Đường dẫn truy cập

Sau Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân có sang Washington?


Trong chuyến thăm Việt Nam để dự cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 từ ngày 27 tới 28/2/2019 tại Hà Nội, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã mời Tổng bí thư/ Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Washington để phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay ông Nguyễn Phú Trọng đã nhận lời mời, và thời gian cụ thể của chuyến thăm "sẽ được thông báo vào thời điểm thích hợp." Gần 5 tháng đã trôi qua, thời điểm có lẽ vẫn chưa thích hợp bởi vì ông Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh và chưa hồi phục hẳn. Giáo sư Tạ Văn Tài từng giảng dạy tại trường Luật Đại học Harvard, là một học giả tâm huyết với các vấn đề Việt Nam và thường xuyên tiếp xúc với giới học giả/ quan chức ngoại giao Mỹ-Việt, đưa ra một số nhận định về lời mời và đáp ứng của phía Việt Nam, cũng như về Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người vừa có chuyến công du Trung Quốc và được xem là có triển vọng thay thế Chủ tịch nước sang thăm chính thức Hoa Kỳ. Mời quý vị theo dõi câu chuyện giữa Giáo sư Tạ Văn Tài và Hoài Hương của VOA-Việt ngữ sau đây.


VOA: Thưa Giáo sư, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chính thức mời Tổng Bí Thư/Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ, nhưng với bệnh trạng của ông Trọng, thì liệu bà Kim Ngân hoặc một người nào khác có thể thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công du nước Mỹ?

Giáo sư Tạ Văn Tài: “Vì Tổng Bí Thư và Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trong những tháng qua rất ít xuất hiện ngay cả trong những dịp cần thiết, như gặp cử tri hay chứng kiến việc ký các hiệp ước quốc tế ở trong nước, ông không ra hải ngọai trong vai trò nguyên thủ như xưa, mà chỉ thấy Thủ Tướng Phúc đi hôi nghị G20, hay tháng 7/2019 này, bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đi Trung Quốc–trong khi từ trước đến nay đi Trung Quốc thường do Tổng Tịch dẫn đầu phái đoàn -- nên ta có thể đoán là sức khỏe cụ Tổng Tịch chưa chắc phục hồi mau đủ cho việc đáp lời mời của TT Trump sang thăm Toà Bạch Ốc trong thời gian ngắn, vì Mỹ đang ráng chờ cụ Tổng từ thời gian dự kiến qua Mỹ tháng 6. Trong cuộc hội thảo Asia Policy Assembly của NBAR tại Washington DC ngày 18/6, một thứ trưởng Mỹ đã nói là Mỹ chờ đợi. Một nhà ngoại giao Việt Nam có nói với tôi là chắc cụ Tồng không đi thì chắc không ai đi cả, tuy ông có hứa với tôi là sẽ báo tin nếu có thay đổi gì khác, nghĩa là rút cục việc ngoại giao cần quá thì phải có ai thay cụ Tổng đi không… Tóm lại chuyện cụ Tổng sẽ đi Mỹ hay không, thì ta chỉ có thể phỏng đoán, vì còn:

  1. tuỳ sức khỏe của ông,
  2. tuỳ ông có sẵn sàng bỏ dịp rất quan trọng để thực hiện cuộc thăm viếng quốc khách có chính danh quốc trưởng, chắc chắn đựoc đón linh đình hơn cuộc viếng thăm TT Obama năm 2015 -- nhưng hồi đó với tư cách Đảng trưởng, với sự áy náy ( nhân viên ngoại giao nói thế với tôi) là không biết người Mỹ có tiếp đàng hoàng, đủ tư cách không (nhất là sau khi Brazil không đủ lễ nghi nên cụ Tổng đã từ Cuba, bỏ về Việt Nam mà không đi tiếp qua Brazil.
  3. tuỳ theo nhu cầu ngoại giao sáp lại gần Mỹ cấp bách hơn vì áp lực của Trung quốc tại Biển Đông, khiến phải cử người thay ông Trọng sang gặp ông Trump gấp, hay tình hình cho phép có thể hoãn cuộc thăm viếng cuả cấp cao nhất cho tới khi sức khỏe phục hồi.

Trong quá khứ, Việt Nam đã cố gắng bắt mau dịp may sáp lại Mỹ như Tổng Trọng rất mừng được gặp Obama tại Toà Bạch Ốc năm 2015, và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc vận động qua một luật sư đang xin mở casino ở Việt Nam, có đuờng telephone thẳng đến Toà Bạch Ốc gợi ý cho ông Phúc qua gặp, và òng Phúc, năm 2017, sang Mỹ gặp ông Trump rất sớm, chỉ sau Thủ Tướng Abe và Tập Cận Bình. Và kinh nghiệm về kết quả những chuyến đi gặp mau mắn, kịp thời, các TT Mỹ trong quá khứ, có lẽ sẽ hối thúc Việt Nam hành động mau mắn để bắt kịp thời cơ.

