Thành phố ứng viên được dư luận xem là có khả năng lấn át nhất trong cuộc đua tranh quyền đăng cai Olympic 2020 là Rome đã bỏ cuộc sớm. Sáng thứ Ba, 14 tháng 2 vừa qua, tức ngày trước thời hạn chót phải nộp hồ sơ tranh đăng cai cho Ủy ban Olympic Quốc tế, gọi tắt là IOC, Thủ tướng Ý Mario Monti đã công bố quyết định là thành Rome sẽ không dự tranh vì những tổn phí quá lớn chưa thể định rõ được, cùng với những rủi ro khác sẽ không được dung thứ vào lúc nước Ý đang chật vật chống chọi với cơn sóng gió tài chánh trong khu vực đồng Âu kim.
Khi Rome vượt qua Venice để giành quyền đại diện cho nước Ý đi tranh đăng cai hồi tháng 5 năm ngoái, các nhà cá cược đã đưa Rome vào vị trí số một vì đa số các nhà phân tích đều tin như vậy.
Quyết định của ông Mario chấm dứt chiến dịch kéo dài 2 năm qua của thành Rome mặc dầu mới trước đó Đô trưởng Gianni Alemanno bảo đảm rằng mọi thứ đều trông có vẻ khả quan.
Hồ sơ dự tranh nộp cho IOC phải có cam kết của các giới chức chính phủ, bảo đảm đáp ứng hữu hiệu mọi chi phí liên quan đến việc đăng cai Thế vận hội. Không có chữ ký của thủ tướng thì hồ sơ không xúc tiến được.
Thành Rome bỏ cuộc sớm giảm được một phần lo ngại cho năm thành phố ứng viên còn lại đã chính thức nộp hồ sơ tranh đăng cai, là Baku của Azerbaijan, Doha của Qatar, Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, Madrid của Tây Ban Nha, và Tokyo của Nhật Bản. Năm ứng viên cũng là con số thường được IOC chấp thuận cho dự cuộc đua. Ở cuộc đua tranh đăng cai Olympic 2016, Doha và Baku không lọt vào được danh sách năm ứng cử viên này.
Cùng ngày thứ Ba vừa qua, phái đoàn của thành phố Madrid do chủ tịch Ủy ban Olympic Tây Ban Nha Alejandro Blanco dẫn đầu đã đến nộp hồ sơ chính thức tranh đăng cai tại trụ sở của IOC ở Lausanne. Ông Blanco cho biết bà Jacqueline Barrett, giới chức của IOC, đã nhận bộ hồ sơ bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh với tất cả 80 bản sao; bà Barrett đã xem qua bộ hồ sơ trong đó trả lời đầy đủ mọi câu hỏi IOC đã đặt ra.
Ông Blanco nói rằng bộ hồ sơ của Madrid đầy đủ và hoàn hảo. Ông thừa nhận rằng Tây Ban Nha đang vượt qua một thời kỳ kinh tế khó khăn, và trong lúc khó khăn đó sẽ có hai giải pháp để chọn: một là rút lui, và hai là – như Madrid đã chọn – mạnh dạn tiến lên và tuyên bố “chúng tôi sẵn sàng tham dự cuộc đua tranh này.” Và ông tin tưởng đây là một cơ hội tốt để Tây Ban Nha sẵn sàng đứng ra đăng cai đại hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Đây là lần thứ ba liên tiếp Madrid dự tranh đăng cai Olympic và là lần thứ năm nói chung của Tây Ban Nha. Ở lần tranh đăng cai Olympic 2016, Madrid đã thua suýt soát Rio de Janeiro ở vòng bỏ phiếu chung cuộc.
Istanbul nộp hồ sơ dự tranh vào hôm thứ Tư, ngày cuối cùng IOC nhận đơn. Đây là lần thứ năm Istanbul tham dự cuộc đua này. Thành phố Thổ Nhĩ Kỳ này đã thất bại tại các kỳ tranh Olympic 2000, 2004, 2008, và 2012. Ông Hasan Arat, giới chức Olympic của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng “lần tham dự này là một ý tưởng mới, một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ mới.”
Thủ đô Baku của Azerbaijan trở thành một ứng cử viên khá mới lạ trên danh sách dự tranh đăng cai Olympic.
