nhân được trả lương theo sức làm việc nhanh hay chậm, và họ có thể kiếm được khá, chừng 15 đô la một giờ. Một công nhân nhà máy hiện đã về hưu, cho biết thợ thuyền làm cật lực và mệt nhoài sau một ngày lao động. Nhưng đây chỉ là một trong những yếu tố để giữ cho nhà máy sống còn mà thôi, vì làm việc siêng năng và lòng trung thành của công nhân cũng chưa đủ để giúp nhà máy này sống sót trước sự cạnh tranh ác liệt của Trung Quốc.
Ông cho biết: "Công ty sống còn nhờ họ đã thuyết phục được các giới chức thương mại của Hoa Kỳ rằng các công ty Trung Quốc đã bán đổ bán tháo loại bàn để ủi quần áo, dưới giá phải chăng, vào thị trường Mỹ. Kết quả là Hoa Kỳ đã áp đặt sắc thuế chống phá giá từ 70 lên đến hơn 150% vào mặt hàng này sản xuất từ Trung Quốc."
Không những thế, mới đây, dưới áp lực của Hoa Kỳ và các nước Tây phương, Trung Quốc đã phải đồng ý cho hối suất đồng nguyên lên giá so với đồng đô la. Như vậy, bàn để ủi do Trung Quốc sản xuất nhập vào Hoa Kỳ sẽ phải bán với giá cao hơn.
Tuy nhiên áp đặt các sắc thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu như vậy sẽ gây nhiều phản ứng, không những từ các công ty nuớc ngoài cạnh tranh mà ngay cả trong nước nữa. Một số công ty bán lẻ tại Hoa Kỳ nói rằng sắc thuế này khiến cho công ty tại thị trấn Seymour trở thành gần như độc quyền tại Hoa Kỳ, sản xuất bàn để ủi quần áo, và các kinh tế gia cho rằng sắc thuế này làm cho giới tiêu thụ tại Mỹ phải trả một giá cao hơn đối với một mặt hàng tiêu thụ được 7 triệu chiếc trong nước mỗi năm.
Dù thế nào chăng nữa, sắc thuế này cũng đã giúp giữ được công ăn việc làm cho 200 người tại thị trấn Seymour và san bằng sân chơi mà từ trước tới nay các cơ xưởng nước ngoài vẫn chiếm ưu thế.
Vì tình trạng toàn cầu hóa, con số những công việc sản xuất hàng hóa tại Hoa Kỳ đã giảm sút mạnh, từ 19 triệu 500 ngàn năm 1979 xuống còn 11 triệu 600 ngàn năm nay, giảm 40%.
Chính quyền của Tổng thống Obama có nói là họ muốn tạo và duy trì những công việc sản xuất hàng hóa trả lương cao cho công nhân.
Nhưng câu chuyện về nhà máy tại Seymour cho thấy ý muốn này đầy những thử thách thật khó khăn.
Kể từ thập niên 1970, nhà máy liên tục bị đe dọa bởi những công ty sản xuất với giá thành thấp hơn, đầu tiên là từ những bang miền nam nước Mỹ, sau đó là từ Nhật rồi từ Mexico. Công ty tại Seymour đã tiện tặn từng xu để giảm giá thành, và loại bàn đơn giản nhất được công ty sản xuất chỉ với giá chừng 7 đô la mỗi chiếc. Năm 2000, số công nhân làm việc tại nhà máy là 400, đến nay chỉ sử dụng có 200, phản ánh một phần khả năng tinh giản của công ty để giảm giá thành.
Thế nhưng sự cạnh tranh từ Trung Quốc ngày càng làm cho giới quản trị công ty vất vả. Target, hệ thống cửa hàng bách hóa bình dân, bắt đầu nhập khẩu bàn dùng để ủi từ Trung Quốc, và năm 2002, Whitney Design, một công khác tại Mỹ cũng sản xuất mặt hàng này và là đối thủ cạnh tranh, đã đóng cửa. Xưởng sản xuất bàn để ủi tại thị trấn Seymour trở thành nơi cuối cùng tại nước Mỹ còn sống sót.
"Thế nhưng trận chiến giá cả không ngưng nghỉ. Hàng Trung Quốc cứ thế mà hạ giá, có khi một bàn để ủi nhập khẩu từ Trung Quốc bán với giá 7 đô la sau giảm xuống còn 5 đô la. Trong khi công ty mẹ Home Products International tiếp tục thúc cắt giảm giá thành; những nhà quản lý ở xưởng máy Seymour tiếp tục suy tính để tìm cách tổ chức công việc sao cho tốt hơn, hữu hiệu hơn."
