Trong lúc sắp sửa kết thúc chuyến viếng thăm 3 ngày để thúc đẩy việc phê chuẩn hiệp định thương mại với Nam Triều Tiên, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gary Locke nói với báo chí rằng hiệp định này sẽ giúp gia tăng đáng kể hoạt động thương mại của cả hai nước.
Tuy nhiên các nhà lập pháp ở Washington và Seoul vẫn chưa phê chuẩn hiệp định này.
Ông Locke cho hay cả hai chính phủ đều muốn việc phê chuẩn được hoàn tất trước ngày 1 tháng 7, khi hiệp định thương mại tự do giữa Nam Triều Tiên với Liên hiệp Âu châu bắt đầu có hiệu lực:
Ông nói: "Điều đó tạo thêm sự khích lệ để chúng tôi hành động càng nhanh càng tốt, ngõ hầu chúng tôi không có một khoảng trống kéo dài giữa ngày 1 tháng 7 với lúc mà thuế suất đánh vào các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ hoặc được hủy bỏ hoặc được hạ thấp, bởi vì chúng tôi không muốn có một thời gian dài trong đó các sản phẩm của Liên hiệp Âu châu có một ưu thế lớn đối với các loại hàng hóa của Mỹ."
Tháng 12 vừa qua, Seoul và Washington đã đồng ý với nhau về những sự thay đổi trong hiệp định, để sửa đổi thỏa thuận nguyên thủy đạt được vào năm 2007. Đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất đối với Hoa Kỳ kể từ khi ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ với Mexico và Canada năm 1993.
Thỏa thuận đã được sửa đổi cho phép Hoa Kỳ có được 5 năm để giảm dần thuế suất 2,5% đánh vào xe hơi chế tạo ở Nam Triều Tiên.
Tuy nhiên, vấn đề về thịt bò không được mang ra thương lượng. Các nhà thương thuyết Nam Triều Tiên đã bác bỏ yêu cầu của Hoa Kỳ đòi giảm bớt sự hạn chế đối với thịt bò của Mỹ.
Ba năm trước, vì mối lo ngại về bệnh bò dại, hàng vạn Nam Triều Tiên đã biểu tình chống đối kế hoạch của chính phủ nhằm cho phép thịt bò Mỹ được nhập khẩu. Những vụ biểu tình đó khiến cho vấn đề này trở nên quá nhạy cảm về mặt chính trị nên không được bao gồm trong hiệp định thương mại.
Tuy Nam Triều Tiên sẽ tiếp tục cấm nhập khẩu thịt bò của những con bò nhiều tuổi hơn, vì mối quan tâm về bệnh bò dại, Bộ trưởng Gary Locke nêu lên sự kiện là hiệp định này qui định việc giảm dần thuế suất 40% mà Seoul đang áp dụng đối với thị bò Mỹ.
Thịt bò Mỹ xuất khẩu sang Nam Triều Tiên đã giảm mạnh sau khi một con bò ở Mỹ bị phát giác có chứng bệnh nguy hiểm này hồi năm 2003. Cho tới nay giới hữu trách không phát giác một ca bệnh nào khác.
Bộ trưởng Locke nói rằng tuy có hạn chế như vậy và có sự cạnh tranh ráo riết của thịt bò Úc, số thịt bò Mỹ bán sang Nam Triều Tiên đã tăng gấp đôi trong năm ngoái.
Những người ủng hộ ở Mỹ dự báo là thỏa thuận này sẽ giúp cho kim ngạch xuất khẩu sang Nam Triều Tiên gia tăng 11 tỉ đô la mỗi năm và hỗ trợ cho 70.000 công ăn việc làm.
Tuy nhiên, những người chống đối nói rằng hiệp định này sẽ đưa thêm công ăn việc làm ở Mỹ ra nước ngoài và làm gia tăng khoản thâm hụt mậu dịch.
Họ cho biết tuy hiệp định này sẽ loại bỏ hoặc giảm thiểu hầu hết các khoản thuế nhập khẩu, nhưng chính phủ ở Seoul vẫn có thể sử dụng những phương pháp khác, như áp dụng thuế giá trị gia tăng chẳng hạn, để làm cho hàng hóa của Mỹ bị thua thiệt trên thị trường Nam Triều Tiên.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn hàng thứ nhì của Nam Triều Tiên và là nguồn nhập khẩu lớn hàng thứ ba.
Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ nói rằng các nhà lập pháp ở Washington và Seoul nên nhanh chóng phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do trong lúc Nam Triều Tiên chuẩn bị thực thi một thỏa thuận tương tự với Liên hiệp Âu châu.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1