Lục quân Hoa Kỳ vừa thông báo họ tiếp tục tìm kiếm các loại vũ khí cá nhân phù hợp với nhu cầu quốc phòng cả ở hiện tại lẫn tương lai. Cho đến giờ này đã có sáu công ty tham gia chào hàng và đặc điểm sản phẩm của từng công ty được giới thiệu công khai để bất kỳ ai muốn cũng có thể tham khảo (1).
Tuần trước, Lục quân Hoa Kỳ thông báo hủy bỏ kế hoạch sản xuất hàng loạt - trang bị XM 25 cho bộ binh. Đây là loại súng phóng lựu từng được ví von là “The Punisher” (Kẻ trừng phạt). Kế hoạch phát triển XM25 - loại súng phóng lựu mới được triển khai từ năm 2000, kéo dài trong mười năm và bắt đầu được đem ra thử nghiệm vào 2010. Trong ba năm từ 2011 đến 2013, khi thử dùng XM25, quân nhân Hoa Kỳ phát giác, thỉnh thoảng loại súng phóng lựu này bị trục trặc kỹ thuật (thống kê thử nghiệm xác định, XM25 bị kẹt đạn ít nhất là… ba lần/ba năm). Biệt động quân Hoa Kỳ (US Armu Ranger) – một trong những lực lượng được giao thử nghiệm XM25 – công khai tỏ ra không hài lòng cả về trọng lượng của XM25 lẫn tính năng của nó (2). Vậy là xong…
Với quân đội Hoa Kỳ, kế hoạch nghiên cứu – phát triển hoặc mua sắm để trang bị các loại phương tiện quân sự, từ mũ, giày, quần áo, vũ khí cá nhân đến những thứ mà mỗi món trị giá nhiều triệu Mỹ kim (như các loại tàu chiến, chiến đấu cơ) không những được loan báo công khai mà còn được cập nhật chi tiết về tiến trình thử nghiệm, đấu thầu, tính năng mới, nhược điểm... Quan tâm, muốn biết, cứ vào Internet mà search, thông tin loại này nhiều như lá mùa thu. Bí mật quốc gia – tất nhiên là có và được bảo vệ chặt chẽ - nhưng minh bạch để ai cũng có thể theo dõi, giám sát, bình phẩm, so sánh thiệt hơn luôn là tiêu chí để loại trừ yếu tố nhân danh nhằm trục lợi. Chẳng riêng quân đội Hoa Kỳ, quân đội nhiều quốc gia khác cũng thế.
Cũng tuần trước, quân đội Hoa Kỳ loan báo vừa “tạm đình chỉ công tác” Thiếu tướng Paul Hurley – Chỉ huy Trung tâm Phối hợp, Hỗ trợ quân cụ của Lục quân Hoa Kỳ (3). Tướng Hurley bị “tạm đình chỉ công tác” vì dính líu đến một vụ bê bối nào đó mà quân đội Hoa Kỳ đang điều tra và chưa công bố chi tiết.
Nếu chịu khó theo dõi tin tức liên quan đến quân đội Hoa Kỳ, chuyện ông tướng nào đó, rơi vào tình huống như tướng Harley rồi bị “tạm đình chỉ công tác” bởi quân đội không đủ tin vào khả năng lãnh đạo của ông tướng có dấu hiệu liên quan đến một hoặc một số bê bối là rất bình thường. Thỉnh thoảng vẫn có các ông tướng của lục quân, không quân, hải quân Hoa Kỳ bị giáng cấp, bị tống vào tù, bị loại ngũ vì đủ thứ lỗi, trong đó có những lỗi dễ làm nhiều người Việt ngạc nhiên, chẳng hạn dùng tiền của chính phủ để mua vé máy bay, trả tiền thuê phòng khách sạn cho bồ nhí, ngoại tình, quan hệ tình dục với thuộc cấp. Có những ông tướng vốn là ngôi sao cả trong quân đội lẫn chính trường như David Petraeus (cựu Tư lệnh nhiều Bộ Chỉ huy đặc nhiệm, Bộ Chỉ huy khu vực của quân đội Hoa Kỳ, cựu Tư lệnh Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Trung Đông,…), từng được ông Obama chọn làm Giám đốc CIA, ông Trump dự trù chọn làm Ngoại trưởng – cũng phải thoái bộ (từ chức), nhận tội ngoại tình với người viết hồi ký của mình và vui miệng tiết lộ một số thông tin thuộc loại “mật”, rồi lui về ở ẩn (4).
Chẳng riêng Hoa Kỳ, nhiều quốc gia cũng thế: “Công bằng, dân chủ, văn minh” là “công – tội rạch ròi”, thường dân hay viên chức cao cấp, tướng bao nhiêu sao cũng phải chịu trách nhiệm, phải trả giá nếu bất xứng, vi phạm luật pháp, không thể có “đặc ân” cho giới nào và khoan nhượng cho bất kỳ cá nhân nào.
***
Tuần này, tại Việt Nam, tin mới nhất liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tự Vũ “Nhôm”) là công an Việt Nam đã khởi tố ông Hoàng Hữu Châu vì lừa Vũ “Nhôm” về chuyện sẽ làm “hộ chiếu Hoa Kỳ” giúp Vũ “Nhôm” trở thành công dân Hoa Kỳ để chiếm đoạt hàng trăm ngàn Mỹ kim (5).