Và rồi giữa những năm 2001 và 2003, con số bàn để ủi từ Trung Quốc đổ vào Hoa kỳ đã tăng lên gấp 4.
Dường như cắt giảm giá thành cũng chẳng xoay chuyển được tình thế. Vì vậy đến tháng Sáu năm 2003, Home Products International đã đệ đơn khiếu nại với Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế của Hoa Kỳ, tố cáo Trung Quốc đã bán hàng của họ dưới giá công bằng trên thị trường. Công ty này muốn chính phủ áp đặt thuế quan đối với bàn để ủi nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Để đi đến quyết định, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ phải xét xem liệu một công ty có bán hàng dưới giá thành hay không. Điều này rất khó theo dõi tại Trung Quốc, vì nó không phải là một nền kinh tế thị trường, do vậy, các giới chức Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã phải tính toán giá cả tại Trung Quốc dựa trên giá cả tại Ấn Độ."
Sau cuộc điều tra sơ khởi, Hoa Kỳ áp đặt sắc thuế tới 157% đối với một số công ty Trung Quốc. Nhưng 1 trong những công ty lớn của Trung Quốc sản xuất mặt hàng này đã tránh né được sắc thuế đó.
Công ty Home Products International tố cáo rằng công ty Trung Quốc đó đã nộp những dữ liệu giả dối cho các giới chức Hoa Kỳ. Sau cuộc điều tra sâu rộng hơn, các giới chức Mỹ kết luận rằng những thông tin mà công ty Trung Quốc giao nộp không đầy đủ và không đáng tin cậy.
Và dần dần, hầu hết tất cả mọi công ty cạnh tranh sản xuất mặt hàng này tại Trung Quốc đã phải chịu mức thuế đáng kể, nhờ vậy cơ xưởng của Home Products International tại thị trấn Seymour đã sống sót.
Tuy nhiên phe chống đối nói rằng sử dụng đến luật lệ như vậy có thể có hệ quả ngược.
Ông William Perry, một luật sư, hành nghề tại Seattle, bang Washington, đại diện cho một số công ty nhập khẩu và công ty bị cáo buộc nộp dữ liệu không đúng sự thực, nói rằng biện pháp đó buộc khách hàng phải mua sản phẩm của họ. Ông cũng cho rằng phương cách chính phủ Mỹ tính giá thành cho món hàng sản xuất tại Trung Quốc căn cứ trên dữ liệu từ Ấn Độ sẽ tạo ra một tiền lệ để nhiều người lạm dụng.
Ông William Perry cũng cho rằng theo đuổi chính sách áp đặt thuế quan chỉ là sách lược ngắn hạn cho các nhà sản xuất hàng hóa tại Hoa Kỳ, và rằng việc sản xuất rất có thể chuyển sang các quốc gia mà giá thành rẻ.
Mặt khác một số kinh tế gia còn đặt nghi vấn rằng áp đặt các sắc thuế như vậy có phải là chính sách hay hay không, vì thật vô lý khi buộc hàng triệu người tiêu thụ tại Hoa Kỳ phải trả giá cao hơn cho một cái bàn để ủi chỉ để cứu vãn việc làm cho 200 công nhân.
Chuyện có lý hơn, theo họ, là huấn luyện cho các công nhân bị mất việc do hãng thuê mướn họ bị đưa ra nước ngoài, để họ có thể kiếm được những việc khác.
Tuy nhiên các công nhân tại xưởng máy sản xuất bàn để ủi tại thị trấn Seymour không thấy lý lẽ cho rằng ngăn chặn sản phẩm rẻ mạt của Trung Quốc gây thiệt hại cho giới tiêu thụ tại Hoa Kỳ là đúng. Họ nói rằng chắc chắn người dân Mỹ chẳng được lợi gì do giá hàng rẻ mạt nhập khẩu từ Trung Quốc nếu họ không có việc làm. Theo họ, cần phải có biện pháp để giúp giữ được công ăn việc làm cho người dân.
Cầm lên bất cứ món gia dụng nào bán ở các cửa hàng tại nước Mỹ, khách có thể thấy hầu hết đều là "Made in China". Thế nhưng một cơ xưởng chuyên sản xuất chiếc bàn để ủi quần áo, tại một thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ, đã sống sót trước sự cạnh tranh ác liệt của Trung Quốc. Nguyên nhân nào đã giúp cơ xưởng nhỏ này làm được như vậy? Mời quí vị theo dõi Câu Chuyện Nước Mỹ với Lan Phương sau đây.