Cũng như nhiều phụ nữ khác, chị Ngọc Lan luôn mong ước được làm mẹ, nhưng mải mê học hành, rồi lại cống hiến cho công việc, nên ngoảnh đi, ngoảnh lại chị đã bước sang tuổi 36. Khi thời gian thực hiện thiên chức đó không còn nhiều, cùng với cái khát khao được làm mẹ thôi thúc, cũng là lúc chị quyết định làm một bà mẹ đơn thân:
“Mình cũng là một phụ nữ, mình rất thích có con, và mình thấy rằng là mình đã đủ chín chắn và đủ khả năng kinh tế để nuôi em bé, nên mình quyết định sinh em bé một mình.”
Chị Lan, ở Hà Nội, một phụ nữ đã từng đi du học ở nước ngoài, là một trong số ngày càng nhiều cô gái thành đạt trong công việc, độc lập về kinh tế quyết định sinh con và nuôi con một mình. Mỗi người trong số họ đều có những lý do riêng để đi đến quyết định đó. Nhiều người cho biết họ không muốn kết hôn vì sợ rơi vào bi kịch gia đình khi lấy phải người chồng nhậu nhẹt, trăng hoa, hay vũ phu v..v.
Nếu nhiều năm trước, trường hợp tự nguyện làm mẹ đơn thân rất hiếm, thì giờ đây xu hướng làm mẹ đơn thân như họ không còn xa lạ với người Việt Nam theo như nhận xét của Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam. Ông nói tiếp:
“Chúng tôi cho rằng xu hướng này diễn ra chủ yếu ở khu vực đô thị nhiều hơn là khu vực nông thôn. Ở nông thôn, hầu như các trường hợp bất khả kháng nhiều hơn, hoặc người phụ nữ không có cơ may lập gia đình thì người phụ nữ mới thực hiện cái quyền làm mẹ. Bây giờ cách nhìn nhận của xã hội cũng cởi mở hơn, không chỉ trên bình diện quyền, trên bình diện pháp luật, mà sự thừa nhận của xã hội cũng đã có sự đổi khác.
Sự kỳ thị của xã hội rằng người đàn bà không có chồng mà có con, người đàn bà không có chồng dường như ở thế yếu, không chỉ đáng nhận sự chia sẻ cảm thông, mà còn thậm chí là lòng trắc ẩn, ban ơn chẳng hạn, thì ngày nay đã không còn trong xã hội Việt Nam nữa.”
Mặc dù vậy, theo tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, xã hội Việt Nam vẫn giữ quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” và người đàn ông vẫn được coi là trụ cột chính trong gia đình, người phụ nữ cho dù mạnh mẽ đến đâu thì vẫn cần một bờ vai để nương tựa. Vì vậy, những người phụ nữ quyết định làm mẹ đơn thân không tránh khỏi nhiều khó khăn:
“Thiếu vắng khí chất của người nam giới trong gia đình thì tôi dám chắc là chuyện giáo dục, kèm cặp con cái, xã hội hóa nó để phát triển đúng như mình mong đợi là điều khó khăn, con cái cũng có thể chịu những thiếu hụt trong tính cách. Sự mạnh mẽ, tự tin, quyết đoán, hay phong cách nam tính thì thường người phụ nữ phải viện dẫn, phải nhờ cậy ở đâu đó để lấp vào chỗ trống trong quá trình rèn luyện, giáo dưỡng đứa con để nó không bị thua chị, kém em.”
Đó cũng chính là nỗi trăn trở của chị Lan sau khi đã sinh con:
“Bé nhà mình là bé trai, dù sao mình cũng là phụ nữ, mình không hiểu được hết tâm tư, tình cảm của con trai. Vì vậy, làm sao để hiểu và nuôi dậy bé cũng là điều lo lắng của mình. Hơn nữa, hệ thống an sinh xã hội của mình chưa được tốt nên nhiều lúc mình lo lắng là nếu xảy ra điều gì bất trắc với mình thì ai sẽ nuôi bé? Vì nếu gia đình có cả cha, mẹ mà có chuyện gì xảy ra với một người thì bé vẫn còn người kia để chăm sóc. Điều đó đôi khi cũng khiến mình sợ hãi.”
Hiện nay, xu hướng phát triển của xã hội Việt Nam ngày càng cao tất yếu sẽ dẫn đến những nhu cầu cao về chăm sóc sức khỏe, giáo dục và giải trí cho trẻ em, và với những người mẹ đơn thân thì họ sẽ phải một mình cáng đáng hết những chi phí này mà không có người chồng để chia sẻ. Hơn nữa, sự chênh lệch về thu nhập so với nam giới cũng sẽ vẫn là một khó khăn đáng kể cho nhiều người phụ nữ nuôi con một mình.
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nói: “Cho dù là người phụ nữ đã cải thiện được vị thế trong xã hội nói chung, nhưng tương quan từ trước tới nay là phụ nữ vẫn bị kỳ thị trong vấn đề lương bổng. Cùng một ngạch bậc công việc, nhất là khu vực nhà nước, thì có thể người phụ nữ thu nhập tuyệt đối vẫn thấp hơn nam giới. Tất cả những điều đó đặt phụ nữ vào một thế khó. Nuôi con một mình là phải quày quả, phải gồng gánh và cố gắng rất nhiều. Tất nhiên, cũng có những người tự tin, vượt qua được và thành công, nhưng con số đó không phải là nhiều so với những người phải vất vả, khó khăn và đơn côi trong việc tổ chức gia đình. Như vậy cái khó khăn nó diễn ra trên tất cả mọi lĩnh vực kể cả tình cảm đến kinh tế và sự toàn bích trong ánh sáng, màu sắc và không khí của một gia đình.”
Chuyện làm mẹ đơn thân không còn là điều mới mẻ ở Việt Nam, nhưng trên các diễn đàn tâm sự, đề tài này vẫn đang thu hút nhiều sự chú ý với những ý kiến trái ngược nhau. Nhiều người ủng hộ cho rằng họ dũng cảm và đó là quyền của người phụ nữ, nhưng cũng vẫn có nhiều người phản đối quyết định này của các chị em.
Được làm mẹ là hạnh phúc vô cùng lớn lao của người phụ nữ, nhưng làm mẹ chắc chắn không phải là điều dễ dàng, và làm mẹ đơn thân lại càng khó khăn hơn. Mặc dù vậy, nhiều phụ nữ Việt Nam ngày nay vẫn quyết định nuôi con một mình. Vậy họ gặp phải khó khăn gì khi quyết định làm mẹ đơn thân, và xã hội Việt Nam nhìn nhận vấn đề này ra sao? Mời quí vị tìm hiểu thêm chi tiết trong Câu chuyện Phụ nữ kỳ này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1