Sau các cuộc nghiên cứu kéo dài hai thập niên, hai chuyên gia chuyên nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em người Canada đã công bố một kết quả phân tích mới, trong đó cảnh báo rằng việc phạt trẻ em bằng cách đánh đòn hay tát trẻ sẽ để lại những nguy cơ nghiêm trọng về sự phát triển lâu dài của các em.
Trong kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Canada hồi tháng Giêng, các tác giả kết luận rằng những bằng chứng thu được cho thấy việc đánh đòn trẻ em có liên hệ tới mức độ hung hăng cao hơn ở trẻ.
Ngoài ra, những trẻ em bị đánh có thể sẽ cảm thấy mình bị coi thường và cảm giác tự trọng của các em có thể bị tổn thương. Những biện pháp khắc nghiệt để phạt trẻ còn có thể phản tác dụng vì nó có thể dẫn đến việc trẻ nói dối để tránh bị đánh hay bị phạt. Các tác giả còn lưu ý rằng về lâu dài việc đánh trẻ em còn liên hệ tới các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, và nghiện ngập rượu hay ma túy.
Nhận định về nghiên cứu này cũng như theo kinh nghiệm chuyên môn của mình, chuyên gia tâm lý Lê Khanh, người phụ trách Phòng khám Tâm lý Trẻ em và Gia đình tại TP. Hồ chí Minh nói:
“Thực ra việc đánh trẻ con dĩ nhiên sẽ có tác động tâm lý, nhưng nó còn tùy thuộc vào cái cách đánh cũng như thái độ của cha, mẹ khi đánh con và mức độ mà đứa trẻ cảm nhận được. Nếu đứa trẻ thường xuyên bị đánh và gây tổn thương về mặt thể xác thì sau này khi lớn lên sẽ có hậu quả ảnh hưởng tới tâm lý, nó có thể trở nên nhát hơn, hay hung hăng hơn, hoặc là tác động tới quan hệ ứng xử của trẻ sau này.”
Ở Mỹ việc cha, mẹ đánh đòn con cái đã giảm nhiều kể từ thập niên 1970, tuy nhiên vẫn rất nhiều bậc phụ huynh tin rằng đó là hình thức phạt con phù hợp, còn theo chuyên gia Lê Khanh, ở Việt Nam hiện nay lại có một xu hướng khác cũng đáng ngại:
“Bố mẹ bây giờ không dám đánh con cái và chiều chuộng con hơn nên khi mà đứa con hư hỏng hay cứng đầu thì không biết giải quyết ra sao. Trên nhiều diễn đàn, nhiều bố, mẹ than phiền rằng con cứng đầu, nhưng vì không dám đánh con nên không biết ứng xử với con như thế nào. Nhưng ngược lại tình trạng đánh con vẫn chiếm đa số vì bố mẹ có thể nói rằng là đó là biện pháp nhanh nhất và dễ dàng nhất đối với con.”
Đối với những bậc cha mẹ cho rằng đánh con là biện pháp nhanh nhất và dễ dàng nhất để dậy trẻ, đồng tác giả của nghiên cứu, chuyên gia tâm lý trẻ em Joan Durrant tại trường đại học Manitoba ở Canada cho rằng việc đánh đòn trẻ chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn nhưng có thể sẽ có nhiều tác động tiêu cực về lâu về dài đối với các em.
Nhiều bậc cha mẹ lại cho rằng chính vì trẻ hung hăng nên mới bị đánh chứ không phải vì đánh nên trẻ trở nên hung hăng, còn chuyên gia Lê Khanh thì nhận định rằng đó là cái vòng luẩn quẩn:
“Vì bị đánh nên đứa trẻ lì ra, cứng đầu hơn, khó nói hơn và khi nó khó nói hơn thì bố, mẹ lại tăng mức độ đánh, tức là mình nói đánh nhẹ thì nó không nghe nên phải đánh mạnh hơn, và khi đánh mạnh hơn thì có thể đến phiên bố, mẹ mất kiểm soát, thực sự nổi nóng và khi đó bố, mẹ đánh đứa trẻ một cách không kiểm soát được, cái đó mới là để lại hậu quả nghiêm trọng. Còn nếu trong chừng mực bố mẹ kiểm soát được cái việc đánh thì nó không ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ sau này tại vì đứa trẻ nó hiểu được rằng mình bị đánh vì lỗi gì đó hoặc sai lầm gì đó và bố mẹ đánh để điều chỉnh hành vi cho mình. Ngược lại, khi trẻ cứng đầu, bố mẹ đánh nó cãi lại, vùng vằng, bố mẹ đánh nhiều hơn nó lại càng vùng vằng, hoặc nó trơ và ỳ ra khiến bố mẹ điên tiết lên, và chính điều đó mới để lại cái hậu quả không tốt cho trẻ.”
Đánh trẻ không phải là lời khuyên mà các chuyên gia tâm lý dành cho các bậc cha mẹ, vậy khi trẻ hư thì cha mẹ nên làm gì thay vì đánh hay tát các em? Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia tâm lý Lê Khanh:
“Thứ nhất, mình có thể có những biện pháp trừng phạt khác, có thể là cách ly, hay phạt, không đáp ứng một sở thích của trẻ để trẻ có thể cảm thấy là mình bị kỷ luật để dần dần bé có thái độ tốt hơn. Còn ngược lại, trong một số trường hợp, nếu cần, theo quan điểm của tôi thì vẫn có thể đánh nhưng tùy theo tính tình của đứa trẻ. Đối với những đứa trẻ hiền lành và không dễ bị tổn thương về tâm lý thì khi mình đánh với lý do rõ ràng thì đứa trẻ chấp nhận được và không có ảnh hưởng về tâm lý, nhưng với những đứa trẻ lì đòn và dễ tổn thương thì bố, mẹ cố gắng kiềm chế và tìm cách khác.”
Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng các bậc cha mẹ nên bắt đầu đưa trẻ vào khuôn phép từ khi trẻ còn nhỏ. Trẻ phải học cách kiên nhẫn, học cách biết chia sẻ, cách kiểm soát cơn tức giận và cha mẹ nên giải thích cho các em tại sao lại phải tuân theo các qui định và cho các em biết rằng kể cả người lớn cũng có những qui định phải tuân thủ. Và nếu bạn muốn khuyến khích con ngoan thì hãy hay khen ngợi hay tặng phần thưởng cho các em khi chúng có hành vi hay thái độ tốt.
Một nghiên cứu mới được công bố gần đây trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Canada kết luận rằng việc đánh trẻ nhỏ để lại hậu quả tiêu cực lâu dài đối với sức khỏe tâm thần của các em. Dưới đây là chi tiết về nghiên cứu mới này cũng như lời khuyên của chuyên gia tâm lý đối với các bậc phụ huynh về cách ứng xử khi trẻ hư.
Đọc nhiều nhất
1
Ghế Quốc hội Liên bang địa hạt 45: Derek Trần lần đầu vượt phiếu Michelle Steel; kết quả cuối cùng chưa ngã ngũ
2Nga tiến hành một trong những cuộc tấn công dữ dội nhất vào cơ sở hạ tầng của Ukraine
3Chủ tịch Việt Nam chỉ trích ông Trump khi nói chiến tranh thương mại dẫn đến nghèo đói?
4Cuộc không kích của Israel tại Beirut giết chết người phát ngôn của Hezbollah
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!