Nhiều thập niên chiến tranh đã khiến không thể khai thác hầu hết trữ lượng dầu hỏa của Sudan được biết là có thể lên tới sáu tỉ thùng.
Nhưng kể từ khi đạt được hòa ước sáu năm trước đây, Sudan đã trở thành nước xuất khẩu dầu hỏa lớn hàng thứ ba tại Châu Phi, sau Angola và Nigeria. Giờ đây khu vực này sản xuất gần nửa triệu thùng mỗi ngày.
Khi Nam Sudan trở thành một quốc gia độc lập vào ngày mùng 9 tháng 7 sắp tới thì nước này cũng sẽ trở thành một nước kém phát triển nhất tại Châu Phi, hậu quả của nhiều năm chiến tranh và tình trạng bị chính phủ Khartoum bỏ bê.
Bộ trưởng năng lượng Nam Sudan, ông Garang Diing Akuong, nói rằng, sẽ cần tới nguồn lợi dầu hỏa để xây dựng đường xá, trường học, và bệnh viện.
Ông nói: “Nhân dân nước tôi sẽ có nhiều kỳ vọng khi độc lập xảy ra trong tháng Bảy. Và chúng tôi muốn đáp ứng những kỳ vọng đó bằng việc cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ. Dầu hỏa sẽ được dùng làm động cơ thúc đẩy tăng trưởng của các khu vực khác trong nền kinh tế và việc đó sẽ chuyển đổi nền kinh tế miền Nam."
Ba phần tư các khu vực khai thác dầu khí nằm ở miền Nam Sudan nhưng các nhà máy lọc dầu và các đường ống dẫn dầu ra tới biển lại ở miền Bắc. Các cuộc đàm phán nhạy cảm đang diễn ra về phương cách phân chia tiền thâu nhập từ tài nguyên này.
Hiện đang có cuộc thảo luận về việc xây dựng một đường ống dẫn dầu từ miền Nam Sudan sang phía Đông tới một cảng của Kenya tại Lamu. Nhưng các chuyên gia nói rằng phải tìm thấy các trữ lượng dầu mới để có thể biện minh cho việc xây dựng đường ống dẫn dầu trị giá bốn tỷ đô la này.
Các tổ chức bảo vệ môi trường thì nói rằng hiện nay Công ty Dầu Hỏa Quốc Gia của Sudan và các đối tác của họ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia, không làm đủ để bảo vệ môi trường. Các tổ chức này nói rằng, nước ô nhiễm cặn dầu từ hoạt động bơm dầu trong các bể chứa không được che đậy kỹ và đang làm ô nhiễm các nguồn nước địa phương.
Các nhà lãnh đạo Nam Sudan nói rằng, họ ý thức được lời tố cáo này nhưng không đủ tài nguyên và thiếu thiết bị để theo dõi ngành công nghiệp này. Họ muốn các công ty dầu Phương Tây được theo dõi bởi các tổ chức bảo vệ môi trường tham gia công cuộc này. Nhưng các công ty dầu Phương Tây hiện chưa thể đầu tư tại Sudan vì các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với chính phủ Khartoum.
Các chính phủ Phương Tây nói rằng họ sẽ gỡ bỏ các biện pháp chế tài nếu sự li khai của miền Nam Sudan được tiến hành một cách êm thắm. Nhưng Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ, Barrie Walkley, cảnh báo rằng việc này cần có thời gian.
Ông nói: “Không có một luật lệ duy nhất quy định các biện pháp chế tài. Có rất nhiều quy định khác nhau tại nhiều khu vực khác nhau. Và từng luật lệ một phải được bãi bỏ để các biện pháp chế tài được bãi bỏ toàn bộ.”
Ông cảnh báo rằng, tới một ngày kia dầu hỏa sẽ cạn và đưa ra khuyến cáo là giờ đây nên đầu tư vào các khu vực khác nữa.
Bộ trưởng Năng lượng Akuong đồng ý như vậy nhưng nói rằng, sự phát triển những khu vực khác như nông nghiệp và thương mại sẽ cần có thời gian. Ông nói rằng, miền Nam Sudan cũng có các khoáng sản khác như vàng, đồng và quặng sắt.
Ông cho biết: “Vùng này có nhiều khoáng sản. Chúng tôi sẽ khảo sát khu vực này trong tương lai gần để xem xét các mỏ khoáng sản có trong vùng. Và rồi chúng tôi sẽ mời các nhà đầu tư tới khu vực này."
Ông nói rằng, chính phủ của ông muốn các nhà đầu tư từ Châu Phi, Châu Âu và Châu Mỹ tham gia.
Nhưng ông thừa nhận rằng dầu hỏa chắc sẽ đóng vai trò chủ chốt của nền kinh tế Nam Sudan trong nhiều năm sắp tới.
Trong khi Nam Sudan chuẩn bị tuyên bố độc lập sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Giêng, các nhà lãnh đạo của họ trông chờ nguồn lợi dầu hỏa để tài trợ cho việc tái thiết đất nước và khởi động tăng trưởng kinh tế. Nhưng sự kiện nguồn lợi này tài trợ cho 95% ngân sách của chính phủ và phải được chia cho miền Bắc Sudan đã gây ra tình trạng khó khăn.