Ngọn lửa cháy sáng trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội 2012 tại London vừa được thắp lên tại nơi ra đời của Olympic cổ hôm thứ Năm, 10 tháng 5, 2012.
Nghi thức thắp đuốc truyền thống diễn ra trang nghiêm tại Đền Hera khởi sự cho cuộc rước đuốc với đỉnh điểm là lễ khai mạc Thế vận hội vào ngày 27 tháng 7.
Nữ diễn viên Ino Menegaki, hóa trang thành nữ tu, đứng cầu khấn trước đền cổ 2.600 năm của Thần Ánh sáng Apollo, và dùng một thấu kính hội tụ tia sáng mặt trời thắp lửa cho ngọn đuốc.
Nghi lễ diễn ra trong trời nắng đẹp nên ngọn lửa đã được thắp lên từ những tia sáng mặt trời, chứ vị nữ tu không cần dùng đến ngọn lửa dự phòng để thắp ngọn đuốc như được tập dượt ngày hôm trước.
Sau nghi lễ nhận lửa, vị nữ tu thắp ngọn lửa sang cho chiếc đuốc của người rước đuốc đầu tiên, đó là vận động viên huy chương bạc Olympic của Hy Lạp Spyros Gianniotis. Gianniotis sinh ra ở Liverpool trong gia đình có cha là người Hy Lạp và mẹ là người Anh.
Ngọn đuốc sau đó được Gianniotis chuyền qua cho vận động viên quyền Anh người Anh gốc Hy Lạp Alexander Loukos.
Nghi lễ thắp đuốc khởi sự cuộc rước đuốc một tuần lễ, đi qua 5 địa điểm khảo cổ lớn nhất của Hy Lạp, trong đó có Acropolis, trước khi ngọn đuốc được rước đến sân vận động Olympic ở Athens, nơi Thế vận hội hiện đại đầu tiên được tổ chức vào năm 1896.
Đoàn đại diện của Anh Quốc sẽ nhận ngọn lửa tại một nghi lễ diễn ra vào tối 17 tháng 5.
Hai người rước đuốc cuối cùng tại Hy Lạp sẽ là vận động viên cử tạ người Hy Lạp Pyrros Dimas và vận động viên thể dục Trung Quốc Li Ning, người đã vinh dự thắp ngọn đuốc cho Olympic Bắc Kinh.
Đuốc Olympic London sẽ được rước đi khắp Vương quốc Anh, và rước qua Cộng hòa Ireland trước khi được đưa đến Sân vận động Olympic ở đông London để khai mạc Thế vận hội vào ngày 27 tháng 7.
Hành trình rước đuốc dài gần 13 ngàn kilômét ở Anh sẽ bắt đầu vào ngày 19 tháng 5 tại Land’s End, điểm cực nam của nước Anh.
Từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 7, ngọn đuốc sẽ được rước qua Bắc Ireland và sau đó sang Cộng hòa Ireland – quốc gia duy nhất bên ngoài Vương quốc Anh mà ngọn đuốc đi đến.
Việc ngọn đuốc sẽ được rước qua Cộng hòa Ireland là chuyện hầu như khó có thể tưởng tượng nổi cách đây vài năm, còn bây giờ việc này biểu hiện quan hệ thân mật hơn giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland – 14 năm sau hòa ước đã chấm dứt phần lớn cuộc xung đột giáo phái dài 3 thập kỷ xâu xé miền bắc.
Các nhà tổ chức cho biết trong số 7.300 người rước đuốc ở Anh quốc sẽ có một thương binh từ chiến trường Afghanistan, và một cụ bà 100 tuổi.
Chặng rước đuốc cuối cùng sẽ là từ điện Hampton Court của vua Henry VIII đến Sân vận động Olympic, nơi lễ khai mạc Thế vận hội 2012 sẽ diễn ra và được truyền hình trực tiếp cho hàng tỉ người xem trên khắp thế giới.
Ngọn đuốc nhắc lại truyền thống Olympic cổ khi ngọn lửa cháy sáng trong suốt thời gian diễn ra Olympic. Truyền thống này được lập lại vào năm 1936 ở Olympic Berlin.
Hành trình rước đuốc lần này không có các chặng ở nước ngoài, do các nhà tổ chức rút kinh nghiệm từ cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh năm 2008 khi cuộc rước đuốc gặp phải sự chống đối Trung Quốc rộng khắp trên thế giới.
Trong khi đó tại London, các nhà tổ chức đang hoàn thiện những bước sau cùng đề sẵn sàng đón chào thế giới đến với đại hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Tuần trước Công viên Olympic Park của London vừa được đưa vào hoạt động thử. Gần 150 ngàn người hâm mộ thể thao đã đến xem các cuộc tranh tài ở nhiều môn thể thao.
Trong lúc các cuộc tranh tài diễn ra, các công nhân xây dựng vẫn tiếp tục những công việc hoàn thiện sau cùng ở sân vận động chính và ở một số khu nhà trong công viên Olympic.
Anh Vlad, một công nhân xây dựng đến từ Romania, nói rằng làm việc cho công trình xây sân vận động Olympic mang lại cho anh một niềm tự hào hoàn toàn khác với công việc xây dựng mà anh đã làm ở bất cứ công trình nào khác.
Anh Vlac nói cảm giác trong anh thật là khác, khó giải thích được tại sao; một niềm tự hào, nhất là trước những hoạt động thử nghiệm chuẩn bị cho Olympic như thế này.
Còn đối với Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic, ông Sebastian Coe, một cựu vận động viên Anh từng đoạt 4 huy chương Olympic, thì các hoạt động thử ở công trình Olympic mới này là dịp để các vận động viên trẻ giao lưu với nhau, và là dịp để giới thiệu thành quả của công trình được vun đắp suốt 7 năm qua.
Ông Coe nói rằng qua cuộc thử nghiệm này ban tổ chức phải bảo đảm rằng tất cả mọi thứ phải được thử nghiệm, phải được kiểm tra kỹ lưỡng để sẵn sàng cho Olympic – từ bảo vệ an ninh, đến các địa điểm tranh tài, luồng lưu thông của công chúng, công tác điều hành các địa điểm, nhân sự, hậu cần,v.v, tất cả đều quan trọng.