178 quốc gia xuất hiện trong bản phúc trình thường niên lần thứ 15 ‘Tình trạng các bà mẹ thế giới’ của tổ chức 'Save the Children' được xếp hạng theo thứ tự từ những nơi tốt nhất trên thế giới đến những nơi khó khăn nhất cho các bà mẹ. Riêng tại khu vực châu Á, đại diện của tổ chức Save the Children, bà Kathryn Bolles, Giám đốc cấp cao Y tế và Dinh dưỡng, cho biết Singapore là nơi tốt nhất cho các bà mẹ. Ngay cả ở bảng xếp hạng chung, Singapore cũng có thứ hạng cao, 15/178. Trong khi đó những nước xếp cuối bảng ở khu vực châu Á là Papua New Guinea, Pakistan, Myanmar (Miến Điện) , và Bắc Triều Tiên. Không chỉ có sự khác biệt giữa các quốc gia, ngay cả bên trong các nước cũng có một sự chênh lệch đáng kể, theo lời bà Bolles:
“Một điều quan trọng chúng ta cũng cần phải công nhận là có những sự chênh lệch ngay bên trong những quốc gia này. Ví dụ khi nhìn vào một nước như Ấn Độ, chúng ta thấy có một số khu vực đạt thành tích rất tốt. Nhưng cũng có những khu vực hoạt động không hiệu quả. Điều này có nghĩa là tất cả các bà mẹ và con cái của họ không có nhiều sự tiếp cận với việc chăm sóc y tế có chất lượng ở một số vùng khi so sánh với những vùng khác. Vì thế mà mặc dù chúng ta nói về xếp hạng quốc gia, chúng tôi cũng muốn công nhận những sự khác biệt thực sự ở một khu vực hoặc một nhóm sắc tộc so với những khu vực hoặc nhóm người khác.”
Bên cạnh Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Trung Quốc là ba nước thuộc top 5 các nước châu Á được xếp hạng là nơi sinh sống tốt hơn cho các bà mẹ. Giải thích lý do vì sao các quốc gia này đat được vị trí cao trong bảng xếp hạng, bà Bolles nói:
“Singapore, Trung Quốc, Bangladesh, Nhật, Nepal là một vài các quốc gia điển hình cho việc đầu tư đặc biệt vào các chính sách tập trung vào phụ nữ. Những nước này có nhiều phụ nữ nắm giữ các chức vụ chính trị hơn, nhiều phụ nữ là đại diện ở cấp quốc gia hơn, và nhiều phụ nữ được giáo dục hơn. Đây là một số những chỉ dấu. Lý do mà chúng tôi nhìn vào những chỉ dấu này trong bản phúc trình của chúng tôi là vì chúng thực sự có thể nói lên thể trạng của một người mẹ và gia đình. Nhiều phụ nữ hơn được giáo dục, thêm khả năng đưa ra quyết định ở cấp địa phương và cấp quốc gia, đầu tư nhiều hơn vào sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em và tình trạng kinh tế của hộ gia đình tốt hơn. Tất cả những điều đó là những gì mà Singapore, Trung Quốc, và một số quốc gia có thứ hạng cao khác ở châu Á đã đầu tư vào. Và đó chính là lý do vì sao họ đứng đầu bảng xếp hạng này.”
Không chỉ các nước lớn hay phát triển mới là những nơi sinh sống tốt cho các bà mẹ. Bà Bolles nhấn mạnh rằng một số các nước Nam và Tây Á khác cũng đã tạo ra nhiều tiến bộ bất ngờ trong một vài năm gần đây, như Bangladesh, Afghanistan, và Nepal. Đây là các nước phải trải qua các cuộc xung đột lớn và gặp phải các thách thức không thể tin nổi trong những năm vừa qua nhưng lại đang phát triển khá tốt.
“Một ví dụ có thể kể đến là Afghanistan, hay thực ra còn cả Bangladesh nữa. Trong những năm vừa qua, họ đã cắt giảm tỉ lệ thai phụ tử vọng xuống còn một nửa, và trong thực tế, Afghanistan đã cắt giảm tận 2/3. Và điều này có nghĩa là những quốc gia này đang đầu tư các khoản vào việc chăm sóc y tế có chất lượng, không chỉ cho các bà mẹ và các bé, mà còn hoạch định chính sách cho phép tất cả các bà mẹ và các em nhỏ được tiếp cận nhiều hơn tới những biện pháp chăm sóc đó.”
Bà Bolles nêu bật trường hợp Afghanistan một nước mà bất kể một khủng hoảng nhân đạo, trọng tâm của bản phúc trình năm nay, đã đầu tư đáng kể để cứu nhiều mạng sống như thay đổi các chính sách giáo dục cho bé gái hay tập huấn, sắp xếp phân bố thêm nhiều bà đỡ để các bà mẹ khắp nước cho dù không thể đến được một cơ sở y tế để sinh con thì cũng nhận được sự trợ giúp từ một người có chuyên môn.
Tuy nhiên không phải quốc gia châu Á nào cũng đều tiến bộ nhanh chóng như vậy. Có những nước mới chỉ đạt được tiến bộ từng bước một cách chậm rãi qua nhiều năm. Bà Bolles cho biết:
“Nepal là một ví dụ mà tôi thấy trong thập kỷ vừa qua chỉ mới tạo ra được những sự thay đổi rất nhỏ bắt đầu từ cấp độ địa phương và sau đó tiến tới những sự thay đổi trong chính sách quốc gia cho thấy việc đầu tư cứu những mạng sống ra sao. Negal đã bắt đầu thực hiện một vài biện pháp rất đơn giản. Khi nói tới đơn giản, tôi đang nói tới việc quấn và giữ ấm cho em bé, và tập cho các tình nguyện viên nữ nói chuyện với các bà mẹ về việc phòng ngừa bệnh tật và tử vong cho con cái họ như thế nào.
Qua nhiều năm, tổ chức 'Save the Children' đã nhận thấy có nhiều sự thay đổi mà chính phủ Nepal nói điều này cần trở thành một chính sách và cần được thực hiện khắp cả nước. Theo bà Bolles, trong thực tế, các nước khác cũng đang bắt đầu quay sang Nepal để tìm kiếm những câu trả lời như vậy. Hiện tại, tỉ lệ tử vong ở trẻ nhỏ đã giảm một cách đáng kể và Nepal đã có một câu chuyện tiêu biểu cho việc tiến bộ một cách chậm rãi.
Giám đốc cấp cao Y tế và Dinh dưỡng của 'Save the Children' cho biết thậm chí khi một đất nước không có nhiều tài nguyên sẵn có, một vài những giải pháp đã nói tới ở trên là cực kỳ đơn giản và không tốn kém. Nhưng có được sự hỗ trợ và đòi hỏi của chính phủ ở các cấp cao nhất, chính là điều cứu được nhiều mạng sống.