Bà Michelle Musacchio tập môn chạy bộ không mang giày bất cứ lúc nào mà điều kiện cho phép. Bà bắt đầu thử chạy bộ không mang giày cách đây 9 tháng khi cố tìm một phương pháp thể dục giúp tránh chứng đau khớp xương.
Bà Musacchio cho biết truớc đó bà bị đau nhức ở xương hông và đầu gối, nhưng kể từ khi chạy bộ chân không, bà không còn bị các chứng đau nhức khớp xương như vậy nữa.
Chủ tịch Hội Chạy bộ Chân không, ông Ken Bob Saxton tin rằng nguyên nhân gây ra chứng đau nhức khớp xương một phần xuất phát từ những đôi giày.
Ông Saxton nói: "Giày cho phép chúng ta chạy qua những vũng sình bùn, chúng cho phép bàn chân của chúng ta bước mạnh vào những gò đất lồi trong lúc đầu gối duỗi thẳng, do vậy tất cả những chấn động đó truyền thẳng lên xương đầu gối, và rồi lên xương hông."
Ông Saxton đã tham gia 79 cuộc chạy marathon với đôi chân không mang giày. Ông kể rằng khi ông gặp những vật bén nhọn, chẳng hạn như mảnh chai trên đường chạy, thì ông bước tránh sang một bên, hoặc thậm chí bước thẳng lên chúng mà chẳng bị đứt chân.
Giáo sư Daniel Lieberman ở Đại học Harvard đã thực hiện một cuộc nghiên cứu để tìm hiểu việc những đôi giày đã làm thay đổi cách chạy của con người như thế nào. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, ông nói rằng từ 30 đến 70% số người chạy bộ có mang giày bị những chấn thương.
Giáo sư Lieberman nói: "Tại sao chúng ta đã không thể giảm bớt được tình trạng lan rộng của các chấn thương loại này? Lập luận của tôi là chúng ta tin tưởng quá nhiều vào công nghệ chế tạo ra những đôi giày, đặt tin tưởng quá nhiều vào kỹ thuật chỉnh hình, và vào những sản phẩm mà chúng ta có thể dễ dàng mua được. Trong khi điều cần phải lưu ý đến ở đây lại là những chuyển động trong bước chạy, hay đơn giản là cách chạy của chúng ta thế nào."
Giáo sư Leiberman thực hiện nghiên cứu trên những người tập môn chạy bộ, bao gồm từ các vận động viên của đội điền kinh trường Harvard, cho đến các vận động viên môn chạy ở châu Phi, những người không bao giờ mang giày để chạy. Ông nói các vận động viên chạy chân không xương khớp khỏe mạnh hơn.
Giáo sư Leiberman nói: "Các vận động viên chạy chân không thường có được thế đứng tốt hơn; xu hướng bước chạy của họ thường ngắn hơn; gót chân của họ có xu hướng không tiếp đất mạnh."
Theo Giáo sư Lieberman thì người chạy bộ chân không có xu hướng tiếp đất ở phần đầu của lòng bàn chân, trong khi phần lớn những người chạy bộ mang giày lại tiếp đất ở gót chân, từ đó tạo ra những tác hại dẫn truyền lên cơ thể.
Bác sĩ Robert Forster, chuyên khoa vật lý trị liệu về kỹ thuật chạy bộ, đã từng làm việc với các vận động viên huy chương vàng Olympic Jackie Joyner-Kersee và Florence Griffith Joyner. Ông nói chạy bộ không mang giày có thể tăng sức mạnh cho bàn chân, nhưng cũng có thể dẫn đến những chấn thương bàn chân.
Bác sĩ Forster nói: "Tôi xem chạy bộ chân không hiện nay như là một phong trào, và cách đó không thực sự cần thiết. Chúng ta không muốn thấy những chấn thương và thực tế có thể phòng tránh được chỉ vì lý do lớp đệm dưới đáy giày chưa đáp ứng đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật".
Bác sĩ Forster đã chữa trị nhiều chấn thương do chạy bộ không mang giày gây ra.
Ông nói: "Các chấn thương thường gặp như bị bầm dưới bàn chân, và nghiêm trọng hơn thì bị bong gân ngón chân, nghiêm trọng hơn nữa là gãy xương ngón chân."
Giáo sư Lieberman nói rằng nhiều người bị bị chấn thương vì chạy bộ chân không là vì họ gấp gáp muốn đạt được quá nhiều trong thời gian quá ngắn:
"Rõ ràng là một người từ nhỏ tới lớn chạy có giày rồi bổng nhiên tháo giày ra chạy chân không suốt 10 cây số thì họ tự gây chấn thương cho mình. Tôi bảo đảm 100% là họ sẽ bị chấn thương."
Giáo sư Lieberman khuyên rằng người chạy chân không phải tập luyện từ từ, để cho cơ thể có thời gian thích nghi.
Số người tập môn chạy bộ chọn cách chạy không mang giày, hay chạy chân không, đang ngày càng tăng. Nhiều người chạy bộ chân không cho biết chạy bộ không mang giày thực sự đã giúp giảm những chấn thương và giảm chứng đau khớp xương.