Thượng Hải là một đô thị lớn với 20 triệu dân; và nếu tính cả những người lao động nhập cư, số người ở thành phố này lên tới hơn 30 triệu.
Để chuẩn bị cho Hội chợ Thế giới, chính phủ Trung Quốc đã chi ra hơn 4 tỉ đô la, gấp đôi ngân khoản dành cho Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Truyền thông Trung Quốc ước tính rằng nếu cộng thêm phí tổn của các dự án hạ tầng cơ sở, kinh phí tổ chức Hội chợ Thế giới có thể lên tới hơn 40 tỉ.
Bên cạnh địa điểm Hội chợ với diện tích trên 5 cây số vuông ven sông Hoàng Phố, Trung Quốc còn xây một đường hầm dưới dòng sông. Và còn có 5 tuyến tàu chở khách đến địa điểm triển lãm.
Một phụ nữ họ Quách đến xem Hội chợ nói rằng rõ ràng đây là một sự kiện rất tốt cho Thượng Hải.
Bà Quách nói rằng Hội chợ Thế giới quả thật đã đem lại nhiều lợi ích, như các cơ cấu hạ tầng cơ sở được cải thiện, số tuyến đường xe điện ngầm gia tăng nhiều hơn. Đặc biệt là giao thông trong thành phố đã trở nên tiện lợi hơn. Nhưng bà cũng nói trong ít năm gần đây không khí ô nhiễm nhiều hơn và tiếp tục là một mối lo ngại cho người dân.
Trong 10 năm qua, số tuyến đường xe điện ngầm ở Thượng Hải đã tăng lên từ 1 cho tới 11, và một hệ thống đường xá phục vụ Hội chợ Thế giới đã được xây dựng.
Nhưng không phải chỉ có cơ sở hạ tầng là thay đổi. Một nữ thương gia, bà Mimi Chen, cho biết như sau.
Bà Chen nói: “Tôi cho rằng để tiếp đón tất cả những người khách đến thăm, chính tôi cũng phải cải thiện con người của mình. Chúng tôi phải cho thế giới thấy khuôn mặt tốt nhất của mình.”
Bà Chen bày tỏ hy vọng là chất lượng cuộc sống ở Thượng Hải rốt cuộc sẽ được cải thiện để tương xứng với những hạ tầng cơ sở mới.
Bà Chen nói tiếp: “Thật ra thì mỗi ngày con người chúng ta phải tốt dần lên. Và có khi tôi cảm thấy là không phải chỉ riêng nhà cửa, hạ tầng, môi trường ở đây nên giống một quốc gia phát triển, mà chất lượng của cuộc sống và của con người chúng tôi cũng nên làm sao để được giống như của những người ở các nước đã phát triển.”
Ông J.P. Wang, một giới chức lãnh đạo doanh nghiệp, ước ao rằng người dân Thượng Hải chẳng những nên cải thiện thói quen lái xe và cách cư xử của họ, mà còn nên cẩn trọng hơn trong vấn đề sử dụng năng lượng và có một lối sống thân thiện hơn đối với môi trường.
Theo ông, vì mức sinh hoạt tại Thượng hải trở nên tốt hơn, thì có một số người cũng muốn cải thiện cả chất lượng cuộc sống của họ nữa.
Ông Wang cho biết: “Người dân thành phố này bắt đầu bắt đầu nghĩ tới việc đền đáp cho xã hội. Một số các bạn đồng nghiệp và sinh viên của tôi đã bắt đầu phục vụ với tư cách thiện nguyện, nhằm giúp đỡ những người không có nhiều phương tiện tài chánh.”
Mặc dù sự phát triển của Thượng Hải đã giúp thành phố này trở nên một nơi tốt hơn để sinh sống, nhưng không phải tất cả mọi người đều cảm thấy họ nhận được những lợi ích một cách đồng đều, nhất là những người đến Thượng hải từ những thành phố khác của Trung Quốc . Kinh nghiệm đối với họ là “thành phố tốt hơn, đời sống cay đắng hơn”, bởi lẽ họ phải nhọc nhằn hơn để kiếm đủ sống. Không giống như những người ở Thượng Hải lâu năm, người dân nhập cư không có đủ tiền mà cũng không có sự giúp đỡ của bà con để có thể mua một căn nhà hoặc tìm cách ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó còn có hàng ngàn người dân đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa vì nhiều khu xóm bị san bằng để lấy chỗ xây dựng những hạ tầng cơ sở mới cho Hội chợ Thế giới.
Ông Phùng Chánh Hổ là người đứng ra giúp đỡ các nạn nhân của những vụ di dời tranh đấu cho quyền lợi của họ. Ông nói rằng khẩu hiệu của Hôi chợ Thế giới không phải lúc nào cũng phản ánh đúng sự thực.
Ông Phùng nói “Thành phố tốt đẹp hơn, đời sống tốt đẹp hơn” là một lý tưởng mà ai cũng theo đuổi. Nhưng trong quá trình phát triển, cuộc sống không phải lúc nào cũng trở nên tốt hơn, mà đôi khi còn trở nên tệ hơn.
Ông Phùng kết luận, Thượng Hải có thể dễ dàng bắt kịp những thành phố lớn trên thế giới về hạ tầng cơ sở, nhưng còn nhiều điều cần làm để có thể cải thiện hệ thống pháp luật và nâng cao tư cách của người dân.
Chủ đề của Hội chợ Thế giới Thượng Hải là “thành phố tốt đẹp hơn, đời sống tốt đẹp hơn”, vì vậy có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu xem dân chúng của thành phố chủ nhà nghĩ gì về cuộc sống ở đây. Nhiều người dân Thượng Hải cho biết họ đã có được một thành phố tốt hơn, vì hạ tầng cơ sở đã được cải thiện rất nhiều trong thập niên vừa qua. Tuy nhiên họ lại có những câu trả lời rất khác nhau khi được hỏi là đời sống của họ có tốt đẹp hơn hay không. Mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên William Ide gửi về từ thủ đô tài chánh của Trung Quốc.