Đường dẫn truy cập

Sau Ukraina, Nga sẽ dồn ép tiếp Moldova, Gruzia?


Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc nhở Ukraina rằng họ còn nợ những ngân hàng của Nga 30 tỉ đô la
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc nhở Ukraina rằng họ còn nợ những ngân hàng của Nga 30 tỉ đô la
Sau khi Nga buộc Ukraina phải ngoảnh mặt trước việc gia nhập Liên minh châu Âu vào tuần trước, các nhà phân tích băn khoăn liệu Moldova và Gruzia sẽ là những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ kế tiếp phải chịu áp lực của điện Kremlin.

Câu trả lời có thể sẽ có sau khi các nhà lãnh đạo EU hội họp vào thứ Năm và thứ Sáu này tại thủ đô Vilnius của Lithuania với các nhà lãnh đạo của sáu nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Hai trong số những nước này - Belarus và Azerbaijan - không hứng thú với việc ký kết hiệp định hợp tác thương mại tự do và chính trị với EU. Hai nước khác - Ukraina và Armenia - mới đây đã bỏ ngang dưới áp lực nặng nề của Nga.

Hai nước còn lại - Moldova và Gruzia - nói rằng họ sẽ phớt lờ áp lực của Nga và ký kết hiệp định với EU.

Nhưng trong một tín hiệu gửi đến tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Nga đang khiến Ukraina ‘mướt mồ hôi.’

Hôm thứ Tư, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đe dọa sẽ hủy bỏ tất cả các dự án không gian và công nghiệp quốc phòng chung nếu Ukraina tiến bước về EU. Và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc nhở Ukraina rằng họ còn nợ những ngân hàng của Nga 30 tỉ đô la.

Giờ các nhà phân tích tự hỏi liệu Moldova và Gruzia sẽ là đối tượng kế tiếp.

Áp lực

Ông Pawel Wisniewski mới đây đã viết một báo cáo cho Trung Tâm Carnegie ở Moskva về sáu quốc gia trong "Quan hệ đối tác Đông Âu" của EU. Ông nói Moskva thường đem đường ống dẫn khí từ thời Liên Xô ra để gây áp lực với các nước trong khu vực.

"Vấn đề năng lượng là cách dễ nhất để Nga giật dây trong khu vực thuộc Quan hệ đối tác Đông Âu, và đó là điều đầu tiên họ luôn cố làm," ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Ba Lan. "Ðó là trường hợp của Belarus, Armenia và Ukraina. Đó là bước đầu tiên."

Tuần này, Tổng thống Putin đã nhắc nhở Ukraina rằng nước này cũng nợ hơn một tỉ đô la tiền khí đốt theo một hợp đồng cung cấp của Nga kéo dài đến năm 2019.

Tháng trước, Phó thủ tướng Rogozin đã dọa sẽ cắt khí đốt tới Moldova.

Ông Wisniewski dự đoán giờ Kremlin sẽ thị uy với Moldova.

"Vì Ukraina không thể làm gương cho Quan hệ đối tác Đông Âu, Moldova nắm giữ vai trò đó," ông nói về nước nghèo nhất châu Âu. Moldova chỉ có 3,5 triệu dân - ít hơn tám phần trăm so với dân số của Ukraina.

Moldova đang ở tình thế ngặt nghèo. Đảng lớn nhất của nước này là Đảng Cộng sản Moldova, hiện đối mặt với một liên minh mong manh những đảng phái thân phương Tây. Nga kiểm soát một khu vực ly khai của Moldova.

Nhưng bà Nadia Arbatova, một chuyên gia châu Âu tại Viện Khoa học Nga, cho rằng Moldova an toàn. Nước này chưa bao giờ vượt qua lằn ranh đỏ của Kremlin - muốn gia nhập NATO.

"Với Moldova thì dễ hơn so với những nước khác, vì ngay từ đầu Moldova tuyên bố mình trung lập. Họ chưa bao giờ nêu vấn đề trở thành thành viên của NATO," bà nói ở Moskva. "Và tôi không nghĩ rằng Moldova sẽ ngoảnh mặt lại. Tôi nghĩ họ sẽ theo đường lối châu Âu của mình."

Nhưng ông Kirill Entin, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và Quốc tế ờ Moskva, cho biết lịch sử gần đây đã dạy Kremlin biết rằng việc mở rộng khối NATO thường theo sau việc mở rộng thành viên EU.

"Ban đầu, Nga có quan điểm hoàn toàn trung lập, nếu không muốn nói là tích cực, về việc mở rộng EU," ông nói. "Bởi vì việc mở rộng Liên minh châu Âu đối nghịch với việc mở rộng khối NATO. Không may là Nga đã lầm. Hai quá trình này thực tế gần như đi đôi với nhau. Các nước vùng Biển Baltic gia nhập EU rồi vào NATO luôn. Và tất nhiên về mặt lịch sử, Nga không thể hoàn toàn tách bạch hai quá trình này."

Ông Wisniewski nói sau khi để mất Ukraina, các nhà lãnh đạo EU nên tiến bước quyết liệt tại Vilnius. Họ nên mời mọc bằng những khoản tín dụng và miễn thị thực du hành cho Moldova và Gruzia, hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vẫn còn hướng tới phương Tây.

"Họ thực sự cần đề xuất chế độ miễn thị thực cho Moldova," ông nói. "Bởi vì không có điều này, sẽ chẳng ai coi Quan hệ đối tác Đông Âu còn quan trọng nữa."

Những ngày sắp tới sẽ cho biết liệu EU sẽ nỗ lực cứu vãn chương trình mở rộng của mình tới các nước cộng hòa của Liên Xô cũ hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG