Đường dẫn truy cập

Sinh viên Việt tại ĐH Bách khoa Hong Kong ‘chưa biết bao giờ quay trở lại’


Một sinh viên Hong Kong bị cảnh sát bắt hôm 18/11.
Một sinh viên Hong Kong bị cảnh sát bắt hôm 18/11.

Sinh viên Việt Nam tại Đại học Bách khoa Hong Kong, tâm điểm của cuộc đối đầu bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình hôm 17/11, quyết định về nước, nhưng “chưa biết bao giờ quay trở lại”.

Chị Hoàng Thị Xuân Hương, nghiên cứu sinh ngành điều dưỡng, cho VOA tiếng Việt biết rằng “từ cuối tuần trước, nhà trường đã gửi thư sơ tán khẩn cấp toàn bộ sinh viên, giáo viên trong trường”, và rằng việc nghiên cứu của chị “không bị gián đoạn” do “có thể tiến hành tại nhà”.

... do trường bị phá, khu văn phòng của em là nơi các bạn sinh viên chọn làm điểm chiến đấu với cảnh sát nên hiện tại em quyết định về Việt Nam một thời gian. Cũng chưa biết bao giờ mới quay trở lại Hong Kong.
Chị Xuân Hương nói.


“Tuy nhiên, do trường bị phá, khu văn phòng của em là nơi các bạn sinh viên chọn làm điểm chiến đấu với cảnh sát nên hiện tại em quyết định về Việt Nam một thời gian. Cũng chưa biết bao giờ mới quay trở lại Hong Kong”, chị Hương nói, và cho biết thêm rằng “tại một số trường ít bị phá hoại thì các bạn sinh viên đã quay trở lại học tập”.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết rằng hôm nay, 20/11, vẫn còn khoảng 100 người biểu tình kẹt lại ở Đại học Bách khoa Hong Kong, trong vòng vây của cảnh sát chống bạo loạn, sau khi hơn 1.000 người đã bị bắt giữ kể từ hôm 18/11.

Tin cho hay, một số đã tìm cách thoái lui qua cống thoát nước thải nhưng không thành công vì bị chính quyền chặn lại.

Một người biểu tình tìm cách thoái lui qua đường ống thoát nước thải.
Một người biểu tình tìm cách thoái lui qua đường ống thoát nước thải.

Chị Hương cho biết rằng tính cả chị, “có ba người Việt Nam đang theo học” tại Đại học Bách khoa Hong Kong. “Hai người là nghiên cứu sinh và một bạn là sinh viên năm thứ hai. Hai bạn sinh viên kia đã về nước từ ngay hôm có biểu tình đập phá tại trường”, chị cho biết.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 18/11 thông báo đã “hỗ trợ theo yêu cầu 40 sinh viên Việt Nam đang theo học đại học, thạc sỹ và tiến sỹ ở Hong Kong về nước an toàn”. “Hiện còn 10 sinh viên Việt Nam và một số giáo viên, giảng viên đang ở tại các khu vực an toàn”, theo thông báo trên Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự.

Hiện còn 10 sinh viên Việt Nam và một số giáo viên, giảng viên đang ở tại các khu vực an toàn.
Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo.


Công dân Việt Nam cũng được khuyến cáo “cần thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại, hạn chế đến các khu vực tụ tập đông người để tránh xảy ra những rủi ro đáng tiếc” khi tới Hong Kong.

Mấy ngày qua, cuộc đối đầu giữa người biểu tình và cảnh sát ở Đại học Bách khoa Hong Kong đã thu hút sự quan tâm của người Việt và đã trở thành một trong các tin tức được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Google.

Bình luận hôm 20/11, Facebooker Trương Huy San viết: “Tối hôm kia, khi cảnh sát vây ráp sinh viên căng thẳng nhất ở trường Bách khoa Hong Kong, đang định hỏi, tại sao Bắc Kinh hung hãn như thế mà Nhà Trắng không phát ngôn gì, thì đài Mỹ đưa tin, Nhà Trắng cho rằng, "Đàm phán tiến triển tốt vì phía Trung Quốc rất xây dựng"; Trung Quốc cũng nói, "Phía Mỹ rất xây dựng".

Người được nhiều cư dân mạng biết tới với tên gọi Osin Huy Đức viết thêm: “'Giờ mới đọc được bài viết của tờ The Guardian, cho biết, Trump "hứa với Tập là sẽ không nhắc gì tới Hong Kong chừng nào đàm phán mậu dịch chưa xong". Tự nhiên cảm thấy cay đắng. Sự vĩ đại của nước Mỹ là bảo vệ được các giá trị phổ quát trên nền tảng tự do chứ sự vĩ đại của nước Mỹ đâu chỉ nằm ở "cán cân thương mại”.

Một sinh viên bị cảnh sát bắt hôm 18/11 khi tìm cách rời Đại học Bách khoa Hong Kong.
Một sinh viên bị cảnh sát bắt hôm 18/11 khi tìm cách rời Đại học Bách khoa Hong Kong.

Trên trang Facebook cá nhân, chị Hoàng Thị Xuân Hương dẫn lại bài viết của một người tên Nguyễn Hồng Quý cũng học ở Hong Kong, trong đó có đoạn: “‘Chuyện của người Hong Kong, để cho người Hong Kong giải quyết’ – sư huynh của mình đã nói với mình như vậy, và mình thấy nó hoàn toàn có lý”.

Không thể phủ nhận biểu tình Hong Kong mang đến rất nhiều bất tiện và lo âu cho chúng mình, nhưng bản thân mình cho rằng, mình đã lựa chọn đến Hong Kong, thì lúc nó phồn vinh rực rỡ, hay lúc nó bi thương bất ổn, thì mình đều phải chấp nhận.
Chị Nguyễn Hồng Quý viết.


“Không thể phủ nhận biểu tình Hong Kong mang đến rất nhiều bất tiện và lo âu cho chúng mình, nhưng bản thân mình cho rằng, mình đã lựa chọn đến Hong Kong, thì lúc nó phồn vinh rực rỡ, hay lúc nó bi thương bất ổn, thì mình đều phải chấp nhận”, chị Quý viết.

Trong một diễn biến liên quan tới căng thẳng ở Hong Kong, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/11 cho biết đã triệu tập một nhà ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, sau khi Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong.

Phát ngôn viên Cảnh Sảng nói rằng dự luật này “phớt lờ sự thật, áp dụng tiêu chuẩn kép và can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Hong Kong cũng như Trung Quốc”. “Trung Quốc lên án và hoàn toàn bác bỏ việc này”, ông Cảnh nói.


VOA Express

XS
SM
MD
LG