Chỉ 3 phút sau khi có trận động đất hôm 11 tháng 3, Cục Khí Tượng Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo sóng thần.
Hệ thống cảnh báo của Nhật gồm hơn 4.000 máy đo địa chấn đặt rải rác khắp nước để theo dõi động đất.
Các máy này cung cấp thông tin trong vòng 2 phút có động đất, nhờ đó chỉ trong vòng vài phút các chuyên viên biết được sức mạnh và tâm của trận động đất nằm ở đâu.
Nhật Bản cũng có các bức tường bằng bê tông dọc theo bờ biển, nhưng các tường không chịu nổi với trận động đất và sóng thần đến cùng lúc.
Ông Costas Synolakis là chuyên viên về sóng thần tại trường đại học California ở Los Angeles.
Ông nói: “Nhật Bản là một trong những nước chuẩn bị sẵn sàng nhất thế giới về mặt cảnh báo sóng thần. Họ đã nhận được cảnh báo nhưng có điều họ không ngờ lần này dữ dội như vậy.”
Ông nói rằng có hai lý do. Trong vòng 150 năm qua, chưa lần nào Nhật Bản gặp trận thiên tai khủng khiếp như vậy, và các nhà khoa học của Nhật chưa từng trông đợi một trận động đất cỡ này xảy ra ở ngoài khơi.
Ngoài trận động đất quá mạnh, sóng thần ở nhiều nơi cao đến 13 mét. Trong khi đó ông Synolakis nói:
“Các bức tường bê tông ở vùng biển Nhật Bản không được thiết kế để chịu đựng một trận sóng thần lớn cỡ đó. Nhiều nơi tường chỉ cao 10 mét. Riêng tại thành phố Sendai, bị nặng nhất, chỉ có 3 mét. Điều đó cho thấy ở vùng này không ai nghĩ rằng sẽ có sóng thần mạnh như vậy.”
Sóng thần có thể có tốc độ lên đến 800 kilomet/giờ. Muốn thoát người ta phải chạy đến vùng đất cao hơn sóng thần và phải chạy thật nhanh và thật xa.
Một trận sóng thần có tốc độ cao không cho phép con người làm được như vậy. Nhất là động đất ở quá gần vùng biển và sóng thần xảy ra ngay sau đó.
Các chuyên viên nói rằng hệ thống cảnh báo sớm sủa sẽ tiếp tục gặp hạn chế trước các sự kiện bên trên, cho tới khi nào con người có thể tìm ra cách dự báo động đất và sóng thần ở khoảng thời gian vừa đủ.
Nhật Bản có một hệ thống cảnh báo thiên tai hiện đại hàng đầu thế giới nhưng tại sao vừa qua đành bó tay? Một chuyên viên Mỹ đưa ra nhận xét.