Hai trong số những con sông mang tính biểu tượng nhất của Ấn Độ, được gần một tỉ người Hindu ở nước này coi là thiêng liêng, đã được công nhận là thực thể sống để khỏi bị tổn hại hơn nữa do nạn ô nhiễm tràn lan.
Tòa Thượng thẩm bang Uttarakhand ở miền bắc đầu tuần này phán quyết rằng sông Hằng và sông Yamuna được công nhận như các thực thể sống, nghĩa là nếu ai gây hại hoặc làm ô nhiễm cả hai dòng sông này, theo luật, cũng không khác gì làm hại một con người.
Tòa còn chỉ định 3 giới chức làm người giám hộ pháp lý chịu trách nhiệm bảo tồn và bảo vệ hai con sông vừa kể.
Các thẩm phán dẫn dụ điển hình từ con sông Whanganui của New Zealand được người Maori bản địa tôn kính. Tuần trước, sông Whanganui được chính phủ New Zealand tuyên bố là một thực thể sống với đầy đủ quyền hợp pháp.
Vụ việc được đưa ra tòa sau khi các quan chức phàn nàn rằng các chính phủ bang Uttarakhand và bang Uttar Pradesh lân cận không chịu hợp tác với nỗ lực của chính phủ liên bang để thiết lập một ban bảo vệ sông Hằng.
Các nhà hoạt động môi trường nói rằng nhiều dòng sông khắp Ấn Độ đã trở nên dơ bẩn hơn khi nền kinh tế của đất nước này phát triển, với nước thải của thành phố, thuốc trừ sâu nông nghiệp và nước thải công nghiệp tự do chảy vào những thủy lộ mặc dù đã có luật chống ô nhiễm môi trường.
Giới hữu trách nói rằng Yamuna, một trong những nhánh chính của sông Hằng, bị vấy bẩn vì nước thải và ô nhiễm công nghiệp. Ở một số nơi, nước tù đọng đến mức cá hay các sinh vật khác không sống nổi.