Đường dẫn truy cập

Serbia sẽ ‘dùng vũ lực’ nếu Kosovo xây dựng quân đội


Thủ tướng Serbia Ana Brnabic đe dọa Kosovo về việc thành lập quân đội riêng
Thủ tướng Serbia Ana Brnabic đe dọa Kosovo về việc thành lập quân đội riêng

Thủ tướng Serbia hôm 5/12 nói rằng bất cứ việc xây dựng một quân đội thường trực nào ở Kosovo cũng sẽ khiến Belgrade can thiệp quân sự - hai thập niên sau khi người Kosovo gốc Albania nổi dậy chống lại sự áp bức của chính quyền Serbia.

Quốc hội Kosovo gồm đa số là người gốc Albania sẽ bỏ phiếu vào ngày 14/12 về việc chuyển lực lượng phòng vệ của họ gồm 4.000 binh lính vốn cho đến nay chủ yếu được trang bị sơ sài trở thành quân đội thường trực.

Mặc dù quá trình này phải mất nhiều năm, các chính trị gia Serbia vẫn khăng khăng cho rằng quân đội Kosovo sẽ được dùng để trục xuất những người Serbia thiểu số còn lại ra khỏi Kosovo, một cáo buộc mà các nhà lãnh đạo Kosovo, vốn dựa vào sự ủng hộ của Liên minh châu Âu và Mỹ để thực hiện cải cách và phát triển đất nước, bác bỏ.

“Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ không bao giờ phải sử dụng quân đội, nhưng hiện giờ đây là một trong số các khả năng đang được xem xét do chúng tôi không muốn thấy thanh lọc sắc tộc,” Thủ tướng Serbia Ana Brnabic phát biểu trước các phóng viên ở Belgrade.

Các nhà phân tích trên bán đảo Balkan cho rằng bất cứ hành động nào của quân đội 28.000 quân của Serbia chống lại Kosovo là rất khó có khả năng xảy ra do Belgrade mong muốn xây dựng quan hệ với EU và rằng lời phát biểu của bà Brnabic dường như là để xoa dịu những người Serbia chủ trương chủ nghĩa dân tộc.

“Lời phát biểu của Thủ tướng Brnabic mâu thuẫn với tuyên bố mới đây của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic rằng triển khai quân đội Serbia đến Kosovo sẽ dẫn đến xung đột trực tiếp với NATO,” ông Milan Karagaca, người từng là nhà ngoại giao quân sự, cho biết.

Mối quan hệ giữa Serbia và Kosovo, vốn tuyên bố độc lập vào năm 2008, đã trở nên căng thẳng và xấu thêm khi Pristina hôm 21/11 đánh thuế 100% hàng nhập khẩu từ Serbia trong một động thái trả đũa rõ ràng đối với việc Belgrade vận động không cho Kosovo gia nhập Interpol, cơ quan cảnh sát quốc tế.

Thủ tướng Brnabic nói rằng việc tăng thuế này sẽ đình trê hoạt động giao thương với Kosovo, khiến Serbia thiệt hại 42 triệu đô la một tháng. Tuy nhiên, Tổng thống Vuci hôm 4/12 nói rằng Serbia sẽ không có biện pháp phản ứng.

EU đã nói rằng cả Belgrade và Pristina cần phải bình thường hóa quan hệ và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác còn tồn đọng như là điều kiện để được xét gia nhập EU mà cả hai nước đều mong muốn.

Kosovo, vốn là một tỉnh của Serbia, đã tuyên bố độc lập một thập niên sau khi NATO tiến hành không kích để chấm dứt việc quân đội Serbia giết hại và trục xuất người Albania thiểu số trong cuộc chiến chống nổi dậy kéo dài hai năm. Kể từ đó, Kosovo đã được 110 quốc gia công nhận ngoại trừ Serbia, Nga và năm quốc gia thành viên EU.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG