Các cuộc nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy phụ nữ trên khắp thế giới đang đẻ ít đi. Chuyên viên Ben Veghte của Viện Nghiên cứu Bảo hiểm Xã hội nói rằng với số trẻ chào đời ngày càng ít đi, cộng với suy thoái kinh tế, quyền lợi của người già có thể lâm nguy:
“Nhiều vị cao niên lo lắng rồi đây trợ cấp xã hội sẽ giảm đi, họ không đủ thu nhập để sống qua ngày.”
Tại Hoa Kỳ, chính quyền trích một ít tiền lương của những người đi làm để sau này cung cấp những quyền lợi cho thành phần này khi họ về hưu. Có nghĩa là người đang đi làm đóng tiền để nuôi những người về hưu.
Nhưng trước tình hình thế hệ “baby boomer”, những người sinh sau Thế chiến thứ Hai, đang bước vào tuổi về hưu; chẳng mấy lúc có thể xảy ra tình trạng người nghỉ hưu đông hơn người đang tuổi lao động. Ông Michael Astrue, Giám đốc cơ quan An Sinh Xã Hội Hoa Kỳ báo cáo sẽ có vấn đề trước năm 2037:
“Nếu Quốc hội chẳng có hành động gì, cơ quan chúng tôi chỉ có thể chi trả khoảng 78% mức phúc lợi xã hội hiện nay.”
Giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng quan tâm về phúc lợi về hưu trong tương lai; nhất là Trung Quốc có chính sách chỉ sinh Một con, hệ số giữa người nhận quyền lợi và người đang lao động ngày càng xấu đi, có thể nói là kinh hoàng. Đó là vấn đề mà Trung Quốc sẽ phải đối phó.
Suy thoái kinh tế toàn cầu càng làm vấn đề này tệ hại hơn, như lời chuyên viên Veghte:
“Tại hầu hết các nước châu Âu, ví dụ như Hy Lạp, hưu bổng lấy tiền từ các nguồn thu chính của nhà nước, có nghĩa là hệ thống nghỉ hưu có thể bị thâm hụt. Thâm hụt xảy ra hầu như mỗi năm vì họ không có nguồn thu chuyên biệt dành cho hưu bổng. Do đó, khi gặp suy thoái, chẳng những chính quyền phải thỏa mãn những đòi hỏi của ngân sách mà còn phải thỏa mãn những đòi hỏi của hệ thống phúc lợi cho người về hưu.”
Ngoài chuyện cắt giảm hưu bổng, một số nước châu Âu và Hoa Kỳ đang xét đến chuyện nâng tuổi về hưu hoặc đánh thêm thuế. Chuyên viên Veghte nói còn một giải pháp khác nữa:
“Đó là di dân. Nếu chúng ta có thể tăng số công nhân để cải tiến hệ số giữa người về hưu và người đi làm thì hệ thống cung cấp hưu bổng có thể kéo dài hơn.”
Các nhà làm luật khắp thế giới sẽ có những lựa chọn táo bạo, đôi khi không được lòng dân, để thế hệ hiện nay và sắp tới sẽ được cung ứng những gì họ cần khi họ về hưu.
Trước sự kiện số trẻ chào đời không còn nhiều như trước, nhiều người lo ngại khi họ đến tuổi nghỉ hưu, chính phủ sẽ không còn đủ tiền để cung cấp cho họ những quyền lợi về an sinh xã hội giống như trước đây. Tình hình kinh tế suy yếu trong thời gian qua càng làm nỗi lo âu này tăng thêm.