Azerbaijan đã phát phát động một phong trào ủng hộ cho nỗ lực đăng cai của thủ đô Baku với khẩu hiệu “Cùng gắng sức với nhau, chúng ta sẽ làm được.”
Bà Konul Nurullayeva, người đứng đầu ủy ban tranh đăng cai Olympic nói rằng phái đoàn Azerbaijan sẽ thuyết phục IOC rằng “Baku là một thành phố còn mang nhiều bí ẩn tuyệt diệu nhất thế giới để mỗi một du khách, mỗi một vận động viên có dịp đến để khám phá, và nỗ lực tranh đăng cai Olympic 2020 của Baku cũng thể hiện một sự chuyển đổi của đất nước và xã hội Azerbaijan.”
Trong khi đó bộ hồ sơ của một đối thủ có tiếng tăm đến từ đông Á là Tokyo nêu bật những đề nghị về cải tiến kỹ thuật so với lần tranh đăng cai trước đó. Theo ủy ban tranh đăng cai của Nhật Bản do ông Tsunekazu Takeda làm chủ tịch, thì những đề nghị này một lần nữa khẳng định cam kết toàn diện của Tokyo đối với phong trào Olympic, đối với nỗ lực phát huy các giá trị Olympic và khuyến khích giao lưu thể thao và hợp tác quốc tế.
Ông Takeda trước đó nói rằng nay "nước Nhật đang hồi phục từ thiên tai động đất, sóng thần, và Nhật Bản mong muốn tổ chức Olympic 2020 như là một biểu tượng của sự hồi phục."
Ông Đỗ Thông Minh, một học giả gốc Việt định cư lâu năm tại Tokyo nói với đài VOA: "Cá nhân tôi không thể vẽ lên bức tranh toàn cảnh dư luận của người Nhật. Tuy nhiên qua một số hiểu biết, thì chúng tôi thấy như thế này – Lần này Tokyo lại xin đăng cai Olympic 2020 trong tình hình khó khăn sau thiên tai động đất và khó khăn về vấn đề công trái phiếu. Mỗi lần đứng ra xin đăng cai không thôi cũng tốn cả trăm triệu đôla. Sở dĩ người ta muốn tổ chức là để nâng úy tín, và cái gọi là hiệu quả kinh tế. Có được một đại hội như vậy thì cần phải có sự đầu tư một tỉ, hai tỉ đôla, nhưng hiệu quả kinh tế có thể lên đến 10 tỉ.
Bây giờ có được trao quyền đăng cai hay không thì không biết, nhưng đến năm 2020 thì chuyện động đất, sóng thần đến giờ đó cũng đã qua rồi; 10 thì mọi chuyện xem như cũng xong hết rồi. Làm những chương trình lớn như vấn đề tái thiết thì chắc chắn phải bán công trái phiếu. Tiền thì đương nhiên là nợ nần, nhưng thành phố thì chắc chắn sẽ đẹp hơn, và sẽ có công ăn việc làm trong giai đoạn đó. Cái bối cảnh là như vậy.”
Doha đến trụ sở IOC để nộp hộ sơ dự tranh với tư cách là một ứng viên mới, nhưng là một ngôi sao mới nổi.
Kết quả của cuộc đua cách đây mới hơn một năm để tranh quyền đăng cai World Cup 2022, khi Qatar, nước có nền bóng đá chưa phát triển nhưng lắm tiền của, đã bất ngờ đánh bại những đối thủ sừng sỏ nhất, trong đó có Mỹ để lần đầu tiên mang World Cup về vùng Vịnh.
Đó vẫn là nỗi ám ảnh của các ứng viên dự tranh cuộc đua giành quyền đăng cai Olympic 2020 lần này, mà kết quả chung cuộc sẽ được công bố tại đại hội của IOC vào tháng 5 năm tới tại thủ đô Buenos Aires của Argentina.
Thành Rome quyết định rút khỏi cuộc đua tranh quyền đăng cai Thế vận hội 2020 ngay trước thời hạn cuối phải nộp hồ sơ đã giảm áp lực đáng kể cho năm ứng viên còn lại. Trong khi đó Qatar đang nổi lên thu hút sự chú ý của dư luận sau khi quốc gia Vùng Vịnh lắm tiền của này bất ngờ hạ nốc ao những đối thủ sừng sỏ nhất thế giới để giành quyền đăng cai World Cup 2022.