Hiện chưa có gì dứt khoát cụ Tổng có đi Mỹ hay không, nhưng tôi đoán chế độ, lấy kinh nghiệm phải phòng bị sẵn, việc có thể cử Chủ tịch Quốc hội, bà Ngân, đi thay, và muốn thế thì phải để cho bà Ngân sang Tàu trấn an mọi nghi ngờ của Tàu là Việt Nam sẽ bỏ chính sách không liên minh với nước nào để chống nước nào khác, tức là chính sách quân bằng thế lực, đi dây giữa các cường quốc.

Chuyến đi Tàu của bà Kim Ngân không thuộc loại tham khảo song phương Tàu-Việt định kỳ, mà các quan chức cấp dưới nhiều bộ đã làm, mà có lẽ thuộc loại các chuyến đi của các chủ tịch nước hay tổng bí thư trước đây vẫn thực hiện trước khi qua Mỹ để giảm nghi ngờ của Tàu khi Việt Nam đi những bước xích lại gần Mỹ hơn.

VOA: Tại sao lại là bà Ngân, mà không phải Phó Chủ tịch nước Đặng thị Ngọc Thịnh, hay ông Trần Quốc Vượng, là người có vẻ được Tổng Bí Thư NPT ưu ái hơn, trong những lần xuất hiện gần đây nhất?

Giáo sư Tạ Văn Tài: Đứng về mặt Luật hiến Pháp, mà ngừoi Mỹ vốn quen với nền Pháp trị, hay viện dẫn các nguyên tắc và diễn tiến hiến định, thì bà Ngân là người cao nhất nước vì bà là chủ tịch Quốc Hội, mà Hiến pháp Việt Nam gọi là cơ quan quyền lực tối cao. Đi Mỹ, thay cho Tổng Tịch--vừa lãnh đạo Đảng cao nhất, vừa là quốc trưởng Đại điện cao nhất cho nước Việt Nam, nhưng vì ốm đau ở nhà--thì bà Ngân có tư cách Đại điện quốc gia Việt Nam tại Mỹ, chính danh hơn người lu mờ là bà phó Ngọc Thịnh và ông thuần tuý Đảng Trẩn Quốc Vượng.

Ông Trọng được TT Trump mời qua Mỹ mà cứ im lặng về ngày đi, có lẽ sức khỏe còn chưa ổn để có cuộc thăm viếng cấp nhà nước, cũng chưa đủ để ông xuất hiện thường xuyên trước công chúng Việt Nam, cho nên rất có thể đành phải chuẩn bị cho Bà Ngân, chủ tịch cơ quan quyền lực cao nhất, làm việc ngọai giao với tư cách quyền quốc trưởng đi sang Mỹ gặp Tổng thống Trump, bởi nếu bắt Trump chờ lâu quá, sẽ mất dịp thuận lợi cho ngoại giao thân Mỹ với một cuộc viếng thăm cấp nhà nước, để quân bình với Tàu.

VOA: Tại sao lãnh đạo Việt Nam luôn luôn sang thăm Trung Quốc ngay trước, hoặc sau khi đi thăm Hoa Kỳ?

Giáo sư Tạ Văn Tài: Đó là nhu cầu trấn an Trung Quốc , cho ra vẻ Việt Nam không liên minh với nước này chống nước kia-- tuy với chủ quyền quốc gia về bảo vệ lãnh thổ, biển đảo, về an ninh quốc phòng, Việt nam có quyền cộng tác từng việc với các đối tác nào làm lợi cho Việt Nam, kể cả Mỹ. Thì cũng theo gương Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, thắng nhà Thanh rồi thì đâu có thù nước Tàu mãi, mà xin cưới công chúa, giao hảo. Đó là theo quy tắc vừa cương vừa nhu, vừa đánh vừa đàm. Khi hội thảo tại Đà Nẵng nhân vụ Trung quốc đem giàn khoan 981 đi vào thềm lục địa Việt Nam, tôi có đề nghị Quốc hội nên ra nghị quyết toàn viện kết án giàn khoan, theo Luật Pháp quốc tế, nhưng bỏ phiếu kín để không lộ diện đại biểu quốc hội nào thù nghịch với Trung Quốc. Nhưng họ không làm mà chỉ ra tuyên ngôn của Ban Thường vụ Quốc hội thôi vì họ muốn đi một bước dè dặt hơn, ra một giải pháp nửa chừng, dút dát là 3,4 người trong ủy ban thường vụ quốc hội ra một bản tuyên bố thôi chứ không ra một nghị quyết toàn viện.

