Đường dẫn truy cập

Số phận bộ phim lớn về Thăng Long: Họ bắt đầu biết sợ dân?


Heavily-painted small buses, Islamabad, Pakistan, July 10, 2012. (S. Gul/VOA)
Heavily-painted small buses, Islamabad, Pakistan, July 10, 2012. (S. Gul/VOA)

Ngày 25 và 26-9-2010, Hội đồng duyệt phim do Bộ Văn hóa - Thể dục thể thao - Du lịch triệu tập đã họp để thẩm định về bộ phim dã sử lớn «Đường tới thành Thăng Long».

Cuối tháng 8, trong cuộc họp lần thứ nhất của Hội đồng đã có quyết định giao cho Xưởng phim Trường Thành sửa chữa gấp bộ phim 19 tập này về 4 mặt: đối thoại nhiều chỗ chưa được chỉnh, một số chi tiết không phù hợp với lịch sử, cảnh trí quá xa lạ với Việt Nam, quá nhiều quần chúng Trung Hoa.

Tại cuộc họp lần thứ hai của Hội đồng được mở rộng này, bộ phim được chiếu sau khi đã sửa chữa gấp, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đi đến kết luận sau đây:

-bộ phim đã được sửa quá gấp gáp, do đó việc sửa chữa không đạt yêu cầu, vẫn còn nhiều đoạn hình và tiếng không ăn khớp, còn quá nhiều cảnh trí rất xa lạ với Việt Nam, một số chi tiết lịch sử sai lạc với thực tế, còn nhiều cảnh có quá nhiều quần chúng Trung Quốc!

-đã cận ngày, bộ phim không thể sửa chữa kịp nữa, mà nếu để như hiện nay thì chắc chắn sẽ bị quần chúng bình thường phản ứng dữ dội nên Hội đồng duyệt phim mở rộng kiến nghị: không phát sóng bộ phim này vào dịp Đạl lễ Ngàn năm Thăng Long.

Thế là rõ. Các quan chức trong Bộ Văn hóa - Thể dục thể thao – Du lịch đã buộc phải lùi bước, để tránh một thất bại nặng nề hơn nữa về chính trị đã cầm chắc. Họ không thể bịt tai nhắm mắt trước những ý kiến rõ ràng, mạnh mẽ của đông đảo trí thức, văn nghệ sỹ, cán bộ đảng viên và nhân dân về một bộ phim lai căng, lạc lõng, khi «Lý Công Uẩn bị bắt cóc sang Tàu», khi ngành điện ảnh dân tộc Việt Nam hèn kém đến mức không làm nổi một bộ phim dã sử, phải «bán mình cho quỷ dữ», chịu cảnh «gửi trứng cho ác», làm cho «cái đinh vàng của đại lễ thành chiếc đinh rỉ» …

Đã có thêm nhiều tiết lộ động trời về bộ phim này. Đó là Tổng đạo diễn và tổng biên tập kịch bản người Trung quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử, nhất là xoá bỏ hẳn 2 trận Chi Lăng và Bạch Đằng có ghi rõ trong kịch bản của phía ta đưa cho họ, và trong bộ phim lại nói rằng quân nhà Tống đã tự ý rút lui (!) mà không bị ai đánh hết! Không có trận nào là Chi Lăng, hay Bạch Đằng!

Thêm nữa, trong 19 tập chỉ có 2 tập là nói đến việc dời đô, còn hầu hết là tả cảnh ám hại, sát phạt nhau trong triều đình, tranh dành quyền bính, chém giết nhau rất tàn ác, đầy mưu ma chước quỷ, rất giật gân, hơn cả xã hội đen kiểu mafia ngày nay. Đây là một kiểu câu khách rẻ tiền, bôi bác và kích thích thú tính, cố tình bôi xấu một thời kỳ lịch sử của cha ông ta.

Thế là tiết mục văn học nghệ thuật then chốt nhất chuẩn bị suốt 8 năm ròng, chi phí hơn 2 triệu đôla, tuyên truyền quảng cáo ầm ỹ bỗng chốc chui vào sọt rác, trở thành độc hại, đang gây ô nhiễm xu uế nặng nề bầu không khí thiêng liêng kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long.

Đây mới là đề nghị «không phát sóng bộ phim này trong dịp Đại lễ». Số phận nó rồi sẽ ra sao đây? Có tiếp tục sửa chữa, chắp vá nữa không. Đã có ý kiến rằng nếu muốn bỏ đi những gì mang đậm bản chất Trung Hoa thì chỉ có xóa bỏ đi, làm lại từ đầu, trên đất ta, với đạo diễn, diễn viên ta, quần chúng ta, đền chùa ta, tâm hồn ta, ý chí tự chủ ta.

Vẫn chưa hết. Trách nhiệm vụ đổ bể quá lớn này là thuộc về ai? Bộ Văn hóa ? Ban Tuyên huấn trung ương đảng? Bộ chính trị? Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, trưởng Ban Tổ chức của Đại lễ? Thủ tướng? và Quốc hội? Dù sao họ đã bắt đầu biết sợ công luận, sợ dân.

Xin các vị kể trên nếu còn có lương tâm, hãy suy ngẫm cho thật kỹ về trách nhiệm của cá nhân mình, và hãy thắp một nén hương tạ lỗi với Người Xưa, xin lỗi với mai sau. Còn với nhân dân?

Cần đè phòng phía Trung Quốc tự ý phát chui bộ phim này ra khắp thế giới. Họ ma quái lắm.

Chẳng lẽ để rút kinh nghiệm cho hậu thế, cho Đại lễ kỷ niệm Hai Ngàn năm Thăng long ư!

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG