Báo chí Việt Nam trong các ngày 10 và 11 tháng 2 trích dẫn các con số chính thức của các Bộ Y tế và Công an cho hay trong 3 ngày Tết số người phải cấp cứu vì tai nạn giao thông là 17.000, vì đánh nhau là 2.000 và vì ngộ độc thức ăn hoặc say rượu là 2.000. Bộ Y tế nói tổng số người vào viện khám cấp cứu trên cả nước là gần 90.000 ca.
Riêng về tai nạn giao thông, các con số của Bộ Công an và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy từ ngày 29 Tết đến hết ngày 3 Tết có 101 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn.
Điều đáng chú ý là vào ngày mùng 3 Tết (tức 10 tháng 2), số vụ tai nạn tăng mạnh so với các ngày 29 và mùng 1 Tết, với 57 vụ tai nạn, làm chết 37 người, 65 người bị thương.
Nếu không tính ngày mùng 3 Tết, Ủy ban An toàn giao thông cho biết, trong 3 ngày từ 29 Tết đến mùng 2 Tết, tai nạn giao thông lại giảm mạnh so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2015. Cụ thể, số vụ giảm từ 182 xuống 104, và giảm từ 107 người chết xuống 64.
Về nguyên nhân, báo chí Việt Nam dựa vào báo cáo và số liệu của Bộ Y tế đưa ra nhận định rằng nhiều tai nạn giao thông xảy ra do vào dịp Tết cổ truyền người dân sử dụng rượu bia nhiều.
Theo Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, tại một số tỉnh và thành phố, trong đó có Hà Nội, Thanh Hoá, TP. HCM, tình trạng người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3, chở 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ vẫn diễn ra. Thậm chí, nhiều cha mẹ chở con trên đường không đội mũ bảo hiểm cho con. Những trường hợp lái xe ra đường sau khi uống rượu bia diễn ra khá phổ biến tại nông thôn.
Tại thủ đô Hà Nội, trang tin tức Dân Trí nhận xét “trong những ngày Tết, luật giao thông đường bộ dường như có cũng như không”. Một phóng sự ảnh với hơn 30 bức ảnh của trang tin cho thấy người dân thản nhiên đi 3 đến 4 người trên 1 xe máy, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, dàn hàng ngang, vừa lái xe vừa nhắn tin, gọi điện thoại, thậm chí thản nhiên vi phạm luật kể cả nhìn thấy Cảnh sát Giao thông ở các ngã 3 ngã tư.
Lạm dụng rượu bia trong những ngày Tết không chỉ dẫn đến nhiều tai nạn giao thông mà cũng là nguyên nhân trực tiếp của nạn đánh nhau trong một số ngày gần đây, báo chí Việt Nam cho hay, trích dẫn thông tin của Bộ Y tế. Bộ này cho biết 3 ngày Tết có gần 2.000 ca khám, cấp cứu do đánh nhau khiến 10 người tử vong. Bộ so sánh rằng tổng số ca cấp cứu giảm đến 83% so với 3 ngày Tết năm ngoái nhưng số người tử vong lại tăng lên. Năm 2015, cả nước có 4 trường hợp tử vong trong các vụ đánh nhau.
Ngoài những người tới bệnh viện do tai nạn và đánh nhau, gần 2.000 người khác phải cấp cứu mà một phần trong số đó cũng do say rượu, số còn lại do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, thông tin của Bộ Y tế cho hay. Họ cũng nói chưa có báo cáo về vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt nào.
Theo Thanh Nien, Suckhoedoisong, Dan Tri, Nguoi Lao dong.