VOA: Thưa Giáo sư, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã qua Mỹ nhiều lần, người Mỹ đánh giá bà ra sao?

Giáo sư Tạ Văn Tài: Người phụ nữ này có dịp qua Mỹ nhiều lần, kể cả dẫn đầu phái đoàn đại biểu quốc hội qua Harvard dự hội thảo về các vấn đề làm chính sách, mà Harvard thường xuyên tổ chức cho cả các dân biểu, nghị sĩ Mỹ bao nhiêu năm rồi, do đó bà Ngân rất quen thuộc với các giao dịch ngoại giao với Mỹ, và được nhiều người Mỹ quý mến, một ông Mỹ trong Chương Trình Harvard Vietnam Program đã nhận nhiều đợt du sinh và học giả Việt Nam, và lập Đại Học Fulbright tại Việt Nam, gọi bà Ngân là "my sister" trong bữa tiệc kết thúc seminar. Gần đây, bà Ngân, sau khi ông Trọng ít xuất hiện, có lẽ được ông ủy thác việc cho nên bà chủ tọa Quốc Hội với thái độ và lời nói tự tin hơn trước, đôi khi ngắt lời các đại biểu đang chất vấn.

VOA: Giáo sư là người nhiều lần tiếp xúc với bà Kim Ngân, xin Giáo sư đưa ra một nhận định về cá nhân bà, cũng như tiềm năng/ xu hướng lãnh đạo của bà? Liệu bà là một nhân vật thân Mỹ hay thân Tàu? Có tìm cách thoát Trung, xích lại gần Mỹ, hay cân bằng “đu dây” giữa hai cường quốc?

Giáo sư Tạ Văn Tài: Tôi chỉ gặp bà có hai lần. Bà có lối nói chuyện thân tình, đầm ấm, thành thật, ngay từ những giây phút đầu, bằng lời nói cũng như cử chỉ, bà nói chuyện rất lâu với tôi, cắt nghĩa rành rọt việc Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang, năm đó chưa là chủ tịch nước, đi sang Mỹ cùng bà, cắt nghĩa cho người Mỹ tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, để TT Obama tiếp đón Tổng Bí Thư Trọng tại Toà Bạch Ốc.Tôi không dám nói bà thân Mỹ hay Tàu, chỉ đoán có lẽ bà theo lối đi dây giữa các cường quốc, vì khuynh hướng thích ứng theo thời cuộc, như việc bà nói luật đặc khu Bộ Chính trị đã quyết, thế mà rồi chắc bỏ luôn dự luật này rồi.

Thiết nghĩ bà có sự quyết đoán trong cách lãnh đạo, như trong cách điều hành phiên họp quốc hội nói trên, có khi hơi mạnh tay quá, như thay vì ném vài mồi nhỏ xuống ao cá vàng cạnh nhà chòi của Hồ Chí Minh như TT Obama làm khi đứng cạnh bà, thì bà đổ cả rổ mồi cá xuống ao cá vàng!

VOA: Thưa Giáo sư, cơ hội nào cho một phụ nữ như bà Nguyễn Thị Kim Ngân nắm giữ chức vụ quyền lực nhất nước? Ưu và khuyết điểm?

Giáo sư Tạ Văn Tài: Khi các kỳ phùng địch thủ tranh quyền, hạ nhau, thì những người có vẻ hiền lành, không thủ đoạn nguy hiểm sẽ là mẫu số chung để các phe đối dịch đồng ý chọn, như một trọng tài, thí dụ như ông Nông Đức Mạnh, hiền khô, đã được chọn làm tổng bí thư. Bà Ngân rất có thể có vai trò làm mẫu số chung vô hại cho các kỳ phùng địch thủ khác chọn làm quốc trưởng.

VOA: Như vậy Giáo sư nghĩ là hiện giờ đang có những ‘kỳ phùng địch thủ’ tranh quyền hạ nhau ở Việt Nam?

Giáo sư Tạ Văn Tài: Vâng, cái đó thì nhiều người cũng đoán như vậy bởi vì đó cũng là luật tự nhiên của việc tranh chấp ở cấp quyền lực cao nhất. Từ ngàn xưa các hoàng tử cũng giết nhau để tranh ngôi vua.

Vừa rồi là câu chuyện giữa Giáo sư Tạ Văn Tài và Hoài Hương của VOA-Việt ngữ. Giáo sư Tạ Văn Tài từng giảng dạy tại trường Luật Khoa Sài Gòn và Quốc Gia Hành chánh. Sang Hoa Kỳ năm 1975, ông tiếp tục ngành luật và từng giảng dạy tại trường luật đại học Harvard.

VOA Express

XS
SM
MD
LG