Nhìn một cách tổng quát, cho đến giờ này, chuyện đem tấm áo “an ninh quốc gia” cho Vũ “Nhôm” khoác để thâu tóm công thổ, công thự trên toàn quốc biến thành tài sản riêng, chia chác với nhiều cá nhân đã và có lẽ sẽ chỉ có Vũ “Nhôm” và ông Phan Hữu Tuấn (Trung tướng, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) bị trừng phạt (Vũ “Nhôm” bị phạt 9 năm tù, ông Tuấn bị phạt 7 năm tù).
Những ông tướng công an khác như: Thượng tướng Trần Việt Tân (cựu Uỷ viên BCH Đảng bộ Công an TƯ, cựu Thứ trưởng Công an), Trung tướng Bùi Văn Thành (cựu Ủy viên BCH Đảng bộ Công an TƯ, cựu Thứ trưởng Công an đặc trách Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật của Bộ Công an), Trung tướng Lê Văn Minh (Ủy viên BCH Đảng bộ Công an TƯ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật), Trung tướng Bùi Xuân Sơn, (cựu Ủy viên BCH Đảng bộ Công an TƯ, cựu Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật), Trung tướng Nguyễn Văn Chuyên (Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra BCH Đảng bộ Công an TƯ, Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật), Trung tướng Ksor Nham (Ủy viên Thường vụ BCH Đảng bộ Công an TƯ, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra BCH Đảng bộ Công an TƯ, cựu Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật), Trung tướng Vũ Thuật (cựu Phó Bí thư BCH Đảng bộ Công an TƯ, cựu Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật) đã thoát nạn. Xử lý hành chính và áp dụng kỷ luật Đảng trên các ông tướng này được xem như hết sức thỏa đáng để họ ung dung hưởng nhàn.
Hơn một tháng đã trôi qua kể từ ngày chiến đấu cơ loại Su-22U, số hiệu 8551, rớt ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Cho dù có nhiều thông tin gây nghi ngại: Dường như chiến đấu cơ số hiệu 8551 nằm trong lô Su-22U cũ mà Việt Nam mua lại từ một số quốc gia ở Đông Âu, sau đó chuyển cho Ukraine “nâng cấp”, chuyển đổi mục đích sử dụng (theo thiết kế Su-22U chỉ thực hiện các nhiệm vụ trên đất liền, “nâng cấp” nhằm thực hiện các nhiệm vụ trên biển) (5) và các công ty ở Ukraine tham gia “nâng cấp” lô Su-22U - trong đó có chiến đấu cơ số hiệu 8551 - cho Việt Nam đều thuộc loại không đủ năng lực để thực hiện công việc “nâng cấp” (6) nhưng Quân chủng Phòng không – Không quân và Bộ Quốc phòng vẫn làm thinh. Nhà nước, quốc hội, chính phủ áp dụng triệt để “tam không” (không nghe, không thấy, không nói).
Giống như Bộ Công an Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng dùng tấm áo “bí mật quốc phòng” để khoác lên tất cả các thương vụ mua sắm phương tiện quân sự, kể cả trao tấm áo ấy cho những cá nhân như Đinh Ngọc Hệ (tự “Út Trọc”) sử dụng theo kiểu y hệt Vũ “Nhôm”. Trong scandal “Út Trọc”, chỉ có Đại tá Bùi Văn Tiệp (cựu Tư lệnh Sư đoàn 367 Phòng không - Không quân) phải hầu Tòa nhưng được hưởng án treo. Hai ông tướng (Thượng tướng Phương Minh Hòa, cựu Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh cựu Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân) cũng chỉ bị xử lý hành chính và áp dụng kỷ luật Đảng như bảy ông tướng công an.
Dù đã có rất nhiều bài học nhãn tiền về hậu quả và các scandal “Út Trọc”, Vũ “Nhôm” chỉ là những ví dụ gần nhất, những tấm áo “bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia”, “bảo vệ uy tín quân đội”, “bảo vệ uy tín công an” vẫn chưa mất giá. Cho dù các kế hoạch mua sắm phương tiện – thiết bị an ninh, quốc phòng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã và sẽ còn được hệ thống truyền thông quốc tế công bố rộng rãi, bàn luận rôm rả, chuyện nhân danh quốc phòng, an ninh, sử dụng công thổ, công sản để trục lợi vẫn diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật thì dân chúng Việt Nam vẫn là đối tượng không được quyền biết, quyền bàn, quyền kiểm tra và nêu ý kiến.
Chẳng lẽ giới lãnh đạo Đảng CSVN, nhà nước, quốc hội, chính phủ Việt Nam vẫn chưa nhận ra rằng, cho phép công an, quân đội trùm “bí mật quốc gia” lên những hoạt động “an ninh”, “quốc phòng” nhằm tạo ra đặc quyền, thu đoạt đặc lợi là cách nhanh nhất để thủ tiêu niềm tin, bào cho sạch nội lực thực sự về an ninh, quốc phòng? Sau hàng loạt tai nạn không bao giờ truy tìm – xác định căn nguyên thực liên quan đến các phương tiện bay quân sự, còn bao nhiêu phi công của Không quân nhân dân Việt Nam yên tâm khi cần điều khiển thứ mà nhiều người ví von là những “quan tài bay” do rơi rụng quá nhiều? Tập luyện đã đầy rủi ro bất khả loại trừ như vậy, lúc thực chiến thì sao?
Chú thích
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/David_Petraeus
(6) https://www.voatiengviet.com/a/chien-dau-co-viet-nam-gap-nan-vi-nang-cap-kem-o-ukraine/4515464.html