Hoàng gia A-rập Xê Út xem Thái tử Sultan bin Abdul-Aziz là một diễn viên chính trên sân khấu chính trị đất nước.
Sự qua đời của viên phó thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng này, và là người sẽ lên thay Vua Abdullah, đặt ra nhiều câu hỏi cho đất nước có xáo trộn nội bộ âm ỉ và thách thức từ Iran, quốc gia đối nghịch trong khu vực.
Trên đường phố Riyadh, ông Husam al Mezani cho biết:
“Đất nước sẽ để tang cho nhân vật chẳng những đã có nhiều quyết định về an ninh quốc gia từ mấy chục năm qua, mà có là người đã thực hiện nhiều công việc từ thiện. Thái tử sẽ được nhiều người luyến tiếc, kể cả già trẻ, nghèo đói, bệnh hoạn.”
Về chuyện ai sẽ là người kế vị ngai vàng sau khi Sultan chết, vua Abdullah, 86 tuổi, đã tỏ ý cho thấy sẽ chọn Thái tử Nayaf, đệ nhị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ, theo đúng truyền thống kế vị của nước này.
Vua Abdullah, Sultan và Thái tử Nayaf đều là con của Abdul-Aziz, người lập ra A-rập Xê Út ngày nay. Abdul-Aziz còn được biết đến với tên Ibn Saud.
Thái tử Nayaf đi sát với lời dạy của các giáo sĩ hơn Vua Abdullah, một người thỉnh thoảng có đưa ra những cải cách, mới nhất là sẽ cho phụ nữ tham gia bầu cử trong vài năm nữa.
Các quan sát viên chính trị trông đợi dù ai lên kế vị đi nữa, người này sẽ tiếp tục chính sách thân thiện và là đồng minh sát cánh với Hoa Kỳ.
Chính sách này được thể hiện rõ trong suốt gần 50 năm vừa qua, khi Sultan còn sống và giữ chức bộ trưởng quốc phòng, quốc gia nhiều dầu hỏa này đã mua hàng tỉ đôla chiến cụ của Hoa Kỳ.
Nhà báo Samar Fatany của A-rập Xê Út cho biết kể cả vài năm cuối cùng của cuộc đời, dù bệnh nặng, Sultan cũng giữ được sự đoàn kết trong nội bộ hoàng gia.
Theo trông đợi, Thái tử Khaled, con trai của Sultan sẽ đảm nhiệm chức bộ trưởng quốc phòng của cha. Trước đó, một người con khác, Thái tử Bandar, đã làm đại sứ tại Mỹ từ hơn 20 năm qua.
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chia buồn với A-rập Xê Út. Ông gọi Thái tử Sultan là “người bạn giá trị của Hoa Kỳ” và là “một đối tác quan trọng, một người ủng hộ quan hệ mạnh mẽ và sâu xa giữa hai nước.”
A-rập Xê Út cũng phải trả một cái giá cho mối quan hệ này. Năm 1991, khi Sultan cho phép Hoa Kỳ đặt căn cứ để mở cuộc tiến quân vào Iraq trong cuộc chiến vùng Vịnh, al-Qaida đã lấy lý do đó để tuyên chiến với cả Hoa Kỳ lẫn A-rập Xê Út, vì mạng lưới khủng bố này không chấp nhận sự có mặt của quân đội nước ngoài trên vùng đất thiêng liêng của Hồi giáo.
Tang lễ cho Sultan sẽ được cử hành vào thứ Ba.
Cái chết của Thái tử Sultan bin Abdul-Aziz, người có quyền kế vị ngai vàng của A-rập Xê Út, đặt ra nhiều câu hỏi cho tương lai nước này, vì thái tử là người nắm nhiều quyền lực lúc còn sinh thời.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1